Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Premier League: CĐV có quyền biết giá chuyển nhượng thực tế của cầu thủ
Chiêu Văn • 19:50 ngày 02/02/2015
Hệ thống chuyển nhượng hiện giờ tiềm ẩn nhiều nhân tố dẫn đường cho các việc làm sai trái và mờ ám nếu như những CLB không bị bắt buộc công khai tài chính.
    Trên trang web chính thức của Premier League, có 24 vụ chuyển nhượng đã hoàn tất được liệt kê trong tháng 1 vừa rồi, không một vụ nào kèm theo mức phí chính thức. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra tình trạng đó. Tháng 1 năm ngoái, chỉ có một thương vụ duy nhất được công khai phí chuyển nhượng, Juan Mata từ Chelsea tới Man United với giá 37,1 triệu bảng (trong tổng số 48 vụ chuyển nhượng. Trong mùa hè, chỉ 6/126 vụ chuyển nhượng được công khai, 3 trong số đó liên quan tới Man United.

    Những con số mà bạn đọc được trên báo chí về mức phí chuyển nhượng trong tháng 1 vừa rồi đều là không chính thức. Ngay cả thương vụ lớn nhất, Wilfried Bony từ Swansea City tới Manchester City. Dù Swansea thông báo rằng đó là hợp đồng bán cầu thủ “kỷ lục” của CLB, họ không nói rõ mức phí là bao nhiêu, dù báo chí Anh nói khoản tiền đội bóng xứ Wales nhận về là 25 triệu bảng cộng thêm 3 triệu phát sinh.

    Hay thương vụ được cho là 9 triệu bảng, một kỷ lục khác của CLB, mà Leicester City trả cho đội bóng Croatia FC Rijeka để có Andrej Kramaric, hoặc 2 triệu bảng mà Arsenal có thể đã chi ra để sở hữu tiền vệ Krystian Bielik của Legia Warsaw (HLV Arsene Wenger thậm chí nói khoản phí không phải là 2 triệu bảng). Khi các phóng viên hỏi về khoản đầu tư cho tiền vệ 17 tuổi, Wenger nói giá của anh thấp hơn, nhưng không cho biết rõ là bao nhiêu.

    Tại sao tình trạng này cứ diễn ra liên tục, khi tất cả những gì các CĐV biết về tài chính của một vụ mua bán là “mức phí không được tiết lộ”. Hoặc CLB mua không muốn mọi người biết họ đã trả bao nhiêu, hoặc CLB bán không muốn công khai họ đã nhận được bao nhiêu. Cả hai điều đó đều không thể chấp nhận và không có lợi cho bóng đá. Hệ thống chuyển nhượng đang cần một cuộc cách mạng thật sự.


    M.U đã công khai giá mua Mata từ Chelsea

    Ban tổ chức các giải đấu, vốn hoạt động theo quy định của UEFA và FIFA, phải đòi hỏi các CLB công khai mọi khoản phí trả cho cầu thủ, các tay môi giới và những chi tiết khác của hợp đồng. Họ cũng phải công khai mức lương và các điều khoản phụ, khoản thưởng cho cầu thủ, cũng như bất cứ thỏa thuận giải phóng hợp đồng hay thời hạn hợp đồng nào khác.

    Không phải là hệ thống hiện giờ không thể hoạt động, nhưng nó thiếu hiệu quả, thiếu minh bạch và đầy kẻ hở cho những hành vi gian dối. Các CĐV vì thế thiếu thông tin và rơi vào tình trạng mù mờ về đội bóng và những ngôi sao lớn nhất của họ. Đội bán thì nói giá cao, đội mua thì nói giá thấp. Các chủ tịch CLB, như Steve Parish của Crystal Palace, thậm chí từng than phiền rằng ông không thể nào biết được mức lương chính thức của những cầu thủ mà ông muốn mua cho tới khi biết được điều đó từ những tay môi giới.

    Các CLB hiện giờ không chỉ không đưa ra những câu trả lời rõ ràng, thẳng thắn và trung thực cho các CĐV, họ thật ra không hề đưa ra câu trả lời nào. Mọi chi tiết tài chính được che giấu với bức bình phong “bí mật kinh doanh”, điều cũng là hợp lý, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó. Ít ra, nếu như con số mà báo chí đưa ra là chính xác, họ có nghĩa vụ phải xác nhận điều đó.

    Hiện giờ, chính sách chung là sự im lặng lạnh lùng, hoặc còn tệ hơn, dối trá trắng trợn. Các CLB là những cơ sở làm ăn tư nhân, họ có quyền giữ bí mật kinh doanh, nhưng cũng như mọi doanh nghiệp, họ cũng phải có trách nhiệm công khai những thông tin cần thiết cho dư luận, để điều chỉnh các hành vi, chống tham nhũng, và ngăn chặn tình trạng trốn thuế chẳng hạn.


    HLV Wenger nói Bielik không có giá 2 triệu bảng như truyền thông đồn thổi

    Các hợp đồng mua-bán cầu thủ thường rất phức tạp, và càng rắc rối hơn trong các thương vụ xuyên quốc gia, đôi khi liên quan tới một bên sở hữu thứ ba. Còn các tay cò, những người trung gian, khoản trả cho các bên liên quan khác và rất nhiều thỏa thuận trong bóng tối. Tất cả quá mơ hồ và thiếu minh bạch. Các CLB đều phải công bố báo cáo kiểm toán, nhưng hầu hết các báo cáo này đều thiếu tính chi tiết.

    Thị trường chuyển nhượng cầu thủ đang có doanh số lớn hơn bao giờ hết trong lịch sử. FIFA đã thông báo với chúng ta điều đó, nhưng những thông tin mà dư luận biết được còn rất sơ sài. Trong tuần này, FIFA nói đã có 13.090 vụ chuyển nhượng diễn ra trong năm 2014, so với 12.718 vụ năm ngoái, nhưng các thông tin tài chính ngày càng khó tìm.

    Các CLB Anh chi nhiều nhất cho chuyển nhượng, 780 triệu bảng, gấp đôi so với quốc gia xếp thứ 2, TBN và chiếm 1/4 tổng mức chi mua cầu thủ trên toàn thế giới. Phí trả cho môi giới của các CLB Premier League và Football League (các hạng chuyên nghiệp Anh dưới Premier League) cũng chiếm tỉ lệ tương tự. Từ ngày 1/10/2013 tới 30/9/2014, 20 CLB Premier League đã chi ra 115,2 triệu bảng cho các tay môi giới, nhưng chúng ta chỉ có một con số chung chung như thế, chúng ta không biết các tay môi giới nào đã nhận khoản tiền đó, đó chỉ là một con số lạc lõng, một khoản tiền rất lớn.

    Năm 2004, Manchester United, dưới áp lực của các cổ đông lớn người Ireland John Magnier và J.P.McManus, đã phải công bố chi tiết khoản phí chuyển nhượng 12,825 triệu bảng mua Louis Saha từ Fulham. Hóa ra, ngoài 11,5 triệu bảng trả cho Fulham, còn có 575.000 bảng tiền phí cho Premier League và 6,5% mức phí chuyển nhượng (750.000 bảng) vào túi các tay môi giới không được nêu tên (báo chí Anh sau này tìm ra họ là Branko Stoic, nhận 250.000 bảng và Pini Zahavi - 500.000 bảng, nhưng chỉ có tên của Stoic xuất hiện trên các giấy tờ thủ tục).


    Man City thực sự đã phải bỏ ra bao nhiêu để sở hữu Bony?

    Đó là một nỗ lực rất khác thường để minh bạch hóa hoạt động chuyển nhượng ở Old Trafford. Man United cũng tiết lộ rằng người môi giới của Ruud van Nistelrooy - Rodger Linse, đã nhận mức phí tới 2,5 triệu bảng, trong khi người đại diện của Cristiano Ronaldo - Jorge Mendes, bỏ túi 1,3 triệu bảng trong thương vụ 12 triệu bảng đưa ngôi sao người BĐN tới Old Trafford năm 2003.

    Nhưng sự công khai đáng khen ngợi đó chỉ kéo dài được 2 năm. Vào lúc Man United đưa về Edwin van der Sar và Park Ji Sung năm 2005, chính sách minh bạch đã bị nhà Glazer hủy bỏ: đội bóng chuyển vào tay các sở hữu tư nhân. Đó là điều lẽ ra phải được áp dụng ở mọi CLB: nếu họ không làm gì sai, lẽ ra họ không có gì phải giấu giếm.
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội