Theo thông tin mới được chia sẻ với cả 20 CLB thành viên, Man City cho rằng Premier League đã điều chỉnh các quy tắc liên quan đến tài trợ của các bên liên quan (APT) theo hướng ưu ái cho Arsenal, Brighton, Everton và Leicester. Cụ thể, các khoản vay từ cổ đông - một hình thức cấp vốn từ chủ sở hữu - đang được loại khỏi phạm vi kiểm tra nghiêm ngặt, không như các nguồn tài trợ khác.
Đơn khiếu nại gửi lên một ủy ban trọng tài độc lập của Man City cho rằng những điều chỉnh này làm sai lệch cạnh tranh, đồng thời thiếu minh bạch, khách quan, chính xác và cân đối. Man xanh cũng lập luận rằng cần quay trở lại các quy định trước năm 2021 cho đến khi tranh chấp được giải quyết dứt điểm.
Hệ thống APT được đưa vào áp dụng từ năm 2021, sau khi Newcastle được tiếp quản bởi Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia (PIF), nhằm ngăn chặn các CLB bắt tay với các công ty có liên quan đến chủ sở hữu để ký hợp đồng tài trợ với mức giá "ảo".
Tuy nhiên, trong một phán quyết hồi tháng 10 năm ngoái, một ủy ban trọng tài độc lập đã tuyên bố việc loại trừ các khoản vay từ cổ đông khỏi hệ thống APT là không hợp pháp, dẫn đến việc Man City tuyên bố toàn bộ hệ thống APT là vô hiệu.
Đến tháng 2 năm nay, lập luận này của Man City đã được tòa công nhận, với phán quyết rằng các quy định APT trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 11/2024 là "vô hiệu và không thể thi hành". Dù vậy, Premier League đã thông qua bộ quy tắc APT mới vào cuối năm ngoái, và đây chính là mục tiêu tiếp theo mà Man City muốn thách thức về tính hợp pháp.
Kết quả của vụ kiện này, dự kiến được đưa ra vào cuối năm nay, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xác định liệu các khoản vay từ cổ đông có bị áp giới hạn hay không.
Trong khi đó, Man City vẫn đang phải đối mặt với 130 cáo buộc liên quan đến vi phạm các quy tắc tài chính của Premier League. Một ủy ban độc lập đã mất 12 tuần trong năm ngoái để xem xét bằng chứng, và phán quyết - được mô tả là "phiên tòa thế kỷ" của bóng đá - dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.