Bóng Đá Plus trên MXH

Công thức để tạo nên nhà vô địch Champions League: Đầu tiên, hãy là một đội bóng giàu có
Vịnh San • 03:50 ngày 13/04/2016
Làm thế nào để xây dựng đội bóng chiến thắng Champions League? Nếu như coi đây là một phi vụ kinh doanh (mà biết chắc sẽ thu lời lớn trong trường hợp thành công), điều đầu tiên là phải có tiền. Thậm chí rất nhiều tiền.
    Tiền không thể mua được mọi thứ, nhưng không tiền, sẽ không có mọi thứ. Ở vào thời đại ngày nay, không gian dành cho các câu chuyện cổ tích rất ít và cụm từ “tiền không mang lại thành tựu” chỉ là sự bao biện của những ai không có cơ hội tiêu tiền. 

    Tại sao những nhà tỷ phú luôn là niềm cảm hứng cho hầu hết mọi người? Đơn giản vì hai chữ “tỷ phú” gắn với họ. Khi có tiền, cuộc sống đương nhiên dễ dàng hơn rất nhiều.

    TIỀN BỎ RA, DANH HIỆU TỚI

    Trong bóng đá, tiền lại càng quan trọng. Một đội bóng sẽ không giành được bất cứ thứ gì nếu chỉ là tập hợp các cầu thủ vô danh và nói rằng, họ chỉ chơi với niềm đam mê. Để có một đội ngũ mạnh mẽ cần phải đầu tư. Và nếu muốn chiến thắng ở một giải đấu như Champions League, thật khó để nói bao nhiêu là đủ.

    Hãy hình dung khi trở thành nhà vô địch, một CLB sẽ thu lại bao nhiêu? Theo ước tính, tổng số tiền thưởng và bản quyền truyền hình, doanh thu bán vé, lợi nhuận thương mại có thể lên đến gần 100 triệu euro. 

    Trong mỗi mùa, nếu tính từ vòng sơ loại có đến 78 đội đến từ 53 liên đoàn thành viên UEFA cạnh tranh cho một danh hiệu vô địch. Theo mỗi giai đoạn, con số này sẽ bị lược bớt và những đội cuối cùng thường có đặc điểm chung: Giàu có và chi tiêu lớn.


    Ở mùa hiện tại, 5 đội bóng đang có mặt ở vòng tứ kết nằm trong Top 6 kiếm tiền tốt nhất thế giới theo công bố mới nhất của Deloitte, gồm Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich, Man City và PSG. Trong số này, 4 cái tên đầu tiên thuộc Top 5 CLB giàu nhất thế giới theo số liệu của Forbes. Rõ ràng, tiền liên hệ mật thiết tới thành công. 

    Nếu hỏi những đội bóng từng lên ngôi Champions League, bí quyết là gì? Họ sẽ nói ngay: mua sắm bạo tay. Tổng số tiền dành cho chuyển nhượng của Barcelona vào mùa trước là 165,2 triệu euro. Real Madrid 2013/14 là 175,5 triệu. 

    Bayern 2012/13 là 66 triệu và Chelsea 2011/12 là 101 triệu. Nhân tiện nói đến Chelsea, đây là phản đề lớn nhất của quan niệm “tiền không mua được thành công”. 

    Từ một đội bóng chỉ 1 lần dự Champions League trong quá khứ, Roman Abramovich không tiếc tiền của đầu tư và cải tạo The Blues thành một thế lực ở châu Âu. Sau 9 năm và tổng số tiền chi cho chuyển nhượng lên đến 895 triệu euro (sẽ là 958 triệu nếu bao gồm tiền lương), cuối cùng tỷ phú người Nga cũng nhìn thấy CLB của mình trở thành nhà vô địch vào năm 2012.

    Điều này cũng tương tự Real Madrid. Kể từ sau danh hiệu năm 2012, đội bóng Hoàng gia đã tiêu tốn 1,24 tỷ euro suốt 12 năm ròng để lại lên ngôi một lần nữa. Trong số 62 cầu thủ được mang về giai đoạn này, 4 cái tên nằm trong Top 11 ngôi sao đắt nhất mọi thời đại. 

    ĐẮT XẮT RA MIẾNG

    Nhìn lại 10 trận chung kết Champions League gần đây nhất, đồng tiền có tiếng nói tối quan trọng. Trung bình tổng giá trị đội hình của các nhà vô địch là 249 triệu euro còn các đội á quân là 161 triệu. Sự chênh lệch này nói lên rằng, đội ngũ đắt giá hơn có cơ hội chiến thắng nhiều hơn. 7/10 trận chung kết đã qua ngôi vô địch được trao cho những đội như vậy. 

    Cũng cần lưu ý, 2 trong số 3 trường hợp thất bại là cùng một cái tên: M.U (2008/09 và 2010/11). Mặc dù nói rằng chi phí lắp ráp đội hình của họ khá tốn kém nhưng sự thật là Barcelona không hề ngần ngại chi tiền. Đội bóng xứ Catalan có giá trị đội hình thấp hơn trong 2 mùa này (123,8 và 124,7 triệu) nhưng lại chiếm ưu thế nhờ vào khả năng tối ưu hóa hệ thống đào tạo trẻ. 

    Lần lượt, họ có 11 và 14 cầu thủ tốt nghiệp từ La Masia (như Messi, Xavi, Iniesta, Pedro, Busquets...) còn M.U chỉ có 7 và 9. 10 mùa giải qua, 70% đội vô địch ở các trận chung kết có số cầu thủ từ Học viện nhiều hơn so với đội á quân.



    Bên cạnh đó, những đội tiêu pha tằn tiện, liệu cơm gắp mắm cũng bị giảm thiểu cơ hội đăng quang. 10 nhà vô địch trở lại đây chỉ có trung bình 1,2 cầu thủ miễn phí hoặc theo dạng cho mượn trong khi với 10 á quân, con số này là 4,6. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm về chi phí đầu tư như đã nói. 

    Ví dụ vào năm ngoái, Juventus có tới 5 cầu thủ miễn phí (Pirlo, Rubinho, Pogba, Llorente và Coman) cùng 3 cầu thủ mượn từ nơi khác (Romulo, Pereyra và Matri) đã thất bại trước một Barca bỏ ra 244 triệu euro để xây dựng đội ngũ và không có bản hợp đồng nào giá 0 đồng. Đại diện Italia là một trong số 8 cái tên thua trận vì lý do này. Không có con đường rẻ rúng cho vinh quang châu Âu.

    ĐỪNG NGẠI THẤT BẠI

    Chấp nhận chi tiêu có nghĩa là sẽ có trong tay một tập thể cạnh tranh. Và với rất nhiều lựa chọn, thường sẽ xuất hiện một vài nhân vật ưu tú, gánh vác đội bóng đi đến đỉnh cao. Barcelona thành công trong những năm qua, ngoài các cầu thủ tự đào tạo còn có dấu ấn của Neymar, Suarez, Alves, David Villa, Henry. 

    Real thì quá rõ ràng với bộ ba BBC. Bayern có Ribery, Robben. Chelsea với Drogba. M.U có Ronaldo hay Inter sở hữu Sneijder, Milito và xa hơn nữa, năm Milan lên ngôi trùng khớp với thời kỳ đỉnh cao của Kaka. 

    Chuyển nhượng là một lĩnh vực nhiều rủi ro và không chắc tất cả số tiền bỏ ra đều tỏa sáng rực rỡ. Tuy nhiên, hãy cứ tiêu và đừng quá lo lắng về điều đó. Trong những thời điểm nhất định, các nhân tố phụ sẽ tạo ra khoảnh khắc tuyệt vời. 

    Ví dụ như Nicolas Anelka ở Real năm 2000. Tiền đạo người Pháp là một thương vụ thất bại nhưng bất ngờ đóng vai trò chính trong chức vô địch mùa giải đó. Anh ghi bàn trong cả 2 lượt trận bán kết trước Bayern và tham gia tạo nên bàn mở tỷ số của Morientes đêm chung kết. 


    Ở Stamford Bridge, các CĐV cũng tha thứ cho phong độ tồi tệ của Torres sau khi anh ghi bàn quyết định ở Nou Camp, giúp Chelsea hiên ngang vào chung kết 2012. Eto’o đã chơi hết sức nhạt nhòa tại Champions League 2009/10 và chỉ ghi được 2 bàn thắng, nhưng một trong số đó lại có ý nghĩa quyết định, đưa Inter vượt qua Chelsea ở vòng 1/8. Trong suốt 3 năm tại Barcelona, Belletti chỉ ghi duy nhất 1 bàn và nó được thực hiện ở chung kết năm 2006.

    Sau tất cả, một đội bóng nào đó muốn hiện thực hóa tham vọng vô địch Champions League, lời khuyên sẽ là, họ nên là một CLB giàu có. Bạn phải có tiền, rồi hãy theo đuổi giấc mơ.
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội