Bóng đá trẻ Việt Nam một năm nhìn lại: Những cuộc chia ly & những gam màu hy vọng

Đức Nguyễn
19:56 ngày 31-01-2022
Năm 2021, bóng đá trẻ Việt Nam không có nhiều sự kiện mang tính thời sự. Có chăng chỉ là những cuộc chia tay, đổi chủ gây thương nhớ xen lẫn hoài nghi. Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cảnh ấy vẫn có những gam màu để hy vọng.
Bóng đá trẻ Việt Nam một năm nhìn lại: Những cuộc chia ly & những gam màu hy vọng

Bầu Đức và cuộc chia tay nhuốm màu thương nhớ

Năm 2008, tại đại bản doanh Hàm Rồng, tôi có cuộc phỏng vấn ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Câu chuyện chỉ xoay quanh Học viện HAGL - Arsenal JMG vốn được xem là hình mẫu cho các mô hình đào tạo trẻ bấy giờ. Tôi hỏi bầu Đức khá ngắn: “Ông nói lứa cầu thủ này có thể đánh bại người Thái để lấy HCV SEA Games, chỉ có vậy thôi sao?”. 

Bầu Đức cũng đáp rất xoáy: “Tui đốn cả rừng cao su, đổ cả đống tiền để bắt tay với Arsenal, với JMG mà các bạn nghĩ tôi chỉ dám mơ cỏn con. Như vậy quá bèo. Cái đám nhóc con này không chỉ chiến với Thái mà còn đi xa hơn. Tui nói sớm e người ta chửi, cứ đợi đi 7-8 năm nữa ra ngô ra khoai, tui chém gió không muộn. Nói chung “OK”, cái gì tui cũng dám cá. Tin tui đi”.

Bầu Đức đã từng bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc với hy vọng đào tạo ra những cầu thủ tài năng cho bóng đá Việt Nam

Đúng, ngày 5/3/2007, Học viện HAGL - Arsenal JMG ra đời không chỉ mang theo giấc mơ của bầu Đức mà còn của biết bao NHM bóng đá Việt Nam. Bầu Đức không phải là người mở lối tiên phong, nhưng ông lại đặt một viên gạch giúp địa hạt bóng đá trẻ mở ra chương mới. 

Trong 15 năm qua, học viện hình mẫu ấy cho ra lò rất nhiều học viên tài năng. Tiếc rằng, ngoài khóa 1 và 2 với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy…, các đàn em của họ không để lại nhiều dấu ấn. Với bầu Đức, ông hài lòng với công sức, tiền bạc, thời gian đã bỏ ra dù chỉ thu hoạch được một vài lứa cầu thủ. 

Năm 2017, Arsenal nói lời chia tay bởi HAGL không đáp ứng sự kỳ vọng và triển vọng trong tương lai. Và năm 2021, HAGL chính thức chia tay đối tác JMG trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Nhưng những cuộc chia tay ấy phù hợp với thời cuộc vì suy cho cùng, khi mối tình không còn đơm hoa kết trái thì nên đường ai nấy đi.

PVF đổi chủ, liệu có đổi tên và đổi mới?

PVF (Quỹ Đầu tư và Phát triển bóng đá Việt Nam) do Tập đoàn Vingroup thành lập năm 2008 với sứ mệnh đào tạo và cung cấp cầu thủ tài năng cho bóng đá chuyên nghiệp, nâng tầm bóng đá nước nhà lên đẳng cấp cao hơn. 

Sau 12 năm phát triển, PVF đã trở thành Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ giàu thành tích hàng đầu Việt Nam, với 20 lần vô địch và 9 lần giành ngôi á quân các giải trẻ trong nước; 9 lần vô địch và 2 lần á quân tại các giải trẻ quốc tế. Năm 2020, các đội U15, U17, U19 PVF cũng xuất sắc vô địch các giải trẻ quốc gia.

Tháng 2/2021, Vingroup đã công bố trao tặng toàn bộ Trung tâm PVF cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang. Vụ chuyển giao này khiến không ít người cảm thấy ngạc nhiên, bởi PVF vẫn đang đi đúng lộ trình đề ra. Đã có những hoài nghi sau vụ chuyển giao dù đôi bên cam kết, việc thay đổi chủ không ảnh hưởng đến hoạt động và định hướng phát triển của PVF. 

Ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Giáo dục Văn Lang khẳng định: “PVF là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi hiện thực hóa nhanh chóng và hiệu quả kế hoạch này. Với cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu Việt Nam và đội ngũ HLV chuyên nghiệp của PVF, chúng tôi mong muốn góp phần cung cấp nguồn cầu thủ chất lượng cao cho bóng đá Việt Nam, trong đó có bóng đá TP.HCM”. 

Những gam màu hy vọng

Việc HAGL “đoạn tuyệt” với JMG và Vingroup chuyển giao PVF đáng được xem là sự kiện của năm. Hai lò đào tạo này đã đóng góp rất nhiều ngôi sao cho bóng đá Việt Nam nên những ánh mắt hoài nghi về tương lai là điều không thể tránh khỏi. Dù sao những cam kết, những phát biểu bảo đảm tương lai cũng mang đến cho những người yêu bóng đá hy vọng.

Tuấn Anh (trái) hồi mới gia nhập lò HAGL - Arsenal JMG

Cũng cần phải nói lại, trong vài năm qua, có rất nhiều trung tâm, lò đào tạo trẻ của các địa phương trên khắp cả nước ra đời. Viettel, Hà Nội, SLNA… vẫn giữ được đẳng cấp vốn có. Điều đặc biệt, các đội bóng đã bắt đầu dịch chuyển cán cân sử dụng nhiều hơn các cầu thủ trẻ trên sân.

Bóng đá Việt Nam cũng mang đầy hy vọng với những dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài. Đáng chú, Next Media đã thống nhất với VFF và đối tác Bundesliga về việc tổ chức các đội dự tuyển quốc gia từ 16-18 cầu thủ (U15 hoặc U17 tuyển chọn) sang Đức tập huấn và thi đấu trong vòng 1 đến 2 tháng tại các CLB nổi tiếng như Bayern, Dortmund, M’gladbach, Hertha… Với dự án này, các HLV và cầu thủ trẻ của Việt Nam sẽ có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn khi được tập luyện và thi đấu trong môi trường bóng đá đỉnh cao. 

Tất nhiên, bóng đá Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải cải thiện. Trong số đó, chúng ta cần tạo ra một hệ thống, những giáo án tương đồng nhằm thay đổi sự “lệch pha” tư duy, chiến thuật khi các cầu thủ được gọi lên các ĐTQG.

Thầy của những ngôi sao bóng đá Việt Nam đã rời Hàm Rồng

Giữa tháng 6/2021, bầu Đức quyết định ngưng hợp tác với JMG. HAGL đã chuyển toàn bộ 15 học viên khóa 4 sang Học viện NutiFood JMG, đồng thời chia tay HLV Guillaume Graechen. Thầy “Giôm”, người đã đào tạo ra Công Phượng và các đồng đội sẽ đầu quân cho Học viện Nutifood JMG (đang đóng quân tại Hàm Rồng, Pleiku) với vai trò Giám đốc Dự án JMG Việt Nam. 

Chiến lược gia Philippe Troussier rời Việt Nam

Đến Việt Nam từ cuối năm 2018, HLV Philippe Troussier nhận lời đảm trách công tác đào tạo tại lò bóng đá PVF. Sau đó, nhà cầm quân người Pháp tiếp tục công việc dẫn dắt U19 Việt Nam giành vé dự VCK U20 châu Á 2020. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, giải đấu đã không được tổ chức. HLV Troussier sau đó nói lời chia tay U19 Việt Nam để trở về Pháp. Nguyên nhân bắt nguồn từ hợp đồng giữa HLV Troussier với đơn vị chủ quản PVF kết thúc vào ngày 31/5. PVF trước đó là nơi trả lương cho nhà cầm quân người Pháp trong suốt thời gian làm việc ở U19 Việt Nam. Do PVF được bàn giao cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, nên đơn vị chủ quản mới không có trách nhiệm trả lương cho ông Troussier. 

HLV Troussier (áo sẫm) khi còn dẫn dắt U19 Việt Nam

HLV Troussier sinh năm 1955, từng dẫn dắt các đội tuyển Bờ Biển Ngà, Nigeria, Qatar, Morocco. Thành công lớn nhất trong sự nghiệp của ông là thời gian làm HLV trưởng ĐT Nam Phi thi đấu tại World Cup 1998. Bên cạnh đó, HLV Troussier còn là người có công rất lớn với bóng đá Nhật Bản khi dẫn dắt ĐTQG nước này vượt qua vòng bảng tại World Cup 2002.

Chờ cuộc tái sinh của lò Sông Lam

SLNA là trung tâm đào tạo bóng đá trẻ trứ danh bậc nhất Việt Nam, nhưng do tài chính khó khăn cộng với cơ chế lỗi thời, có những năm xứ Nghệ trở thành “vùng trắng” trong địa hạt bóng đá trẻ.

SLNA được ví như Athletic Bilbao ở Tây Ban Nha, bởi niềm tự hào có thể sử dụng 100% cầu thủ bản địa. Để có được điều đó, họ có một hệ thống đào tạo trẻ rất tốt. Cựu chủ tịch SLNA Nguyễn Hồng Thanh từng tiết lộ, đội bóng xứ Nghệ có mô hình tuyển chọn độc đáo, đấy là hình thành những “chân rết” ở các huyện, xã… Từ đấy họ chọn những cầu thủ nhí có năng khiếu đưa tới lò luyện. Hơn 1 thập niên về trước, SLNA vẫn đứng vững trên đôi chân của mình dù các Trung tâm PVF, HAGL hay Viettel ra đời và hút các tài năng bản địa. Nhưng rồi do tài chính eo hẹp và vì cơ chế quản lý lỗi thời, SLNA cứ đì đẹt ở các giải trẻ quốc gia.

Năm 2020, SLNA bắt đầu lấy lại vị thế với chức vô địch giải U13 và U17 QG, các đội trẻ cũng đều có mặt trong tốp đầu. Tuy nhiên, đóng góp ở các ĐTQG của SLNA thực sự rất khiêm tốn. Chuyên môn của các cầu thủ trẻ SLNA luôn được đánh giá cao, nhưng họ gặp trở ngại vì tự ti bản thân. Có thể hiểu, các thành viên của lò Sông Lam luôn thua thiệt các đồng tuế về chuyện ăn, ở, mặc chứ chưa nói đến chuyện thu nhập. 

Năm 2021 đánh dấu bước chuyển biến lớn của SLNA khi chia tay nhà tài trợ đã gắn bó nhiều năm, cùng với đó là những công thần được cho là không thể thay thế. Sự xuất hiện của doanh nhân gốc Nghệ An là Trương Sỹ Bá không chỉ giúp đội 1 SLNA thi đấu tốt tại V.League mà còn dấy lên hy vọng cho các tuyến trẻ. Đội bóng xứ Nghệ đã thực sự có những bước chuyển mình, trong đó hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi, nhà ở… được cải tạo rốt ráo. Ngoài ra, mức đãi ngộ, thù lao được nâng lên giúp các cầu thủ trẻ và gia đình cảm thấy an tâm khi gắn bó với đội.

Với những gì đã và đang đổi thay, các CĐV xứ Nghệ có quyền tin, lò Sông Lam sẽ tái sinh và lấy lại được thanh danh.

 

Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

  • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
  • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
  • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
  • Giá: 98.000 đồng.

ĐẶT MUA NGAY
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: [email protected] | [email protected]
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: [email protected]

http://www.bangda7.com/bundles/jquery.js
x