Tay vợt Alexander Zverev nói về bệnh tiểu đường: 'Tôi phải lén lút tiêm Insulin trong nhà vệ sinh'

Mắc bệnh tiểu đường từ khi mới 3 tuổi, Alexander Zverev không chỉ sống chung với bệnh tật mà còn vươn lên đỉnh cao. Trả lời phỏng vấn tờ L’Equipe, tay vợt số 2 thế giới chia sẻ lý do giấu nhẹm bệnh tình và cuộc sống của một VĐV mắc tiểu đường.

Zverev mắc tiểu đường là bí mật… mà ai cũng biết. Các đồng nghiệp trong giới tennis biết, các phóng viên biết. Chỉ có Zverev luôn phủ nhận mỗi khi được hỏi trong phòng họp báo: “Ai nói với bạn điều đó. Không, điều đó là sai sự thật”. Mắc bệnh tiểu đường từ năm 3 tuổi rưỡi, tay vợt người Đức sống trong sự xấu hổ suốt một thời gian dài. Phải đến cuộc nói chuyện với L’Equipe, Zverev mới mở lòng về bệnh tình, về việc các bác sĩ từng ngăn cản anh thi đấu đỉnh cao, về những rắc rối ở trường học, về cách kiểm soát bệnh tiểu đường trong cuộc sống hàng ngày và trong thi đấu.

Zverev hiện trong quá trình phục hồi chức năng sau chấn thương nghiêm trọng ở mắt cá chân phải buộc anh phải nghỉ trận bán kết Roland-Garros với Rafael Nadal vào đầu tháng 6. Nhân dịp này, tay vợt người Đức đã ra mắt “Quỹ Alexander Zverev” nhằm hỗ trợ các bệnh nhân tiểu đường, chứng bệnh mà anh gặp từ khi còn rất nhỏ.

L’Equipe: Tại sao anh thành lập quỹ này?

Zverev: Khi tôi còn nhỏ, tất cả các bác sĩ đều nói với cha mẹ tôi rằng tôi “hoàn toàn không có cơ hội chơi thể thao đỉnh cao với bệnh tiểu đường”. Bạn có thể chơi quần vợt thoải mái, nhưng không thể đủ thể chất ở cường độ cao nhất. Ngày hôm nay tôi có thể nói rằng các bác sĩ đã lầm. Với quỹ này, tôi muốn gửi thông điệp đến các bậc phụ huynh và trẻ em trên toàn thế giới rằng không có giới hạn nào ngoài những giới hạn bạn tự đặt ra cho mình. Tôi muốn cung cấp phương tiện và các thiết bị cần thiết để hỗ trợ trẻ em trong cuộc đối đầu với bệnh tiểu đường.

Anh được chẩn đoán mắc tiểu đường khi nào?

Lúc đó tôi mới 3 tuổi rưỡi. Điều đó đặc biệt khó khăn cho cha mẹ tôi. Họ phải chăm sóc tôi hàng ngày mà không biết gì về căn bệnh này. Bệnh tiểu đường là nguồn thu khổng lồ của giới y tế. Có nhiều kẻ kiếm tiền trên nỗi đau của người bệnh. Các bệnh nhân xứng đáng có một cuộc sống bình thường và đạt được ước mơ như tôi đã đạt được.

Đây là lần đầu tiên anh công khai việc mình mắc tiểu đường. Tại sao phải đến tận bây giờ?

Tôi từng rất xấu hổ. Thời đi học, tôi thường bị đem ra làm trò cười. Tôi nhớ có một lần, ai đó đã lấy hết thiết bị đo đường huyết, thuốc Insulin của tôi ném ra khỏi lớp. Tôi nhặt lên thì đã hỏng hết. Đó là tổn thương nặng nề của tôi thời thơ ấu. Còn nhiều kỷ niệm buồn khác, như việc tôi đi sinh nhật bạn thì bố mẹ bạn không cho tôi ăn bánh gato vì “cháu mắc tiểu đường”.

Cảm giác xấu hổ biến mất khi nào?

Cảm giác đó chiếm cả tuổi trẻ của tôi. Năm 17-18 tuổi khi các nhà báo hỏi tôi chuyện tiểu đường, tôi đều phủ nhận. Ngay cả khi đánh giải, tôi cũng phải lén lút vào nhà vệ sinh để tiêm insulin. Khi tôi làm quen với các cô gái, tôi rất xấu hổ và phải giấu nhẹm chuyện đó. Nhưng càng thành công trên sân quần vợt, tôi càng thoải mái hơn. Hôm nay tôi sẵn sàng công khai việc mình mắc tiểu đường. Tôi muốn cho các bác sĩ thấy rằng họ đã sai. 

Alexander Zverev đang xếp thứ 2 thế giới

Trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, anh có gặp khó khăn trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường?

Trước khi thiết bị này tồn tại (Zverev khoe máy đo đường huyết tự động), tôi không thể kiểm soát lượng đường trong máu khi thi đấu. Trong các trận đấu kéo dài, tôi còn hoang mang vì không biết lượng đường lên xuống ra sao. Tôi không biết nên uống hay ăn gì. Nhưng với sự phát triển của công nghệ y tế, mọi thứ ngày càng dễ kiểm soát. Tôi có thể cảm nhận lượng đường trong máu đang tăng hay giảm thậm chí có thể đoán trước được.

Cụ thể hơn, anh kiểm soát bệnh tình của mình thế nào vào ngày thi đấu?

Tôi luôn có máy đo đường huyết trong ba lô. ATP cho phép tôi sử dụng nó. Tôi đo đường huyết sau mỗi ván. Tôi không có máy bơm insulin, tôi tự tiêm cho mình. Tôi luôn mang theo kim tiêm vào ngày thi đấu. Lịch tiêm Insulin và lịch thi đấu của tôi không bao giờ giống nhau nên việc sử dụng kim tiêm khá phức tạp. Dù vậy tôi đã quen và kiểm soát khá tốt. Lượng đường trong máu luôn ở mức ổn định.

Đã bao giờ anh mất kiểm soát lượng đường trong một trận đấu?

Điều đó xảy ra thường xuyên hơn trong tập luyện còn trong thi đấu, tôi luôn làm mọi thứ rất cẩn thận và chu đáo. Tôi tập hai lần một ngày, sáu giờ mỗi ngày nên rất khó kiểm soát lượng đường. Đôi khi đầu óc tôi quay cuồng. Đôi khi tôi phải dừng tập, đi ăn thứ gì đó và quay lại sau một giờ. Trong các trận đấu, thật may là trường hợp này rất ít xảy ra.

Tay vợt người Mỹ, JC Aragone cũng mắc tiểu đường…

Tôi có nói chuyện với cậu ấy. Cậu ấy thường bị lượng đường tăng cao ngay trong trận đấu. Aragone gặp khó trong việc kiểm soát nó. Điều tồi tệ nhất là đường huyết tăng cao. Nó làm bạn chậm hơn, cơ thể trở nên thiếu linh hoạt. 

Anh có nói chuyện với các VĐV mắc tiểu đường ở các môn thể thao khác không?

Tôi có gặp một số VĐV của đội Olympic Đức. Nhưng không nhiều người mắc tiểu đường mà chơi môn thể thao sức bền như tôi. Có lẽ giống như tôi hồi bé, họ được khuyến cáo không theo đuổi các môn thể thao đòi hỏi sức bền.

Anh có cảm thấy mình thiệt thòi hơn so với các đối thủ?

Tôi chỉ vướng bận hơn họ ở khâu chuẩn bị thi đấu. Nhưng khi tôi thua, đó là lỗi của tôi. Tôi không muốn sử dụng bệnh tiểu đường như một cái cớ cho thất bại. Bạn phải cẩn thận hơn, phải có cuộc sống khoa học hơn, trách nhiệm hơn và kiểm soát tốt hơn khâu ăn, ngủ, thuốc men. Khi bạn làm tất cả những thứ đó một cách trơn tru và trở thành tự động, bạn sẽ đạt hiệu suất thi đấu tương đương các tay vợt khác.
Đó là những gì tôi muốn gửi gắm qua quỹ của tôi: nếu bạn đủ kiên trì và trưởng thành để kiểm soát bệnh tật thì không có giới hạn nào cả. Tất cả chúng ta đều có lo lắng của riêng mình, nhưng nó không còn là vấn đề một khi chúng ta biết cách sống chung với nó.

 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
36
+60
83
2
35
+54
82
3
35
+41
75
4
36
+20
67
5
34
+13
60
6
35
+11
54
7
34
+1
54
8
34
+19
53
9
36
-14
49
10
36
-11
48
11
35
-4
47
12
36
-11
46
13
35
-4
43
14
35
-13
38
15
35
-7
35
16
35
-11
32
17
35
-20
26
18
35
-30
25
19
35
-32
24
20
35
-62
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: [email protected] | [email protected]
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: [email protected]

http://www.bangda7.com/bundles/jquery.js
x