Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
UEFA không phải cảnh sát kinh tế, đừng soi mói chuyện bán-mua
Kinh Thi • 08:59 ngày 19/07/2016
N’Golo Kante hoặc Michy Batshuayi đã thay đổi nơi làm việc, với giá chuyển nhượng đáng kể. Còn có nhiều bản hợp đồng lớn hơn nữa, đang được mặc cả hoặc đồn đoán.
    Bình thường, “cửa sổ mùa Hè” đã luôn sôi động rồi, huống hồ đây là đợt chuyển nhượng diễn ra ngay sau một kỳ EURO đặc biệt (EURO 2016 là cơ hội “chào hàng” cho 552 cầu thủ đến từ 24 đội, chứ chẳng phải 368 cầu thủ từ 16 đội như trước).

    Batshuayi thật ra đã được nhiều đại gia chú ý từ trước. Nhưng bản hợp đồng mà Batshuayi chỉ chính thức ký với Chelsea sau VCK EURO liệu có bị tác động bởi việc anh ghi bàn ngay cú chạm bóng đầu tiên, trong lần đầu  tiên xuất hiện, tại EURO 2016?

    Đấy chỉ là một ví dụ. Từng có rất nhiều ngôi sao thành công trên đấu trường EURO, khiến các đội bóng choáng ngợp, chấp nhận trả phí chuyển nhượng “cao hơn một tí”, để rồi sau đó trở thành bản hợp đồng gây thất vọng trong năm. Karel Poborsky làm giới hâm mộ M.U vỡ mộng khi họ chờ mãi chẳng thấy ngôi sao người Czech lặp lại ấn tượng tuyệt vời như cú lốp bóng nổi tiếng tại EURO 1996 trên sân Old Trafford. Arsenal cũng đã hố to khi nghĩ rằng họ có được một Andrey Arshavin xuất sắc như những gì anh từng làm tại EURO 2008.

    Thế nên, sẽ có những bản hợp đồng khiến đội bóng mua lỗ chỏng gọng. Giá mua càng cao thì nguy cơ thất bại càng lớn, cũng dễ hiểu. Nhưng “cái sự lỗ” ở đây chỉ là cách hiểu ước lệ của giới quan sát, theo nghĩa đội bóng chi nhiều tiền nhưng gặt hái chẳng được bao nhiêu, sau này phải bán ngôi sao đã mua với giá rẻ hơn.

    Sẽ có những bản hợp đồng mà chẳng ai chứng minh được rằng có hiệu quả hay không. Mua một ngôi sao thuộc diện “hàng khủng” chỉ để xếp vào ghế dự bị, thế là thua lỗ? Còn sự hiện diện trên ghế dự bị của ngôi sao ấy khiến đối phương có những toan tính sai lầm về mặt đấu pháp, hoặc khiến đồng đội trên sân phải thi đấu tập trung hơn, cố đá hay hơn, thì tính thế nào?


    Bóng đá là vậy. Bàn chuyện bóng đá thuần túy đã khó (theo nghĩa khó có sự thống nhất trong việc đánh giá hiệu quả). Bàn chuyện kinh doanh lại còn khó hơn. Vì kinh doanh không phải là chuyện chơi, không phải là lĩnh vực mà mỗi người có mỗi quan điểm như bóng đá. Ngoài các quy luật chung chung về bóng đá và kinh doanh, còn có cả pháp luật nữa.

    Đâu phải ai cũng được phép nhìn vào sổ sách của Chelsea hoặc Manchester United, xem họ thu về bao nhiều và chi ra bao nhiêu tiền cho các bản hợp đồng. Mặt khác, giả sử bản hợp đồng trị giá 33,2 triệu bảng của Batshuayi là thất bại, khiến Chelsea thua lỗ, theo cái nhìn trên bề mặt của giới quan sát, nhưng nó làm tăng uy tín cho Chelsea trên thị trường chuyển nhượng, để sau này đội bóng dễ dàng chiêu mộ các ngôi sao khác, thì đấy có phải là cái được trong kinh doanh? Khó nói lắm!

    Báo chí thống kê nhiều cách khác nhau, rút cuộc chỉ để kết luận trong mỗi mùa Hè: doanh số chuyển nhượng năm sau luôn cao hơn năm trước, thời điểm này luôn cao hơn thời điểm 5 năm hoặc 10 năm trước. Và rồi, cứ sau mỗi kỳ như thế, lại thấy các quan chức UEFA phàn nàn: bóng đá châu Âu có nguy cơ sụp đổ, vỡ tung... Cứ như thể cựu cầu thủ Michel Platini là một chuyên gia tầm cỡ thế giới về kinh tế vĩ mô vậy! UEFA thậm chí còn đặt ra Luật công bằng tài chính (FFP) để kiểm soát việc mua sắm và trả lương cầu thủ, dựa vào chuyện kinh doanh lời hay lỗ của mỗi đội. Cái luật FFP ấy, vứt đi chưa nhỉ?
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội