Cơn đau đầu mang tên… niềm tự hào
Không ai phủ nhận tài năng của Yamal. Ở tuổi 17, cầu thủ đến từ Rocafonda đã giành được gần như mọi danh hiệu lớn cấp cả ở cấp CLB lẫn ĐTQG: 2 La Liga, 1 Cúp Nhà vua, 1 Siêu Cúp Tây Ban Nha và 1 chức vô địch EURO. Điều đáng nói là Yamal giành được tất cả những danh hiệu ấy không phải trong vai trò của một kẻ học việc, mà là của một trụ cột, một ngôi sao. Điều đó khiến cả thế giới choáng ngợp, và khiến Barca càng tự hào hơn vì Yamal là một sản phẩm thuần túy của La Masia.
Nhưng cũng chính vì thế, họ lại càng có lý do để lo lắng. Yamal càng tỏa sáng thì bài toán giữ chân anh lại càng gây đau đầu. Nên nhớ hợp đồng hiện tại của Yamal, có thời hạn tới năm 2026, chỉ là bản ràng buộc dành cho cầu thủ trẻ. Một khi anh đủ 18 tuổi, anh sẽ được phép ký hợp đồng chuyên nghiệp theo luật. Và đó sẽ là lúc hàng loạt ông lớn nhảy vào, sẵn sàng rải tiền như rải thảm để có được viên ngọc sáng nhất của bóng đá thế giới ở thời điểm hiện tại.
Barcelona muốn giữ chân Yamal càng lâu càng tốt. Nhưng giữ bằng cách nào? Lúc này, đội bóng xứ Catalunya chỉ tạm đáp ứng được quy định 1:1 của luật công bằng tài chính La Liga. Việc không vào tới chung kết Champions League mùa này càng khiến ngân sách thêm bấp bênh. Dù chủ tịch Joan Laporta vẫn nói cứng, nhưng trong quá khứ, không phải những gì ông nói cũng đúng với thực tế đang diễn ra.
Một câu hỏi gây nhức đầu khác là mức lương nào cho Yamal? Với một cầu thủ đang được xem là “Messi mới”, mức đãi ngộ chắc chắn sẽ không nhỏ. Chủ tịch Laporta đã khẳng định Yamal sẽ nằm trong nhóm cầu thủ hưởng lương cao nhất đội, bất kể tuổi tác. Nhưng cao đến đâu là đủ mà không gây ra hiệu ứng domino về quỹ lương?
“Bóng ma Messi” vẫn lởn vởn
Về chuyên môn, Barca muốn Yamal trở thành một Messi thứ hai. Nhưng về tài chính thì không. Chính Laporta là người khẳng định với Yamal, Barca không muốn mắc lại sai lầm của quá khứ liên quan tới chuyện hợp đồng của Messi. Khi ấy, vì muốn giữ chân siêu sao người Argentina, Barca gần như cứ 2 năm lại gia hạn một lần, và lần nào cũng tăng lương, thưởng rất “khủng”. Khủng đến mức gánh nặng tài chính trở nên không thể kiểm soát.
Kết cục là gì? Một cuộc chia tay đẫm nước mắt. Messi ra đi trong tiếc nuối, còn Barca rơi vào khủng hoảng kéo dài mà tới giờ vẫn chưa thể thoát ra được.
Với Yamal, CLB không muốn lặp lại sai lầm ấy. Họ đang hướng tới một hợp đồng thật dài, thật ổn định. Vừa để đảm bảo tương lai cho đội bóng, vừa để tránh bị cuốn vào vòng xoáy tăng lương theo chu kỳ.
Laporta tin rằng “mọi thứ sẽ ổn”, vì Yamal yêu Barca, yêu thành phố Barcelona và cảm thấy được coi trọng ở Camp Nou. Nhưng bóng đá đỉnh cao không chỉ là tình yêu, mà còn là lợi ích, là chiến lược, là sự toan tính sắc lạnh giữa các ông lớn, giữa các bên liên quan, trong đó có chính cầu thủ và gia đình của họ.
Barca có thể thành công trong thương vụ gia hạn này. Nhưng nếu thất bại, họ sẽ không chỉ mất đi một tài năng, mà còn mất đi biểu tượng mà họ dày công bồi đắp.
Và cũng như Messi, nếu mất Yamal, Barca sẽ mất đi một phần linh hồn của chính mình.