Bóng Đá Plus trên MXH

Iran (kỳ 1): Cuộc nổi loạn lịch sử của 5.000 CĐV bóng đá nữ Hồi giáo
Kinh Thi • 19:18 ngày 11/06/2024
Các nhà sử học thế giới dễ dàng thống nhất một điều: vài chục năm nữa, khi viết về những thay đổi quan trọng trong xã hội Trung Đông, người ta sẽ phải nhắc lại vụ nổi loạn của khoảng 5.000 phụ nữ Iran tại SVĐ Azadi cuối năm 1997 như một chi tiết điển hình.

    Toàn cảnh sân vận động Azadi

    KỲ TÍCH WORLD CUP NHEN NGỌN LỬA NỔI LOẠN
    Cuối tháng 11/1997, Iran sang Australia đá trận play-off lượt về, tranh vé dự VCK World Cup 1998. Họ không có nhiều hy vọng, do chỉ hòa 1-1 tại sân nhà Tehran ở trận lượt đi. Trước đó, họ cũng chẳng thành công lắm trên đấu trường quốc tế. Ở trận lượt về, Australia dẫn điểm đến 2-0. Nhưng bất ngờ lớn xuất hiện chỉ trong 15 phút cuối trận, khi Iran tăng tốc, gỡ 2-2 và đoạt vé dự VCK một cách ngoạn mục.  Ấn tượng về những Ali Daei, Mehdi Mahdavikia, Karim Bagheri... coi như miễn bàn. Nhưng những gì xảy ra ngay tại Iran vài ngày sau đó mới thật sự là khó quên.

    Vì chiến thắng huy hoàng của ĐT Iran, và vì cả những lời hứa trước đó của Tổng thống vừa đắc cử Khatami, giới trẻ và phụ nữ Iran gần như điên lên vì sung sướng. Người ta đổ xô ra đường để ăn mừng, nhảy những vũ điệu của phương Tây, uống rượu, nghe nhạc Pop. Tóm lại, mọi chuyện thật sự lên đến mức độ “điên loạn”, theo những quy chuẩn trong xã hội Iran. Các giáo sĩ Hồi giáo họp khẩn cấp, tìm cách trì hoãn sự trở về của ĐTQG để hạ hỏa dân chúng. Trên đài phát thanh, người ta liên tục nhắc nhở dân chúng cảnh giác và xa lánh các “biểu tượng phương Tây”, kêu gọi phụ nữ không ra đường. Phải 3 ngày sau, ĐTQG mới được trở về Tehran. Nhưng cơn sốt bóng đá tại SVĐ Azadi (trớ trêu thay, tên này có nghĩa là “Tự do”) trong lễ mừng công thì không thể nào dập tắt.

    120.000 khán giả ngồi kín các khán đài, xem những người hùng của ĐTQG hạ cánh từ máy bay trực thăng. Nhưng những gì diễn ra bên ngoài SVĐ Tự Do mới là điều chấn động nhất. Phụ nữ kéo đến sân bóng, đòi tham gia lễ hội. Những đám đông không hẹn mà gặp nhanh chóng phát triển số lượng đến mức hàng ngàn người, hoàn toàn vượt khỏi khả năng khống chế của cảnh sát, gồm cả cảnh sát an ninh lẫn cảnh sát Hồi giáo. Họ bất lực đứng nhìn hàng ngàn phụ nữ xông lên phá cổng, rồi tràn vào sân.

    ĐÒN ĐÁP TRẢ CỦA GIỚI TĂNG LỮ 
    Rõ ràng, đấy là một cuộc cách mạng, bởi luật cấm phụ nữ đến SVĐ đã có tại Iran từ năm 1979 và được thực thi chặt chẽ. Có những thời điểm phụ nữ Iran bị cấm xem và cấm chơi bóng đá ở bất cứ nơi đâu, dưới mọi hình thức. Nhưng thật ra, giới quan sát cho rằng đây là kết cục tất yếu của những gì đã manh nha từ trước. Kể từ khi Tổng thống Khatami hứa hẹn đổi mới, người ta đã xầm xì về chuyện phụ nữ Iran thường lén đến sân bóng, trong những bộ trang phục rộng thùng thình, chẳng rõ đàn ông hay đàn bà! “Giải phóng phụ nữ” chỉ là một trong rất nhiều đề tài bùng nổ ở Iran trong giai đoạn ấy. 

    Trong suốt vòng loại World Cup 2002, giới trẻ Iran thường xuyên đến SVĐ Azadi để cổ vũ cho ĐTQG và thể hiện sự phản kháng. Trong cơn phấn khích sau mỗi bàn thắng, khi mà cảnh sát không sao kiểm soát nổi đám đông cuồng nhiệt, những khẩu hiệu chẳng liên quan gì đến bóng đá vang lên: “Tự do muôn năm”, “Chúng tôi yêu nước Mỹ”. Đỉnh điểm, người ta hô vang “Reza Pahlavi”! Reza Pahlavi? Đấy là con trai lưu vong của quốc vương Pahlavi, người bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979. Đến đây, tất cả đã trở thành vấn đề xã hội, chính trị, chứ không còn là chuyện bóng đá nữa. 

    Chắc chắn đó là điều hoàn toàn bất lợi đối với giới tăng lữ cầm quyền. Cuộc “cách mạng bóng đá” gắn liền với hàng ngàn phụ nữ nổi loạn có khả năng dẫn dắt xã hội Iran đến một thay đổi lớn lao, thậm chí báo hiệu đưa Iran quay về chủ nghĩa Dân tộc thế tục. Không thể chấp nhận nguy cơ đó, lãnh tụ tinh thần tối cao, giáo chủ Ali Khamenei lập tức ban bố hàng loạt biện pháp cứng rắn để lái Iran trở về với những quy chuẩn hà khắc.

    Ba năm sau, khi ĐT Iran trở về từ World Cup 2002, Mahmoud Ahmadinejad chiếm ghế Tổng thống Iran. Cũng kể từ đó, không khí bóng đá tại Iran bắt đầu xìu hơi và ĐT Iran không còn mạnh mẽ như trước nữa. Đấy không phải là một sự ngẫu nhiên. Một khi bóng đá và những cơn phấn khích của giới trẻ Iran còn bị đè nén thì làm gì có chuyện phụ nữ Iran được thoải mái chơi bóng. 

    TRANH CÃI VỀ CHUYỆN PHỤ NỮ CHƠI BÓNG
    Ở vòng loại môn bóng đá nữ của Olympic 2012, ĐT Iran bị cấm ra sân vào giờ chót vì FIFA cho rằng việc đeo mạng (che tóc và cổ) ra sân là sai luật. Theo luật bóng đá, trang phục cầu thủ không được thể hiện bất cứ dấu hiệu, thông điệp nào liên quan đến chính trị và tôn giáo. LĐBĐ Iran tranh cãi: cái mạng che tóc và cổ (chứ không che mặt) mà nữ cầu thủ nữ sử dụng không phải là một dấu hiệu tôn giáo. Họ thành công khi mới tháng trước, Ủy ban luật bóng đá (IFAB) tuyên bố cầu thủ nữ có thể đeo mạng ra sân mà không phạm luật.

    Chủ tịch LĐBĐ Iran (IRIFF) Ali Kaffashian

    Tưởng như câu chuyện kết thúc thì lại có bất ngờ. LĐBĐ Pháp (FFF) tuyên bố sẽ cấm cầu thủ đeo mạng ra sân ở các trận đấu diễn ra tại Pháp vì nước này có luật cấm đeo mạng che mặt ở trường học hoặc nơi công sở. Vì sao cứ phải tranh cãi vấn đề chỉ liên quan thuần túy đến luật bóng đá mà chính IFAB đã tuyên bố rõ ràng như thế? Đấy là vì tầm quan trọng của vấn đề này xem ra đã vượt ra ngoài giới hạn thông thường của luật bóng đá. Nó quan trọng hơn cả bóng đá. 

    Và muốn biết nó quan trọng đến mức độ nào, hãy xem tiếp đề tài tranh cãi thứ hai. Iran đang chuẩn bị tổ chức giải bóng đá U16 châu Á 2012. Muốn được AFC trao quyền tổ chức giải này, chủ tịch LĐBĐ Iran (IRIFF) Ali Kaffashian phải chính thức tuyên bố “sẽ tuân thủ mọi yêu cầu của AFC”, trong đó có việc không được phân biệt giới tính đối với khán giả. Lần đầu tiên phụ nữ Iran sẽ được đến SVĐ xem bóng đá nam?

    Không, đấy là điều chưa bao giờ được phép kể từ khi cuộc Cách mạng 1979. Ngay tại Iran, người ta cũng đâu muốn thấy phụ nữ được đến SVĐ hoặc cầu thủ nữ được đeo mạng ra sân chơi bóng. Và khi IRIFF và Kaffashian đấu tranh để bóng đá Iran có được 2 điều đáng kể ấy, thì sự phản kháng lại chủ yếu là ngay bên trong đất nước. 

    Lạ ở chỗ, Tổng thống Ahmadinejad luôn tìm cách chống lại việc Kaffashian giữ ghế chủ tịch IRIFF và chống lại việc IFAB hậu thuẫn Kaffashian để các cầu thủ nữ Iran được ra sân chơi bóng với mạng che tóc và cổ. Nhưng kỳ thực thì Ahmadinejad lại không phản đối việc để phụ nữ đến SVĐ cũng như ra sân chơi bóng. Trên thực tế, chính Ahmadinejad đã từng cố gắng xóa bỏ luật cấm phụ nữ đến SVĐ cách đây nhiều năm. Khi ấy, ông đã tuyên bố trên mặt báo là sẽ thúc đẩy để tiến trình xóa bỏ quy định này diễn ra nhanh hơn, đồng thời hứa hẹn nhiều cải cách khác trong xã hội Iran. 

    Ngay lập tức, Ahmadinejad rơi vào thế đối đầu với giới tăng lữ. Giáo chủ Ali Khamenei đưa ra thông điệp hồi tháng 5/2011: Ahmadinejad có thể từ chức, hoặc phải chịu sự can thiệp của giáo chủ vào việc điều hành đất nước. Rút cuộc, Tổng thống phải cúi đầu trước giáo chủ. Giấc mơ ra sân chơi bóng cũng như đến SVĐ xem bóng đá nam của phụ nữ Iran từ đó lại trở thành một giấc mơ.

    (Còn nữa)

    Tags: Iran
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội