Bóng Đá Plus trên MXH

ĐT Đức: Bao năm để có một ngày...
HẢI MINH • 19:29 ngày 19/07/2014
Tháng 6/2000, Đức đứng đội sổ ở bảng đấu của họ tại EURO, chỉ ghi 1 bàn trong 3 trận và thua BĐN 0-3 ở trận cuối cùng. Thất bại muối mặt đó đã khiến Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) quyết định cải tổ mạnh mẽ để rồi 10 năm sau “Cỗ xe tăng” đã lên đỉnh thế giới lần thứ 4.

    TỪ THẢM HỌA…
    Giai đoạn 1998 tới 2004 có lẽ là những năm tháng đen tối nhất với bóng đá Đức. Họ bị Croatia loại ở tứ kết World Cup 1998 và chia tay từ vòng bảng một cách muối mặt ở EURO 2000 và 2004. Họ vẫn vào chung kết World Cup 2002, nhưng bởi thói quen và sự xuất thần của thủ thành Oliver Kahn, tính tổ chức của hàng thủ, các bàn thắng từ tình huống cố định và những lá thăm may mắn, hơn là nhờ thực lực.

    “Vào thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ, bóng đá Đức đang đứng trước một thảm họa, hoàn toàn thiếu một nền tảng chuyên nghiệp”, tác giả bản báo cáo về Bundesliga năm 2001 sau này nói về tình trạng của nền bóng đá từng 3 lần VĐTG khi đó.  Thất bại năm 2000 đã khiến DFB muốn thay đổi không chỉ hệ thống đào tạo trẻ, mà cả tư duy chơi bóng của người Đức. Họ không còn muốn thấy những đội hình chiến thuật cứng nhắc, một phong cách thiên về thể lực, sức mạnh và “tinh thần Đức” để chiến thắng. Thay vào đó, các HLV tập trung phát triển những đội hình có thể chơi chuyền bóng tốc độ, trơn tru, kỹ thuật, mà vẫn giữ nguyên được sự hiệu quả.

    Đức luôn nổi tiếng bởi hai thứ: những kết quả sít sao, có lợi cho họ trên sân bóng, và những chiếc xe hơi lộng lẫy. Xe hơi của họ thì vừa tốc độ, vừa đẹp mắt, vừa đắt tiền, nhưng bóng đá thì tới tận đầu những năm 2000 vẫn là theo kiểu lập trình máy tính: mục đích duy nhất là chiến thắng, phương pháp không quan trọng. Nhưng từ năm 2004, một nền tảng mới đã được thiết lập cho ĐTQG, bắt đầu từ sự thay đổi ở các CLB.

    … TỚI KLINSI
    Chính trong bối cảnh đó, Juergen Klinsmann được bổ nhiệm năm 2004 thay cho Rudi Voeller dẫn dắt ĐT Đức, một cột mốc lịch sử, 4 năm sau khi cuộc cách mạng bắt đầu. Đó là một quyết định mang tính biểu tượng còn lớn hơn ý nghĩa chuyên môn. Voeller và Klinsmann là những đồng đội cùng thuộc về một thế hệ vàng vô địch World Cup 1990, nhưng họ là hai phong cách hoàn toàn đối lập.

    Sau thất bại muối mặt 0-3 trước ĐT BĐN ở EURO 2000, bóng đá Đức đã tiến hành cải tổ mạnh mẽ 
    để có được thành công tại World Cup 2014

    Klinsi là một gã lãng tử đá bóng, với số danh hiệu cá nhân ít ỏi ở cấp CLB (1 chức vô địch Đức với Bayern Munich và 2 Cúp UEFA với Bayern và Inter Milan), nhưng lại chưa bao giờ thiếu những khoảnh khắc bay bổng lãng mạn trước khung thành đối phương, dù là trong màu áo Inter, Bayern hay Tottenham. Voeller, ngược lại, là một tiền đạo Đức điển hình: cực kỳ hiệu quả, chuyên gia của vòng cấm địa và đôi khi rất tinh quái.

    Có thể nói không ngoa rằng Klinsmann chính là người đã khơi nguồn cho cuộc hồi sinh của bóng đá Đức, với tất cả những dấu ấn cá nhân của ông. Ông không ngần ngại loại ra ngoài những ngôi sao đã nhiều kinh nghiệm, nhường chỗ cho những người mới nổi như Philipp Lahm, Lukas Podolski và Bastian Schweinsteiger. 

    Per Mertesacker nói về Klinsmann: “Ông ấy là HLV đầu tiên tin tưởng ở một thế hệ rất trẻ, và trên phương diện đó, ông đã thổi một làn gió mới vào ĐT. Chúng tôi đang tiếp tục những gì mà Juergen đã khởi đầu, ngay lúc này. Nhiều cầu thủ thời đó vẫn còn ở trong ĐT, và Jogi Loew cũng giúp đội bóng tiến lên”.

    Klinsmann dựng lên sân khấu, và Loew cùng tuyển Đức của ông trình diễn trên đó. Trên sân nhà năm 2006, ĐT Đức của Klinsi đã bắt đầu cho thấy nhiều dấu hiệu thay đổi đầy hứa hẹn, với một lối chơi thiên hẳn về kỹ thuật và tốc độ, thay vì cứng nhắc và quá mạnh bạo như trong quá khứ. 


    Tuy nhiên, có lẽ phải tới năm 2010 ở Nam Phi, Đức mới thực sự như một chú ngài lột xác thành con bướm chúa đẹp đẽ. Với nhiều CĐV áo trắng theo dõi giải đấu đó, đội bóng của họ đã được giải phóng hoàn toàn khỏi những truyền thống quá khứ và bắt đầu chơi với một bản sắc mới, cuốn hút, trẻ trung, tươi mới và đầy chất thẩm mỹ.

    Lối chơi tấn công mà họ thể hiện ở Nam Phi, tốc độ, trơn tru và sáng sủa, giúp Đức đè bẹp Anh 4-1, rồi Argentina 4-0, đồng thời giới thiệu những gương mặt mới của họ, những đại biểu của một nền bóng đá đã thay da đổi thịt hoàn toàn, với cả thế giới: Mesut Oezil, Thomas Mueller, Sami Khedira và nhiều người khác.

    TRỞ VỀ NGUỒN CỘI
    Nhưng có phần nghịch lý, bản sắc mới đầy háo hức đó đã không giúp Đức có được danh hiệu lớn nào suốt một thập kỷ, cho tới năm 2014. Ở Brazil, đội bóng của Loew đã rất nhiều lần trở lại với sự thực dụng và hiệu quả vốn đã ăn vào huyết mạch của người Đức. Giải quyết gọn gàng vòng bảng với những trận đấu đều không thật thuyết phục, nhưng đủ để họ đảm bảo ngôi đầu, Đức chật vật mới vượt qua được Algeria sau 2 hiệp phụ ở vòng 16 đội.

    Pháp là bài trắc nghiệm lớn đầu tiên, và Die Mannschaft giành chiến thắng với bàn duy nhất của Mats Hummels, một pha đánh đầu, khi Loew chuyển sang sơ đồ 4-3-3 bảo thủ. Đó là tuyển Đức của Voeller nhiều hơn là của Klinsmann, nhưng điều quan trọng nhất là họ đã chiến thắng. 
    Trận thắng ở tứ kết đó diễn ra vào một ngày biểu tượng với bóng đá Đức, kỷ niệm 60 năm “Điều thần kỳ ở Bern” 1954, khi Tây Đức khiến cả thế giới sững sờ, lật ngược tình thế thắng lại một ĐT Hungary được coi là phi thường 3-2 trong trận chung kết World Cup. Báo Die Zeit của Đức tổng kết về việc đội nhà vào bán kết: “Chiến thắng 1-0 trước Pháp là sự vinh danh lý tưởng giành cho Fritz Walter (HLV Tây Đức 1954): bóng đá nhiều cảm xúc, nhưng tập trung vào kết quả”.

    Hai trận đấu cuối cùng của Đức ở World Cup cũng chính là sự pha trộn của thứ cốc-tai kỳ diệu đó: tất cả cảm xúc trong chiến thắng tàn sát đội chủ nhà Brazil 7-1, và tất cả sự thực dụng trong trận chung kết được kết thúc bằng bàn thắng duy nhất ở hiệp phụ của Mario Goetze vào lưới Argentina.

    Rốt cuộc, người Đức đã chỉ có thể lên đỉnh vinh quang khi họ trở lại với đúng bản sắc của mình, dù rất nhiều thăng trầm của một thập kỷ qua khiến cho bản sắc đó có thể không còn giống như trong quá khứ của những Gerd Mueller hay Franz Beckenbauer nữa.

    HÀNH TRÌNH ĐẾN VINH QUANG CỦA ĐT ĐỨC
    - World Cup 2006 (Đức): Giải đấu lớn đầu tiên của Klinsmann, diễn ra ngay trên sân nhà. Đức vào bán kết nhưng thua Italia 0-2 sau hai hiệp phụ. Sau đó họ giành HCĐ nhờ đánh bại BĐN 3-1. Đó là giải đấu lớn đầu tiên với ĐTQG của Schweinsteiger, Lahm, Mertesacker và Podolski.

    - EURO 2008 (Thụy Sỹ và Áo): Giải đấu lớn đầu tiên của Loew. Đức vào chung kết và thua TBN đang ở đỉnh cao thế giới 0-1. Họ là một đội bóng đang chuyển giao và sẽ thay đổi hoàn toàn 2 năm sau đó ở Nam Phi.

    - World Cup 2010 (Nam Phi): Đức vào bán kết với những chiến thắng vang dội, 4-1 trước Anh (vòng 16 đội) và 4-0 trước Argentina (tứ kết). Họ lại bị TBN chặn lại cũng với tỉ số 1-0 và một lần nữa giành HCĐ sau khi thắng Uruguay 3-2 ở trận tranh hạng Ba. Đức lúc này đã hoàn toàn là đội bóng của Loew, với băng đội trưởng cho Lahm và sự tỏa sáng của những Mueller, Oezil, Khedira…

    - EURO 2012 (Ba Lan và Ukraine): Đức lại vào bán kết, nhưng thua Italia 1-2, kết quả bất ngờ với nhiều người sau những chiến thắng ấn tượng mà họ đã thể hiện trước đó.

    - World Cup 2014 (Brazil): Đức giành chức vô địch hoàn toàn xứng đáng sau khi đứng đầu một bảng đấu khó có mặt BĐN, Ghana và Mỹ, đánh bại Algeria ở vòng 16 đội, vượt qua Pháp ở tứ kết, đè bẹp chủ nhà Brazil ở bán kết và hạ luôn Argentina trong trận CK tại Maracana.
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay