Bóng Đá Plus trên MXH

Năm Dậu nói chuyện gà
Bằng Nguyên • 05:49 ngày 31/01/2017
Gà có một vị trí khá quan trọng đối với nền văn minh lúa nước. Thế nên, gà xuất hiện đàng hoàng trong bộ lịch 12 con giáp của người dân vùng Đông Nam Á.
    Gà là biểu tượng của dương khí, chỉ sự tồn tại của loài người. Tiếng gà gáy thường được sử dụng làm biểu tượng của sự hồi sinh, trù phú, phát triển, ấm áp và no đủ. Người xưa cho rằng, ở đâu có gà, ở đó có con người, có mùa màng tốt tươi, lúa thóc đầy bồ. 

    Từ xưa, hình tượng loài gà đã gắn bó khá khặt chẽ với văn hóa tín ngưỡng nước ta. Có lẽ, trong 12 con vật làm biểu tượng cho chu kỳ 12 năm theo lịch cổ truyền Việt Nam, con gà đóng vai trò lớn nhất nhì trong quá trình phát triển nông nghiệp. Thôi ta hãy khoan đi tìm gốc tích của loài gà chỉ biết rằng, người ta đã chứng minh được có tới 150 loài gà xuất thân từ loài chim rừng màu đỏ có tên là Red Jungle Fowl - xuất hiện cách đây 4 ngàn năm tại thung lũng Indus (Pakistan). 

    Còn các nhà nghiên cứu Nhật Bản lại cho rằng, các giống gà ngày nay được xuất phát từ một giống gà rừng từng sống tại Thái Lan và Việt Nam. Thời điểm thuần hóa gà rừng thành gà nhà khoảng 8 ngàn năm trước. Và tất nhiên, người Trung Quốc cũng không vừa, họ cho rằng gà bây giờ, phải có “cốt cách” gà từ Trung Quốc, cách đây 6-7 ngàn năm. 

    Tranh cãi cái gì cũng mệt, thôi thì ta chỉ nên quan tâm tới gà… ta. Theo các kết quả khảo cổ, khá nhiều di cốt của các loài gia cầm như gà, vịt, trâu, bò, lợn, chó… thuộc thời kỳ hậu đồ đá đã thấy tại Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu và có cả tượng gà nặn bằng đất nung. Mà thời kỳ Đồng Đậu tương ứng với thời đại tiền Hùng Vương của Việt Nam vốn nổi tiếng với thần thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh trong đó có màn kén rể với lễ vật là con gà chín cựa, ngựa chín hồng mao…



    Gà tiếp tục khẳng định vị trí của nó, khi xuất hiện trong lịch 12 con giáp của nền văn minh lúa nước Đông Nam Á. Dường như gà là biểu tượng của dương khí, chỉ sự tồn tại của loài người. Tiếng gà gáy thường được sử dụng làm biểu tượng của sự hồi sinh, trù phú, phát triển, ấm áp và no đủ. Ở đâu có gà, ở đó có con người. Chỉ cần có tiếng gà, là biết có đất đai nơi con người sinh sống. Chính vì vậy, với người Việt ta, gà không chỉ là con vật được chọn để cúng thần linh, cúng tế, mà còn rất gần gụi với đời sống con người. 

    Cho nên, gà trở thành biểu tượng văn hóa trong tranh dân gian, trong các câu ca dao, tục ngữ, câu hò, câu vè cổ cũng thường hay sử dụng gà như hình tượng để so sánh với sự vật, sự việc khác. Ví như: “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”, chỉ kinh nghiệm về thời tiết; “Con gà tốt mã vì lông”: Đánh giá người khác qua hình thức bề ngoài; “Con gà tức nhau tiếng gáy”: Ý chỉ sự ganh đua không chịu thua kém người khác; “Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà mái ghẹ”: Ý chỉ những thứ người ta ưa chuộng vì ngon vì đẹp.

    Ngoài ra, hình tượng con gà trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, thường được sử dụng trong các hình thức “bói toán”. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, có giá chầu Cô Chín. Theo truyền thuyết, cô Chín Sòng Sơn có khả năng xem bói, chữa bệnh. Như vậy, hình tượng con gà trong tranh dân gian Việt Nam và con gà trong tín ngưỡng thờ Thánh, cùng có chung một cội nguồn văn hóa Lạc Việt và gắn liền với việc “bói toán” xa xưa nhất theo văn bản cổ chữ Hán là Hồng phạm cửu trù. 

    Trong đời sống của người dân tộc, loài gà, nhất là gà trống như cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh. Gà là con vật chỉ đường, dẫn lối tâm linh với thực tại, thế nên với người dân tộc, gà trống là con vật thiêng. Theo truyền thuyết của người Mông, khi xưa mặt đất có tới 9 mặt trăng, 9 mặt trời chiếu sáng. 

    Trái đất dần khô cằn, vạn vật có nguy cơ bị hủy diệt. Lúc đó, có một người dùng nỏ bắn mặt trăng, mặt trời, khiến cho vạn vật bị tối tăm. Bỗng có con gà trống sau khi cất tiếng gáy, mặt trăng, mặt trời thay phiên nhau xuất hiện. Từ đó, gà trống đảm nhiệm công việc gọi mặt trăng, mặt trời. Chính vì thế, con gà trở thành vật thiêng không thể thiếu được trong đời sống tâm linh và thực tại của con người. 


    Tôi còn nhớ, người Bắc thường có tục bói chân gà nhân dịp năm mới. Con gà chọn để cúng thời khắc 12 giờ đón giao thừa, đón năm mới, khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới luôn là một con gà có vẻ đẹp khỏe chắc. Sau khi cúng xong, gia chủ thường xin đôi chân gà vào treo lên lịch. Nhìn chân quắp và các ngón của chân gà, có thể đoán được năm mới an vui làm ăn phát tài phát lộc, thuận buồm xuôi gió, sức khỏe dồi dào. Và đôi chân gà được trân trọng treo cùng với tờ lịch suốt 365 ngày cho tới ngày hóa vàng cuối năm.

    Cũng như các con giáp khác trong bảng số tử vi, người sinh năm Dậu - cầm tinh con Gà khá cần cù, có hoài bão lớn, luôn hướng tới hoàn mỹ nên nhiều khi thành… “khó tính”, nhưng chỉ là khó tính với bản thân họ thôi. Ngoài ra, họ luôn coi trọng và nỗ lực làm tốt công việc của mình. 

    Về tình cảm, người tuổi Dậu hay dao động khi gặp tình trạng xúc động mạnh, dẫn tới bột phát lộ ra ngoài, chứ không ghìm nén, biến hóa được. Người tuổi Dậu có cá tính ôn hòa, sống ngắn nắp, đôi khi quá cẩn thận và dè dặt, tính tự trọng cao. Những gì thường thấy ở người tuổi Dậu cũng chính là con người thật của họ, không quá nhiều điều bí ẩn trong tính cách của con giáp này. 

    Năm Gà đã tới, báo hiệu một năm mới an hòa, mọi vật hiền hòa yên lành, hạnh phúc. Xin được viết lại đôi dòng thơ của thi sĩ Xuân Diệu đã rất tinh tế với những tiếng gà gáy trong một bài thơ tâm huyết của ông:

    “Gáy gáy đầu thôn, gáy giữa thôn
    Mưa tinh sương mát tận tâm hồn…
    Gà gáy trong mưa tiếng vẫn trong
    Giọng kim giọng thổ vang đồng
    Được mùa giống mới, gà no bữa
    Tiếng gáy trong như lúa nặng bông”.

    Gà là biểu tượng của dương khí, chỉ sự tồn tại của loài người. Tiếng gà gáy thường được sử dụng làm biểu tượng của sự hồi sinh, trù phú, phát triển, ấm áp và no đủ. 

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay