Bóng Đá Plus trên MXH

Việt Nam từng 2 lần bị loại vì thể thức sắp áp dụng ở SEA Games

09 phút trước
Thể thức mới sắp áp dụng ở SEA Games từng khiến đội tuyển trẻ Việt Nam bị loại cay đắng.

    U22 Việt Nam đối diện với thể thức thi đấu mới mà quen tại SEA Games 33 - Ảnh: VFF

    Đẩy mạnh tính cạnh tranh 

    Theo đề xuất của LĐBĐ Thái Lan về môn bóng đá nam SEA Games 33 diễn ra cuối năm nay, 11 đội tuyển sẽ được chia ra làm 3 bảng thay vì 2 bảng như các kỳ đại hội trước đó. Hai bảng gồm 4 đội và một bảng có 3 đội. Các đội thi đấu vòng tròn một lượt, chọn ra 3 đội đứng nhất ba bảng giành vé vào thẳng bán kết. Chỉ đội nhì có thành tích tốt nhất mới có “vé vớt” vào vòng tiếp theo. Được biết, ý tưởng này đã được tổ chức đứng đầu bóng đá Thái Lan đệ trình lên LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) và LĐBĐ châu Á (AFC). Nếu hai tổ chức này thông qua, môn bóng đá nam sẽ áp dụng thể thức mới chưa từng có trong lịch sử môn bóng đá nam đại hội khu vực.

    Nhưng thể thức này không còn lạ lẫm với các giải khu vực và vòng loại châu lục. Trong gần 10 năm trở lại đây, các đội trẻ Đông Nam Á thực tế không còn lạ lẫm gì về quy chế hay điều lệ giải đó. Một loạt giải đấu bao gồm: U22 Đông Nam Á 2023, vòng loại U23 châu Á từ năm 2016 đến 2024, U19 Đông Nam Á 2024, vòng loại U20 châu Á 2025, U16 Đông Nam Á năm 2022 và 2024, vòng loại U17 châu Á năm 2023, 2025 đều đã áp dụng cách thức tương tự khi chia bảng và chọn lựa đội vào bán kết.

    SEA Games chuẩn bị áp dụng thể thức mới, giảm số trận đấu, tăng tính cạnh tranh

    Chưa nói đến thành tích của các đội tuyển trẻ Việt Nam ở những giải kể trên, thể thức mới mà chủ nhà Thái Lan muốn áp dụng tại SEA Games đang tạo nên 2 luồng quan điểm. Ở góc độ tích cực, đề xuất này sẽ rút ngắn thời gian diễn ra môn bóng đá nam. Nếu vẫn áp dụng cách chia 11 đội thành 2 bảng như nhiều kỳ đại hội trước đó, nội dung tranh chấp một bộ huy chương vàng SEA Games sẽ mất hơn 2 tuần thi đấu. Các đội tuyển trẻ nam tham dự cũng phải đối diện với cường độ hối hả, mật độ 2-3 ngày/trận. Nguy cơ xảy ra chấn thương rất lớn với nhiều đội, đặc biệt với các ứng viên đua tranh huy chương vàng như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia.

    Thể thức mới sẽ giúp số lượng trận đấu ở mỗi bảng giảm đi. Ngược lại, tính cạnh tranh trong các trận tăng lên nhiều. Bởi chỉ có đội đứng nhất bảng mới chắc chắn giành quyền đi tiếp. Đội đứng thứ nhì sẽ phải so kè với đối thủ cùng hạng ở bảng còn lại và hy vọng thành tích của mình đủ đứng nhất để đi tiếp. Mỗi trận đấu tại vòng bảng đều sẽ là cuộc chiến sống còn. Môn bóng đá nam SEA Games nhờ thế càng trở nên hấp dẫn và thu hút nhiều sự chú ý của cổ động viên.

    U22 Thái Lan có lợi thế với thể thức thi đấu mới tại SEA Games

    Tuy nhiên theo chiều ngược lại, ý tưởng của Thái Lan chưa nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ các Liên đoàn bóng đá thành viên trong khu vực Đông Nam Á. Trang CNN Indonesia đưa ra quan điểm: “Những thay đổi về thể thức thi đấu trong môn bóng đá có thể tạo nên lợi thế cho chủ nhà SEA Games 33 Thái Lan so với các ứng viên tranh huy chương vàng như Indonesia, Việt Nam hay Malaysia. Theo đó, việc chia bảng sẽ giúp chủ nhà U22 Thái Lan dễ nằm ở bảng đấu có 3 đội, qua đó đá ít trận hơn so với Việt Nam, Indonesia ở 2 bảng có bốn đội còn lại”.

    Việt Nam coi chừng “cạm bẫy”

    Như đã nói, trong 2 năm qua, các đội tuyển trẻ Việt Nam từ U17, U20 và U22 đã tham dự đủ 12 giải khu vực và vòng loại châu lục vốn áp dụng thể thức thi đấu mới. 10 trong số 12 giải đó, Việt Nam đều vượt qua vòng bảng.

    Ở VCK U16 Đông Nam Á 2024, vòng loại U17 châu Á 2023, các đội trẻ của Việt Nam đều đi tiếp với vị trí thứ nhất. Có hai lần U16 hay U17 Việt Nam phải nín thở chờ đợi lọt vào nhóm nhì bảng xuất sắc nhất để giành “vé vớt” đi tiếp. Cụ thể, tại VCK U16 Đông Nam Á 2022, thầy trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn chỉ đứng nhì bảng A. May mắn đã đến với lứa Công Phương, Long Vũ đúng ở lượt cuối bảng C, khi Australia cầm hoà thành công Malaysia.

    U16 Việt Nam lứa Công Phương từng may mắn lách qua khe cửa hẹp để vào bán kết - Ảnh: VFF

    Nhờ đó, U16 Việt Nam từ chỗ mất quyền tự quyết đã giành vé vào bán kết với tư cách đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. 2 năm sau, lứa đàn em với Việt Phong, Việt Anh, Gia Bảo vất vả dự VCK U17 châu Á 2025. Trận hoà 1-1 trước U17 Yemen tại lượt cuối vòng loại đẩy U17 Việt Nam xuống vị trí thứ 2. “Những chiến binh trẻ sao Vàng” dẫu sao vẫn lọt top 5 đội nhì tốt nhất để dự vòng chung kết.

    Với riêng đội U22/U23 Việt Nam, tại vòng loại châu lục từ năm 2016 đến nay, các lứa cầu thủ đều đi tiếp với tư cách đội nhất hoặc nằm trong nhóm đội nhì đi tiếp. Đặc biệt ở VCK U23 Đông Nam Á cách đây 2 năm, đoàn quân của HLV Hoàng Anh Tuấn đứng nhất bảng trước khi lên ngôi vô địch chung cuộc.

    Nhưng chính lứa cầu thủ này nếm trái đắng 2 giải liên tiếp vì thể thức chọn lọc gắt gao

    Nhưng không phải lúc nào Việt Nam cũng lách qua khe cửa hẹp. Năm ngoái, may mắn không còn đồng hành với lứa Công Phương tại U19 Việt Nam. Tại vòng bảng, U19 Việt Nam chỉ đứng thứ 2 sau Australia. Khi so sánh với 2 đội nhì tại các bảng còn lại, Việt Nam cũng xếp sau Thái Lan dẫn tới kết cục bị loại. Thất vọng tiếp nối ở vòng loại U20 châu Á 2025. Lứa Công Phương cũng chỉ đứng thứ 2 bảng đấu sau Syria. Cay đắng hơn, Việt Nam không thể góp mặt ở vòng chung kết, khi chỉ đứng thứ 6 trong nhóm các đội nhì.

    Đưa ra dẫn chứng kể trên vừa là động viên, song cũng là cảnh báo cho U22 Việt Nam của HLV Kim Sang Sik trước khi bước vào SEA Games 33. Nếu đề xuất từ phía chủ nhà Thái Lan được thông qua, nguy cơ U22 Việt Nam rơi vào bảng đấu khó rất dễ xảy ra. Dù có thành tích tốt trong 3 kỳ đại hội gần nhất và rộng cửa nằm ở nhóm hạt giống số 1, song không loại trừ việc U22 Việt Nam chung bảng với Indonesia hay Malaysia. Khi ấy, việc giành điểm tối đa hay tích luỹ bàn thắng để tạo đà về hiệu số sẽ trở nên khó khăn hơn với đoàn quân của HLV Kim Sang Sik.

    Vy Cầm • 09 phút trước

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay