Bóng Đá Plus trên MXH

“Bom tấn” Lentini & sự lụi tàn trên đỉnh phù hoa
Lê Thành • 10:44 ngày 04/09/2013
Vụ áp phe chuyển nhượng của Gianluigi Lentini không chỉ là một thất bại về chuyển nhượng, mà còn là bi kịch của một con người. 20 năm trước, anh đến AC Milan với tư cách là bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới (13 triệu bảng), cầu thủ đẹp trai nhất và được yêu mến nhất. Bây giờ, trong mắt anh là một tình yêu đã chết.
    “CÁI CHẾT” CỦA MỘT NIỀM TỰ HÀO ITALIA
    Trang Facebook một CĐV lập cho anh vào năm 2008 đã thu hút 7,830 người ấn nút like (thích), nhưng bên trong, chỉ có đúng một dòng status (trạng thái) của người quản trị, một bức ảnh Lentini của ngày xưa và một đoạn clip nhạc trên Youtube của người quản trị đăng từ hơn một năm trước, chẳng hề dính dáng gì đến Gigi. Giờ thì, có vẻ như tài khoản ấy đã im lìm mãi mãi.

    Trong một đoạn clip phỏng vấn đăng trên Youtube vào đầu năm nay, Lentini vẫn để tóc dài, nhưng ánh mắt sáng, lãng mạn và ướt át của 2 thập niên trước đã không còn. Clip ấy chỉ thu hút 313 lượt xem. 

    Cách đây vài tháng, trong một trận đấu của lão tướng Milan, anh xuất hiện với cơ thể đã phát phì, hơi rụt rè, không còn chút gì dáng vẻ của một tay chơi ngạo mạn đã từng khiến nước Ý tôn thờ. Một thời sôi nổi đã ở lại phía sau. Chỉ còn một Lentini với những nỗi đau khổ để lại trên khóe mắt và nụ cười buồn.


    Đó là ngày 2/7/1992, Lentini tuyên bố quyết định rời Torino. 13 triệu bảng, và Gigi khoác lên mình chiếc áo Đỏ - Đen. 20 ngày sau khi Lentini chuyển đến Milan , nhật báo Corriere della Sera viết: “Anh ta râu ria xồm xoàm như thể nhiều ngày không cạo. Trên đó là gương mặt của một tỷ phú buồn. Anh ta nói như thể thì thầm, với giọng nhỏ nhẹ và rụt rè”. 

    Thực sự, Lentini đã rất lo lắng: “Sai lầm đầu tiên là đến đây với giá hàng tỷ lira (đồng tiền Italia trước đây - PV). Tôi sẽ cố không để nó ảnh hưởng đến mình. Đây không phải là thời điểm để thú nhận, có những thứ quan trọng hơn vấn đề trong bóng đá”.

    Phải, bóng đá dường như cũng không còn quan trọng nữa. Tờ La Stampa thời điểm ấy miêu tả: “Chàng trai hôm nay vi vu trên đường bằng xe Porsche, nghe điện thoại bằng tai trái có đeo bông tai kim cương. Khi anh ta bước vào sân tập, một đám đông toàn con gái vây xung quanh xin chữ ký”. 

    Tháng 2/1993, nửa năm trước khi xảy ra vụ tai nạn đẩy sự nghiệp của Lentini vào bóng tối, La Stampa tiếp tục mỉa mai: “Lentini thường ngày là thế này: Áo phông màu cam, phía ngoài là áo khoác da, quần xanh lá cây, bông tai kim cương lấp lánh và một đôi cánh xăm ở lưng. Người ta nói rằng đây là biểu tượng của một hệ thống lỗi, là nạn nhân không thể cứu vãn của một thị trường điên rồ. Ở tuổi 24, Lentini nhìn quanh với ánh mắt đầy hoài nghi”. 

    Các tay phóng viên bắt đầu móc máy Lentini vì giá chuyển nhượng và mức lương cao ngất, và anh lại càng nổi loạn, như một nỗ lực bề ngoài để che giấu khủng hoảng. 

    Tuy nhiên, sự day dứt vì rời bỏ Torino vẫn ám ảnh Lentini: “Bạn không thể chỉ cắn vào phần ngon của quả táo. Tôi muốn tiền bạc và sức mạnh của Milan, nhưng tôi phải trả cái giá nào đó. Tôi xin lỗi với những ai vẫn là CĐV của tôi, những người đã cùng tôi trưởng thành trước khi nhìn thấy tôi quay lưng với họ”.

    VỤ TAI NẠN DO ĐỊNH MỆNH CHỦ MƯU
    Lentini là một người nhạy cảm, và anh bắt đầu giải quyết cơn khủng hoảng tinh thần ấy  bằng cách lao vào những cuộc tình bất định. Lentini không tha cả Rita Schillaci, vợ của Toto Schillaci - Vua phá lưới của World Cup 1990 - và đó là một tai họa. 

    Ngày 2/8/1993, chiếc Porsche của Lentini lao vào dải phân cách của đường cao tốc A21 từ Genova về Milano vào, sau một cuộc hò hẹn với chính… Rita. Tai nạn ấy đã chính thức hủy hoại sự nghiệp còn đang rất chông chênh của anh. Mùa bóng đầu tiên, kết thúc với 30 trận và 7 bàn thắng, có thể là thành công với một cầu thủ trung bình, nhưng là một thất bại to lớn với “hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử”.

    4 tháng sau tai nạn, Lentini trở lại sân tập, và nhật báo La Stampa vẫn bám sát anh: “Đó là một người đã hiểu ác mộng của đêm đen, trên một xa lộ vắng tanh sau một quá trình mệt mỏi sống dưới ánh mặt trời. Đây không phải là sự kết thúc của một cơn ác mộng, mà chỉ là khởi đầu của một cuộc phiêu lưu. Cơn ác mộng chưa kết thúc, một khi Lentini vẫn là cầu thủ mạnh mẽ nhất và được trả cao nhất ở giải vô địch Ý”. 

    Cho đến giờ, anh vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên: “Berlusconi đón tôi bằng trực thăng. Tôi đã phát run khi biết mình sắp được làm việc với Galliani, Braida và Capello. Cả sân vận động hô vang tên tôi, một cảm giác chưa từng có trong đời”.

    Những ngày ấy chỉ trở lại trong giấc mơ. Nếu không may qua đời trong tai nạn cách đây 21 năm, Lentini có lẽ đã được thương tiếc như Luigi Meroni, cầu thủ chạy cánh phải của Torino trong thập niên 1960, người đã gặp tai nạn khi băng qua đường sau một trận đấu. 

    Nếu thế, cái tên Lentini có thể trở thành bất tử, và không ai sẽ phải nhìn thấy anh già nua khốn khổ như thế nào, sau những ngày phù hoa ngắn ngủi, nhưng đầy áp lực của một bản hợp đồng đã cướp đi của nước Ý một tài năng lớn. 

    NHỮNG KỶ LỤC GIA THẤT BẠI
    JEAN-PIERRE PAPIN 
    (Từ Marseille sang AC Milan năm 1992; 10 triệu bảng)


    Là cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử vào thời điểm ấy, Papin cũng là người Pháp nổi tiếng nhất đặt chân đến Serie A kể từ sau thời Michel Platini. Tuy nhiên, Papin không bao giờ giành được một suất đá chính trong đội hình Milan vì chấn thương và không thích ứng. Sau khi sang Bayern, Papin như thoát khỏi áp lực và đoạt thêm một Cúp UEFA.

    DENILSON 
    (Từ Sao Paulo sang Betis năm 1998; 21,5 triệu bảng)


    Là cầu thủ đắt giá nhất mọi thời vào lúc ấy, Denilson trải qua mùa bóng đầu tiên rất thất vọng, với 2 bàn/35 trận, còn Betis kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 11. Mùa tiếp theo 1999/00 còn tệ hơn: Betis bị tụt hạng, còn Denilson bị đem cho mượn, lang bạt qua hàng loạt CLB khác nhau và thậm chí từng sang… Việt Nam đá cho XM.Hải Phòng vào năm 2009.

    GAIZKA MENDIETA 
    (Từ Valencia sang Lazio năm 2001; 41,2 triệu bảng)


    Là cầu thủ đắt giá thứ sáu qua mọi thời đại vào thời điểm ấy, nhưng gây thất vọng rất nhanh chóng. Mendieta chỉ chơi cho Lazio một mùa bóng rồi bị đem cho Barcelona mượn, sau khi đội bóng mua được thêm Pavel Nedved và Juan Veron. Nhưng trong thời gian chơi ở TBN, Barca có sự phục vụ của anh cũng chỉ xếp hạng Sáu ở Liga.

    ANDRIY SHEVCHENKO 
    (Từ AC Milan sang Chelsea năm 2006; 30,8 triệu bảng)


    Trước khi Torres gia nhập Chelsea, Shevchenko là bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử CLB. Nhưng cũng như Torres, Sheva ngày một chậm chạp và chơi tồi đi dưới những áp lực, bị coi là được ra sân chỉ nhờ quan hệ tốt với ông chủ Roman Abramovich. Anh sau đó được cho Milan mượn lại, trước khi về Ukraina đá cho Dinamo Kiev đến giờ.

    KAKA 
    (Từ AC Milan sang Real Madrid năm 2009; 56 triệu bảng)


    Đây vẫn là kỷ lục chuyển nhượng số 2 mọi thời đại. Sau mùa bóng đầu 2010/11 khá suôn sẻ với chiếc Cúp Nhà Vua, Kaka bắt đầu bị thất sủng ở mùa bóng thứ 2, với những chấn thương dai dẳng. Trong những trận đầu tiên mùa này, anh còn bị chính các CĐV Madrid la ó vì nhận lương cao, mà chẳng đóng góp được bao nhiêu.

    FERNANDO TORRES 
    (Từ Liverpool sang Chelsea năm 2011; 50 triệu bảng)


    Torres khi ấy có trong tay tất cả: Chức vô địch thế giới và EURO cùng đội tuyển TBN; sắp chạm đến kỷ lục ghi bàn mọi thời đại của Liverpool. Nhưng kể từ khi sang Chelsea, đội mua anh với giá kỷ lục trong lịch sử CLB, qua 4 đời HLV từ Villas Boas, Benitez, Di Matteo và giờ là Mourinho, anh không bao giờ còn là Torres của ngày xưa.
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội