Bóng Đá Plus trên MXH

Hiểu nhầm về J.League khiến cầu thủ Việt Nam thất bại

04 giờ trước
8 cầu thủ Việt Nam từng sang Nhật Bản chơi bóng, với các trải nghiệm từ J.League 1 đến hai hạng thấp hơn. Nhưng ngoại trừ Lê Công Vinh ít nhiều tạo điểm nhấn, còn lại những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Lâm… đến rồi đi trong thất bại.

    Phóng viên Bóng đá đã có cuộc trao đổi với ông Higuchi Takeshiro, một cổ động viên người Nhật Bản sinh sống và theo dõi bóng đá Việt Nam suốt 15 năm qua. Ông cũng là fan của CLB Urawa Red Diamond và có mối liên hệ khăng khít với cộng đồng yêu bóng đá Nhật Bản nói chung và J.League nói riêng.

    Xin chào ông Higuchi Takeshiro. Ông quan tâm tới bóng đá Việt Nam như thế nào, trong 15 năm sinh sống, làm việc tại các thành phố thuộc đất nước chúng tôi?

    Xin chào độc giả Bóng đá. Thực tế, tôi đến Việt Nam từ năm 2008. Giải bóng đá Việt Nam đầu tiên mà tôi biết tới cũng ở mốc thời gian đó, với giải bóng đá nữ quốc tế tại TP.HCM. Đó là giải có sự góp mặt của ĐT nữ Nhật Bản. Tôi theo dõi liên tục các giải đấu của Việt Nam kể từ đó đến nay.

    Với tôi, sự kiện bóng đá Việt Nam kết nối Nhật bản đáng chú ý đầu tiên chính là việc cựu tiền đạo Lê Công Vinh sang Consadole Sapporo. Lúc bấy giờ, người Nhật không biết gì về anh ấy cả. Tôi lên mạng tìm hiểu và được biết Công Vinh là ngôi sao sáng giá của đội tuyển Việt Nam. Đó là một tiền đạo rất hay ở nước các bạn.

    Khi Công Vinh đến Nhật Bản, phản ứng bước đầu của ông cùng các CĐV, truyền thông diễn ra như thế nào?

    Câu hỏi mà tôi cũng như nhiều CĐV Nhật Bản khác xuất hiện trên các diễn đàn lúc đó là: Không biết anh chàng này đá được ở J.League 2 không nhỉ? Vì ở thời điểm đó, các cầu thủ Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng chưa tạo được dấu ấn đáng chú ý nào ở J.League. Tôi thừa nhận khi đó, nhiều người Nhật cho rằng Công Vinh tới Consadole Sapporo vì mục đích thương mại. Vậy nên, chúng tôi đón chào Công Vinh đến với J.League 2 với hai nửa tâm trạng. Một hoài nghi về anh ấy. Và phần còn lại là chờ đợi, tò mò xem Vinh sẽ làm gì.

    Và Công Vinh đã chứng minh được phần nào đó khả năng của mình. Anh ấy đá 11 trận và ghi 4 bàn cho Sapporo. Đó là một con số đáng khen. Bởi chuyện một cầu thủ Việt Nam được đá chính ở CLB thuộc J.League 2, thậm chí ghi bàn là rất tuyệt vời.

    Tôi cũng cần phải nói rất rõ về J.League. Nhiều quan điểm đang nhầm lẫn việc giải VĐQG Nhật Bản chỉ ưu tiên kỹ thuật hơn thể lực. Đó là sai lầm lớn. J.League 1 yêu cầu rất cao về tần suất di chuyển. Cầu thủ phải chạy nhiều, di chuyển không bóng nhiều. Một giải đấu chỉ có thời gian bóng lăn khoảng chừng 50-60 phút thực tế trên sân sẽ rất khó để thích ứng được với J.League.

    Công Vinh tạo được ít nhiều dấu ấn khi sang J.League 2 đầu quân cho Consadole Sapporo - Ảnh: Consadole Sapporo

    Cá nhân ông có bất ngờ khi Công Vinh có được bàn thắng tại J.League hay không?

    Tôi rất bất ngờ khi Công Vinh ghi bàn ở J.League 2. Dù sao anh ấy cũng đến từ V.League, một giải đấu có trình độ thấp hơn so với Nhật Bản. Công Vinh đương nhiên cần thời gian để làm quen. Song anh ấy đã bắt nhịp nhanh và thể hiện được khả năng của mình. Tôi không bất ngờ khi Consadole Sapporo muốn gia hạn hợp đồng với một tiền đạo tốt như vậy. Nhưng sau cùng, Vinh từ chối vì lý do cá nhân.

    Và sau đó, các CLB và đội tuyển Việt Nam cũng có những kết quả rất tích cực trước Nhật Bản. Thời gian gần đây, ĐT Việt Nam từng hoà được Nhật Bản tại sân Saitama ở vòng loại World Cup 2022. Mới nhất, U17 Việt Nam còn hoà U17 Nhật Bản tại VCK U17 châu Á. Ông thấy thế nào?

    10 năm trước, Bình Dương của Công Vinh còn thắng cả Kashiwa Reysol tại AFC Champions League. Tôi nhấn mạnh là Kashiwa khi đó rất mạnh ở J.League. Vài năm sau, Urawa Red Diamonds cũng thua trên sân của Hà Nội FC với tỷ số 2-1.

    Tôi cảm nhận rõ trình độ của bóng đá Đông Nam Á đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt là trên sân nhà. Không dễ để các CLB ở J.League hay đội tuyển Nhật Bản có được chiến thắng khi phải đá trên sân của Việt Nam. Phải thừa nhận, trình độ và độ lỳ lợm của bóng đá Đông Nam Á đã tăng lên nhiều so với quá khứ. Cách đây 10-15 năm, chuyện Việt Nam, Thái Lan, Indonesia làm “rổ đựng bóng” cho các đội mạnh là điều hết sức bình thường. Nhưng gần đây, các đội mạnh như Nhật Bản chỉ có thể thắng cách biệt 1-2 bàn hay thậm chí là chịu chia điểm trước các đại diện Đông Nam Á đã diễn ra thường xuyên.

    Tôi tin rằng đối sách của các đội Đông Nam Á khi gặp Nhật Bản ngày càng hợp lý hơn. Có thể ví dụ như các HLV thường lựa chọn cách tiếp cận phòng ngự, phản công và tận dụng tình huống cố định. Trong trường hợp thuận lợi, nếu ghi được bàn thắng, các đội này sẽ lui về phòng ngự rất chặt. Điều này khiến Nhật Bản không dễ để lật ngược thế cờ hay giành những chiến thắng giòn giã.

    Công Phượng không thành công trong cả 2 lần tới Nhật Bản chơi bóng - Ảnh: Yokohama FC

    Nhưng sau Công Vinh, bóng đá Việt Nam không có thêm trường hợp nổi bật nào khác, dù con số sang Nhật Bản chơi bóng cũng không ít?

    Chính xác là Việt Nam có 8 cầu thủ sang Nhật chơi bóng, bao gồm cả Công Vinh. Sau anh ấy, một số gương mặt đáng chú ý phải kể đến Công Phượng, Tuấn Anh và Văn Lâm. Ngoài ra còn có Ngọc Long, Văn Luân, Văn Sơn và Hồng Quân.

    Trường hợp của Tuấn Anh và Công Phượng khác Công Vinh ở đặc thù vị trí. Có một điều mà cầu thủ và người hâm mộ Việt Nam cần biết. Đó là J.League 1 và 2 luôn yêu cầu một bộ kỹ năng rất đa dạng và đòi hỏi các tiền vệ, tiền đạo lùi phải đa năng. Người Nhật có hẳn một bộ quy chuẩn với những kỹ năng được gạch đầu dòng cho từng vị trí. Ngay cả khi bạn chỉ là tiền vệ phòng ngự, yêu cầu về kỹ năng khác từ chuyền bóng, phân phối, sút xa cũng phải đảm bảo dựa trên những tiêu chí cụ thể….

    Một cầu thủ nước ngoài đến J.League nếu như không bắt nhịp được với bộ quy chuẩn này, cộng thêm thiếu sự nhạy bén để thích ứng với chiến thuật của HLV thì việc đá chính là rất thấp, chứ đừng nói chuyện toả sáng trên sân. Những thứ này diễn ra thường xuyên ở các buổi tập. Cầu thủ nếu không hiểu ý đồ của HLV thì việc vào danh sách đăng ký còn khó. Tuấn Anh và Công Phượng nằm trong diện này. Họ không để lại được dấu ấn, thẩm thấu về kỹ thuật hay nắm bắt được ý đồ đến từ HLV. Cả hai cũng chưa đa năng trong từng vị trí của mình. Vậy nên việc ra sân hay tạo dấu ấn gần như không có.

    Công Phượng sau đó có quay lại Nhật Bản. Anh ký 3 năm với Yokohama FC nhưng vẫn tiếp tục không thành công. Ông có tiếc khi Công Phượng thừa quyết tâm nhưng lại thiếu cơ hội khẳng định mình?

    Cậu ấy có 2 lần đến J.League. Một lần thi đấu cho Mito Hollyhock và lần thứ 2 là đến Yokohama FC. Khi Công Phượng tái xuất Nhật Bản cách đây 3 năm, tôi đã rất mong cậu ấy sẽ chứng minh được mình. Tôi kỳ vọng cậu ấy sẽ được ra sân như Công Vinh. Song Phượng thất bại. Có lẽ, không thể phủ nhận chuyện Công Phượng đến Yokohama FC phần nào đó vì yếu tố thương mại. Việc đội bóng lấy Phượng vì mục đích marketting là có. Còn ở góc độ chuyên môn, cả hai phía đã thất bại.

    Ông Higuchi Takeshiro, một cổ động viên người Nhật Bản sinh sống và theo dõi bóng đá Việt Nam suốt 15 năm qua chia sẻ về đặc thù J.League và những thách thức với cầu thủ Việt Nam

    Vậy tại sao các cầu thủ Thái Lan cùng thời với Công Phượng lại thành công? Tôi rất tò mò về góc nhìn của các CĐV thâm niên ở Nhật Bản như ông?

    Tôi tin rằng ở thời điểm hiện tại, bóng đá Việt Nam và Thái Lan đã có những tiệm cận nhất định. Khoảng cách giữa cả hai đã gần như xoá nhoà. Nhưng cách đây 5-10 năm, trình độ của bóng đá Thái Lan thực sự hơn so với Việt Nam. Có thể so sánh như đôi bên ở hai khoảng trời khác nhau hoàn toàn.

    Tôi muốn nói kỹ hơn về Thai League. Phong cách chơi bóng của người Thái là ưu tiền chuyền ngắn, phối hợp ở phạm vi nhỏ. Các cầu thủ chủ động cầm bóng, phân phối cho nhau. Điều này khác với V.League, nơi chúng ta chơi thể lực và ưu tiên chọn lựa lối chơi bóng dài. Đây là lý do then chốt giúp cầu thủ Thái Lan bắt nhịp được ngay khi tới J.League.

    Phong cách bóng đá Nhật Bản và Thái Lan khá tương đồng nhau. Họ có thể hiểu ngay HLV nói gì và đồng đội mong muốn mình làm gì. Bên cạnh đó, Thái Lan có sự chuẩn bị rất tốt cho những cầu thủ xuất ngoại. Chính vì thế nên giờ, Thái Lan có những cầu thủ rất xuất sắc khẳng định mình ở J.League như Chanathip hay Theerathon.

    Cơ hội nào trong tương lai cho cầu thủ Việt Nam chơi bóng ở J.League?

    Tôi hiểu khó khăn của cầu thủ Việt Nam khi đến Nhật Bản chơi bóng. Khác biệt về phong cách cộng thêm những cách biệt về trình độ khiến các cầu thủ phải mất thời gian để bắt đầu từ con số 0. Đương nhiên nếu không có bản lĩnh, đủ nỗ lực, họ sẽ bỏ cuộc.

    Tôi cho rằng hãy bắt đầu từ một mốc thấp hơn. Tôi nghĩ J.League 1 và 2 sẽ khác về phong cách chơi bóng nếu đối chiếu với V.League. Nhưng J.League 3 (giải hạng 3 Nhật Bản) thì vẫn áp dụng lối chơi bóng dài. Đây có thể là môi trường để cầu thủ Việt Nam khởi đầu tại đất nước chúng tôi. Thực tế, nhiều cầu thủ vô danh của Indonesia hay Thái Lan cũng khởi đầu từ J.League 3 hoặc J.League 2.

    Với cầu thủ Việt Nam, sức ép sẽ thuyên giảm nếu họ lựa chọn J.League 3 thay vì lập tức chọn J.League 1 hay 2. Đấy sẽ là một sự lựa chọn an toàn hơn cho các cầu thủ nếu đến Nhật Bản trong khoảng thời gian đầu. 

    Vậy theo ông, những cầu thủ Việt Nam nào có khả năng sang Nhật Bản trong thời gian tới?

    Hiện giờ, bóng đá Việt Nam có 4 cầu thủ có tố chất để sang Nhật Bản chơi bóng. Ngoài Quang Hải, Hoàng Đức và Tiến Linh, tôi vẫn muốn nhắc đến cái tên Đình Bắc. Cậu ấy đã ghi bàn vào lưới Nhật Bản và đặc biệt là còn rất trẻ. Thời gian phát triển và thích nghi tại J.League là khả thi với Đình Bắc. Ngoài ra, tôi đã xem 2 VCK U17 châu Á ở 2 kỳ gần đây. Lê Đình Long Vũ và Lê Huy Việt Anh thuộc 2 lứa U17 Việt Nam gần đây khá triển vọng.


    Quang Hải nên thử sức mình 1 lần ở Nhật Bản - Ảnh: AFC

    Câu hỏi cuối cùng xin được hướng về bóng đá học đường. Nhật Bản là một trong những nơi nổi tiếng về phát triển cầu thủ ngay từ lứa trung học và phổ thông. Điều gì đã tạo nên thành công cho bóng đá học đường của Nhật Bản đến vậy?

    Hẳn các bạn đã theo dõi 2 bộ truyện tranh về bóng đá học đường của Nhật Bản. Đó là Tsubasa và Jindo. Ngay cả các danh thủ như Del Pierro hay Zidane cũng là fan của bộ truyện tranh này. Và quả thực, những gì hiện diện ở 2 bộ truyện tranh kể trên cũng phản ánh câu chuyện phát triển bóng đá học đường của Nhật bản.

    Các thiếu niên được chơi bóng, được tham dự giải đấu cấp 2, cấp 3 rồi đại học. Bóng đá học đường và các lứa U của đội tuyển Nhật Bản có sự liên kết thống nhất với nhau, với đứng đầu là Liên đoàn bóng đá Nhật Bản. Tổ chức này sẽ đưa ra những chỉ thị, thu hút sự phối hợp, tạo ra hợp tác giữa các đội bóng. Có thể nói, phần nền móng của bóng đá Nhật Bản rất rộng, từ các CLB, các địa phương tới các trường trung học phổ thông hay đại học.

    Khi đến Việt Nam, tôi thấy rất nhiều người chơi bóng đá, từ sân 7 người, 11 người đến bóng đá vỉa hè. Ở Nhật Bản, không nhiều người chơi bóng đến thế. Nhưng bóng đá học đường của Nhật lại rất phát triển, hoạt động quy củ, từ các CLB đến Liên đoàn. Vì vậy, họ gặt hái được rất nhiều thành công. Về phía bóng đá trẻ, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư cho tài năng, tuy nhiên nói về số trận và giải đấu thì còn hạn chế. Nếu Việt Nam muốn trở thành một cường quốc về bóng đá thì đào tạo lứa bóng đá trẻ là một việc vô cùng quan trọng.

    Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

     

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay