Bóng Đá Plus trên MXH

Thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam: “Nếu ngôi sao, nhận từ 1-1,5 tỷ đồng là hợp lí”
Đức Nguyễn • 09:20 ngày 07/01/2015
Giá trị của cầu thủ trên sàn chuyển nhượng Việt Nam đã qua thời… phi mã. Tuy nhiên vẫn có những “người đặc biệt” khiến các CLB “rút két” để chiêu mộ.
    BĐ&CS đã có cuộc trao đổi, tọa đàm bàn tròn về vấn đề chuyển nhượng thời gian qua với 3 vị khách mời: HLV Trần Bình Sự (Đồng Nai), Trưởng đoàn bóng đá HA.GL - ông Nguyễn Tấn Anh và TGĐ công ty Thể thao - Bóng đá Bình Dương - Ông Cao Văn Chóng.

    Từ trái qua phải HLV Trần Bình Sự - (Đồng Nai), ông Nguyễn Tấn Anh - Trưởng đoàn BĐ HA.GL, Ông Cao Văn ChóngTGĐ - CTTT - BĐ Bình Dương 

    QUA RỒI THỜI... THỔI GIÁ
    - Đầu tiên xin cám ơn quý vị đã tham gia buổi tọa đàm của BĐ&CS. Câu hỏi đầu tiên giành cho quý vị, giả sử, nếu quý vị là một “chuyên gia định giá” cầu thủ, quý vị sẽ “nêm yết” giá các cầu thủ Việt Nam như thế nào?
    + HLV Trần Bình Sự: Theo tôi BĐVN đã qua rồi thời kỳ các cầu thủ được thổi giá lên trên trời. Cái gì cũng có nguyên do của nó, đấy là thời điểm các “đại gia” nhảy vào chơi bóng đá, họ không có đào tạo trẻ, không có tuyến 2, vậy thì cách nhanh nhất chính là vung tiền ra chiêu mộ các ngôi sao. chẳng hạn như, SG.XT mua Phước Tứ với giá 12 tỷ đồng/3 mùa, trước đó Công Vinh về HN.ACB, nghe đâu với cái giá rất khủng khiếp… 

    Ở thời điểm hiện tại, rõ ràng thị trường cầu thủ đã trở lại với thực tại, nghĩa là họ tương xứng với giá trị sử dụng, nhưng tôi thấy một số cầu thủ vẫn có cái giá khá cao. Tôi nghĩ, các cầu thủ ở V.League có những giá trị sử dụng, chất lượng khác nhau nên có thể ra nhiều loại giá khác nhau. 

    Phước Tứ từng có giá lên đến 12 tỷ đồng /3 mùa

    + Ông Nguyễn Tấn Anh: Khó có thể nói về thị trường chuyển nhượng hiện nay, bởi tôi thấy một số CLB vẫn mua cầu thủ với giá rất cao so với mặt bằng chung của BĐVN. Tôi cho rằng, mỗi CLB có một cách làm riêng, quan điểm riêng nên không thể đưa ra một cái giá nào đấy trên thị trường cầu thủ.

    + Ông Cao Văn Chóng: Ngoài tình hình tài chính khó khăn, vừa qua LĐBĐ Việt Nam đã có những động thái rất tích cực khiến thị trường cầu thủ bớt “nóng”. Cụ thể, ở V.League các CLB chỉ được sử dụng 2 cầu thủ ngoại và 1 nhập tịch, còn các đội hạng Nhất chỉ sử dụng 1 cầu thủ nhập tịch. Tôi nghĩ chính điều này đã giúp cho thị trường cầu thủ dần dần trở về giá trị thực của nó. Theo tôi giá các cầu thủ có thể ra khung như sau: Nếu là cầu thủ chất lượng tốt thì giá khoảng 1,5 tỷ/mùa, ở mức khác có thể nhận mức phí lót tay 1 tỷ/mùa, thấp hơn nữa 200- 300 triệu/mùa. 

    V.LEAGUE CHỨ KHÔNG PHẢI NHẬT BẢN, HÀN QUỐC HAY CHÂU ÂU
    - Thưa quý vị, ở BĐVN vẫn có cái gọi là “lót tay” phải chăng chúng ta đang tạo ra “sự khác biệt” đối với các nền bóng đá khác?
    + HLV Trần Bình Sự: Mỗi nền bóng đá có một đặc thù riêng và có những cái hay cái dở riêng. Nhưng chắc chắc, V.League không thể so sánh với các giải của Nhật Bản, Hàn đó là chưa nói đến châu Âu. Tôi cũng chẳng biết cái gọi là “lót tay” có từ lúc nào, nhưng một điều dễ nhận thấy, mỗi CLB mua một cầu thủ đều có nguyên do của nó, ở đó có sự “thuận mua vừa bán”, theo quy luật cung - cầu. 

    Có những CLB mua một cầu thủ không chỉ “giá trị sử dụng” mà còn “giá trị thương hiệu” của anh ta cũng rất lớn. Ví như Lê Công Vinh, anh ta là tuyển thủ quốc gia, là một trong những cầu thủ tốt nhất của BĐVN. Bên cạnh đó, hình ảnh của Vinh được rất nhiều người để ý. Tôi lấy ví dụ thôi, B.BD chiêu mộ Công Vinh biết đâu lại thu hút rất nhiều CĐV Nghệ An vốn đang sinh sống và làm việc tại địa phương này đến sân. Khi có khán giả, chắc chắc đội bóng sẽ tìm ra rất nhiều nguồn tài chính.


    + Ông Nguyễn Tấn Anh: Với kinh nghiệm hơn chục năm làm bóng đá, tôi cho rằng cái gọi là phí lót tay được tạo ra là do thời cuộc, bản thân mỗi CLB chịu trách nhiệm một phần trong đó bởi chúng ta không thể đưa ra “chế tài”, khi mà việc buôn bán cầu thủ được… thả nổi. Bây giờ, câu chuyện đấy đã khác nhưng tôi không dám chắc việc thị trường cầu thủ Việt Nam đến khi nào sẽ bình ổn, bởi sau lưng là những câu chuyện dài của các đội bóng.

    + Ông Cao Văn Chóng: Bóng đá đôi khi tuân theo quy luật thị trường vậy nên nó cũng tùy thuộc vào chiến lược của mỗi CLB. Tôi cho rằng, bây giờ cầu thủ đã trở lại giá trị thực, thời gian tới mọi chuyện có thể đổi thay hơn nữa khi mà BTC cũng như các CLB có những chính sách để “nắn” lại dòng chảy bóng đá.

    ĐÀO TẠO TRẺ LÀ CHIẾN LƯỢC TỐT NHẤT
    - Vậy thời gian tới, chúng ta cần làm gì để tránh tình trạng phá giá, lũng đoạn thị trường cầu thủ, thưa quý vị?
    + HLV Trần Bình Sự: Tôi thấy mọi thứ đang tốt lên đối với BĐVN. Tuy nhiên các CLB đều cần phải có những hành động để cùng chung tay giúp BĐVN tốt hơn, chẳng hạn như tạo bản sắc địa phương cho các đội bằng cách sử dụng nhiều cầu thủ địa phương, do chính mình đào tạo ra.

    + Ông Nguyễn Tấn Anh: Theo tôi chẳng có con đường nào khác là chúng ta phải đào tạo trẻ. Chỉ khi các CLB có được nguồn cung tại chỗ, tức là không phải trả phí chuyển nhượng thì nguồn kinh phí để nuôi đội bóng sẽ giảm xuống, thậm chí về lại con số 0. 


    + Ông Cao Văn Chóng: Tôi đồng ý với các vị khách, việc đào tạo trẻ sẽ giải quyết được rất nhiều bài toán, trong đó có bài toán về tài chính. Thực tế, mỗi CLB cần có một thời gian dài để chuẩn bị, ví như HA.GL thành công nhờ có chiến lược từ 7-8 năm về trước và bây giờ đến lúc thu quả ngọt

    Chúng tôi cũng đang có những chiến lược riêng, chẳng hạn như thời gian qua đã có sự trao đổi, hợp tác học hỏi với CLB Kawasaki của Nhật Bản. Dù vậy, chúng ta cần học ở người Nhật chiến thuật “mưa dầm thấm đất” tức là làm từng bước, từng giai đoạn, bởi 10 năm trước bóng đá Nhật cũng trải qua giai đoạn như chúng ta bây giờ.

    - Xin cám ơn quý vị về cuộc trao đổi thẳng thắn này!

    Ai nói Công Vinh giá 7 tỷ?”
    “Ai nói Lê Công Vinh giá 7 tỷ?. Ai dám nói chúng tôi trả số tiền lớn như vậy để chiêu mộ tiền đạo này?. Tất cả chỉ là cái giá mà mọi người đưa ra, chứ thực ra chưa đến cái giá như vậy đâu. BĐVN đã qua thời bão giá rồi”. 
    TGĐ Cao Văn Chóng đã nói như thế khi được hỏi: Thực hư cái giá của tiền đạo Lê Công Vinh là như thế nào?.

    “Một cầu thủ là tuyển thủ QG đá chính có thể nhận 1 tỷ trở lại/mùa là xứng đáng. Nếu lên đội tuyển mà dự bị thì giảm xuống 500 triệu/mùa, còn trung bình khá thì giá 200 - 300 triệu đồng/mùa… là hợp lí”.
     HLV Trần Bình Sự.

    “HA.GL tự hào rằng, hầu hết các cầu thủ đều do chính tay CLB đào tạo”.
    Ông Nguyễn Tấn Anh chia sẻ

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay