Bóng Đá Plus trên MXH

Tiền đạo xấu số Gaston Molina: Qua đời vì ma túy hay chứng trầm cảm?
09:08 ngày 16/04/2020
Đã 10 năm sau cái chết làm rúng động bóng đá Việt Nam của Gaston Molina Eduardo. Người ta chỉ biết tiền đạo người Argentina bị sốc ma túy trong một khách sạn tại TP.HCM và hết.

    Cái chết của người đàn ông trong khách sạn

    Trưa ngày 26/2/2010, một người đàn ông được xác định đã chết trong một khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão (Quận 1, TP.HCM). Thông tin từ cơ quan điều tra cho biết, nạn nhân có tên Gaston Molina Eduardo và mang quốc tịch Argentina. Trên cơ thể nạn nhân không có dấu hiệu thương tích do va chạm hay bị đánh đập. Ngay bên cạnh nạn nhận còn gần nguyên một gói bột màu trắng đang sử dụng dở và kim tiêm. 

    Không lâu sau đó, trước sự chứng kiến của gia đình, đại diện của Molina tại Việt Nam, đại diện CLB B.Bình Dương, đại diện Sở Ngoại vụ TP.HCM, cơ quan điều tra đã tiến hành giám định tử thi và đưa ra kết luận: Molina bị đột tử do sử dụng ma túy quá liều. Cơ quan pháp y xác định trong dịch phổi của Molina có chứa heroin và kết luận tiền đạo này chết do sốc ma túy, tức cũng giống kết luận ban đầu của cơ quan điều tra.

    Cái chết của Molina khiến tất cả bạn bè, đồng nghiệp của tiền đạo này bị sốc. Càng sốc hơn khi cầu thủ người Argentina dính dáng đến ma túy, điều mà trong quá trình chơi bóng, chẳng hề ai biết hoặc không đả động đến. Sau khi Molina qua đời, các đội bóng cuống cuồng siết chặt kỷ luật nội bộ, đặc biệt là đối với những cầu thủ có cuộc sống phức tạp. Và từ đây, rất nhiều câu chuyện gây sốc được khui ra, mổ xẻ nhằm răn đe, cảnh tỉnh nhưng người có lối sống buông thả.

    Molina (giữa) trong màu áo của SHB Đà Nẵng  	Ảnh: MINH TUẤN

    Sử dụng ma túy vì trầm cảm?

    Không phải cầu thủ xuất sắc như đồng hương Almeida, nhưng Molina cũng được đánh giá cao nhờ kỹ năng săn bàn. Mùa giải 2008, Molina hợp với Almeida trở thành cặp “song sát” tại V.League khi ghi đến 31/42 bàn thắng cho Đà Nẵng. Trong đó, Almeida giành danh hiệu Vua phá lưới với 23 bàn, còn Molina đóng góp 8 pha lập công. 

    Đến mùa giải 2009, Molina đóng góp 6 thắng. Nhưng tiền đạo người Argentina thường xuyên vi phạm kỷ luật, hay bỏ đội đi qua đêm mà không báo cáo. Cũng một vài lần, Molina “mất tích” trong vài tuần khiến BHL Đà Nẵng cuống cuồng đi tìm. Các đồng nghiệp khẳng định, Molina hay uống bia và thường “quắc cần câu” mỗi khi nhậu. Những lúc như thế, anh thường tá túc trong khách sạn thay vì trở về điểm danh như quy định. Molina đã bị Đà Nẵng sớm thanh lý hợp đồng vì những thói hư tật xấu như vậy chứ không hề có chuyện anh dính dáng đến chất gây nghiện.

    Molina chuyển đến B.Bình Dương vào cuối mùa giải 2009. Khi đó B.Bình Dương cần bổ sung ngoại binh cho chiến dịch AFC Cup nên đã quyết định tuyển mộ anh. Phong độ của Molina không đến nỗi nào. Thậm chí, anh còn chơi rất tốt khi cùng đội bóng đất Thủ lọt vào bán kết AFC Cup 2009. Bước sang mùa giải 2010, Molina tụt dốc không phanh và anh thường xuyên mắc chứng mất ngủ và lo lắng.

    Nguyên nhân được một người bạn thân có tên Bambi tiết lộ, Molina vẫn bị ám ảnh khi người anh sinh đôi qua đời trong một vụ tai nạn thảm khốc cách đó vài năm. Chưa dừng lại, trong thời gian này, người vợ ở quê nhà Argentina đâm đơn đòi ly hôn càng khiến Molina chán nản cuộc sống. Việc không được B.Bình Dương đăng ký thi đấu cùng với những cơn sốc từ gia đình có thể là ngọn nguồn dẫn đến chuyện Molina bị trầm cảm và anh đã tìm đến ma túy để giải sầu.

    Bóng đá thế giới từng chứng kiến nhiều câu chuyện đau buồn vì chứng trầm cảm. Ví dụ, sau cái chết của con gái, thủ môn người Đức Robert Enke đã lao đầu vào tàu hỏa để tự sát vì không vượt qua được nỗi ám ảnh. Cựu tiền vệ lừng danh Xứ Wale, Gary Speed khiến thế giới bóng đá sốc nặng khi treo cổ tự tử tại nhà riêng vì chứng trầm cảm. Cái chết của Molina bắt nguồn từ việc sử dụng ma túy quá liều. Nhưng có thể trước đó, tiền đạo xấu số người Argentina đã phải chịu đựng những chuỗi ngày stress vì chuyện tình cảm cá nhân và gia đình.

    Molina ra đi ở tuổi 29 như một sự giải thoát cho chính anh, nhưng nó để lại quá nhiều nỗi đau khi tiền đạo này đang bước vào độ chín của tài năng và đời người.

    Nỗi ám ảnh Musisi
    Cái chết của tiền đạo Molina làm rúng động bóng đá Việt Nam. Từ đây, những hồ sơ được lật lại bởi có rất nhiều ngoại binh đầu quân cho các CLB được nhận diện là “tay chơi” thứ thiệt. Điển hình như Musisi. Cầu thủ người Uganda được biết là một tài năng bởi từng khoác áo một vài đội bóng chuyên nghiệp của nước Pháp trước khi đến Việt Nam. Lúc thi đấu cho Đà Nẵng, Musisi là khách hàng thân quen của những quán bar và được coi là “ngựa hoang”. Sau khi rời Việt Nam, Musisi được xác nhận đã qua đời vì căn bệnh HIV/AIDS giai đoạn cuối.

    VÀI NÉT VỀ GASTON MOLINA EDUARDO 
    Sinh năm: 1980; tại: Cordoba, Argentina
    Cao: 1m75; nặng: 70kg
    Các CLB đã qua
    2002-2005: Liga Roca
    2006: Ferro Carril Oeste
    2007: Ferro Carril Oeste/Alvear FBC
    2008-2009: SHB.ĐN
    2010: Bình Dương

    XEM THÊM

    Tân binh HL Hà Tĩnh giảm lương

    Sài Gòn FC giảm lương cầu thủ

    CLB TP.HCM vẫn chưa xác định thời điểm hội quân

    Đam San • 09:08 ngày 16/04/2020

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay