Trong ván đấu diễn ra trên mạng xã hội X (Twitter), Carlsen nhập từng nước đi theo ký hiệu chuẩn cờ vua, không sử dụng bàn cờ thực hay hình ảnh minh họa. Sau 53 nước đi, anh đã giành chiến thắng mà không mất bất kỳ quân nào. ChatGPT bị ép phải đầu hàng vì mất toàn bộ tốt, yếu tố sống còn trong tàn cuộc.
Ngay sau trận đấu, Carlsen yêu cầu ChatGPT đánh giá phong độ của mình. AI này không tiếc lời khen cách Carlsen triển khai khai cuộc Philidor, xử lý trung cuộc và tàn cuộc một cách sắc bén. Tuy nhiên, phần gây "sốc" chính là mức điểm mà ChatGPT dự đoán cho Carlsen, chỉ vào khoảng Elo 1.800–2.000, tương đương cấp độ nghiệp dư hoặc bán chuyên.
Điều này hoàn toàn trái ngược với thực tế, khi Carlsen hiện đang sở hữu hệ số Elo 2.839, dẫn đầu làng cờ thế giới và từng giữ ngôi vị số 1 trong suốt hơn một thập kỷ. Tình huống này nhanh chóng trở thành chủ đề hài hước trên mạng xã hội, khi nhiều người đùa rằng: “Thế thì chúng ta chắc chỉ ở mức 500 Elo”.
Trang Chess.com cũng nhanh chóng nhập cuộc với một bình luận hài hước: “Elo 1.800 thật ra cũng không tệ đâu!”, như một cách mỉa mai ngọt ngào dành cho độ "tự tin" của ChatGPT khi đánh giá huyền thoại sống của làng cờ vua.
Các chuyên gia giải thích rằng, ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ đa năng, không được tối ưu để chơi cờ như những engine chuyên dụng như Stockfish hay Leela Chess Zero, vốn có Elo từ 3.600 đến 3.700. Vì vậy, việc AI này không nhận diện đúng đẳng cấp của Carlsen là điều dễ hiểu, đặc biệt khi chỉ phân tích văn bản thay vì nhận biết nước đi trên bàn cờ trực quan.
Dù vậy, thử thách này vẫn là một màn trình diễn thú vị, vừa cho thấy sự vượt trội của Carlsen, vừa phản ánh giới hạn rõ rệt của trí tuệ nhân tạo trong các trò chơi chiến thuật sâu như cờ vua. Và trong một thế giới nơi AI ngày càng mạnh, Magnus Carlsen vẫn giữ vững danh hiệu "vua cờ", ít nhất là trước ChatGPT.