Con mắt của Real Madrid thấu đáo mọi diễn biến ở thị trường. Họ liên tục giám sát để tìm kiếm những mục tiêu phù hợp. Hãy xem trường hợp Leny Yoro. Cầu thủ người Pháp đã sang MU trong sự thờ ơ của chủ tịch Florentino Perez, CEO Jose Angel Sanchez và trưởng bộ phận tuyển trạch Juni Calafat. Real Madrid cần một trung vệ trẻ giàu tiềm năng, nhưng đó không phải là Yoro, người sang MU để trị thương.
Real Madrid biết mục tiêu nào xứng đáng "bóp cò". Họ thích Vitor Reis hoặc Yarek Gasiorowski, nhưng cũng còn những lựa chọn khác. Los Blancos có sự hấp dẫn của một CLB thành công bậc nhất, nên họ muốn ai là có. Nhưng trước hết, anh ta phải có doanh số bán áo đủ làm cân bằng phương trình tài chính của Perez.
Đây là cách Real Madrid vẫn làm trong nhiều năm qua. Thập kỷ vừa qua là một ví dụ. Có tới 25 CLB có số tiền chi chuyển nhượng cao hơn Real Madrid. Ở vị trí 26, mức chi tiêu ròng của Real Madrid là 241,95 triệu euro. Đổi lại, họ thu hoạch 24 danh hiệu với 5 chức vô địch Champions League. Quá là ngọt ngào!
MU (1.352,84 triệu euro), PSG (1.057,62 triệu euro), Chelsea (1.044,04 triệu euro), Arsenal (942,94 triệu euro) và Man City (905,53 triệu euro) là 5 đội đứng đầu, và cũng là những đội duy nhất vượt quá số dư âm 900 triệu euro. Xếp sau họ là Tottenham, AC Milan, Newcastle và Barca.
Al Hilal của Neymar xếp thứ 11. Đây không phải là CLB của Saudi Arabia duy nhất lọt Top 25, nơi còn có Al Nassr của Cristiano Ronaldo (thứ 15), Al Ittihad của Karim Benzema (18) và Al Ahli của Roberto Firmino (21). Đến ngay cả Bournemouth (thứ 17), Crystal Palace (20), Fulham (22), Brighton (23) và Wolverhampton (24) còn chi nhiều hơn Real Madrid.
Về mặt đầu tư thuần túy, Real Madrid đứng thứ 11, với 1,12 tỷ euro chi cho chuyển nhượng, giữa khoản thanh toán cố định ban đầu và các biến số đã được cộng thêm. Ở đây, một lần nữa, Premier League tiếp tục thống trị, với những đội bóng thường xuyên ở các vị trí hàng đầu (Chelsea, MU, Man City, PSG và Juventus lọt Top 5), Barca (thứ 6) và Atletico de Madrid (thứ 9) đều hơn Real Madrid.
Kể từ năm 2014, Jude Bellingham (103 triệu euro), Eden Hazard (100 triệu euro), Aurelien Tchouameni (80 triệu euro), James Rodriguez (75 triệu euro), Luka Jovic (63 triệu euro), Eder Militao (50 triệu euro), Ferland Mendy (48 triệu euro), Vinicius (45 triệu euro), Rodrygo (40 triệu euro), Mateo Kovacic (38 triệu euro) và Endrick (35 triệu euro) đã đến Bernabeu.
Không phải tất cả các trường hợp đều đúng, trong đó Hazard và Jovic là 2 bản hợp đồng đắt nhưng tệ nhất của Real Madrid, trong khi James chỉ thực sự tỏa sáng trong một mùa giải. Nhưng những trường hợp khác đều đánh dấu những chuyển động trong tương lai.
Chẳng hạn như việc ký hợp đồng với Toni Kroos với giá 25 triệu euro đã mở đường cho những cầu thủ như David Alaba và Antonio Rudiger đến CLB này. Những thương vụ như thế nhằm tạo nên bộ xương sống cho Real ở hiện tại và trong tương lai như nhóm cầu thủ Nam Mỹ, nhóm cầu thủ Pháp…
Và thực tế là hầu hết các khoản đầu tư này đều tăng giá phi mã sau một khoảng thời gian. Đến khi các cầu thủ được định giá lại, người ta thấy Real Madrid đang sở hữu một đội bóng có giá trị nhất trong thế giới bóng đá. Chi phí để xây dựng đội hình hiện tại là 720 triệu euro và mức định giá hiện tại là 1,360 tỷ euro.
Thặng dư 640 triệu euro đến từ việc phát triển của các cầu thủ trẻ có tiềm năng lớn và dư địa phát triển tốt. Giá trị của họ đã nâng lên khi trở thành ngôi sao ở Real Madrid, thậm chí có người đã gia nhập CLB với giá 0 đồng như Kylian Mbappe, người đang được định giá 180 triệu euro.
Federico Valverde được mua với giá 5 triệu euro, và giờ được định giá 130 triệu euro, Rodrygo cũng tăng từ 40 triệu euro lên 110 triệu euro, hay Vinicius gần đây đã đạt mức giá 200 triệu euro - cao nhất thế giới cùng Erling Haaland. Làm ăn như thế mà không gọi Real Madrid là "tổ sư" thì gọi là gì?