Bóng Đá Plus trên MXH

Chiến thuật kỳ lạ của Guardiola đã báo hại Man City 

02 phút trước
Khi danh sách đội hình ra sân của Man City ở trận chung kết FA Cup được công bố, người ta có cảm giác như đang chứng kiến lại "Pep Guardiola phiên bản cổ điển".

    Guardiola đã phạm sai lầm trước Palace

    Bạn bắt đầu đọc tên các cầu thủ, rồi phải dừng lại giữa chừng để quay lại từ đầu, cố gắng phân tích chính xác xem Pep đang tính toán điều gì. Đội hình ở đâu? Cân bằng ở đâu?

    Cần phải thừa nhận rằng, trận đấu này hoàn toàn có thể rẽ theo hướng rất khác.

    Crystal Palace là đội giành chiến thắng đầy bất ngờ và được ủng hộ nhiều hơn trong ngày thi đấu đó, nhưng Man City thực sự đã khởi đầu rất tốt. Họ tạo ra sức ép mạnh mẽ ngay từ đầu, được hưởng một quả phạt đền song không thành công. Thủ thành Dean Henderson của Palace suýt chút nữa đã phải nhận thẻ đỏ, trước khi có hàng loạt pha cứu thua xuất sắc.

    Nói ngắn gọn: Man City thiếu may mắn. Song đồng thời, họ cũng không chơi thực sự hay.

    Những cơ hội đáng chú ý của Man City chủ yếu đến từ sai lầm không đáng có từ Palace: Dean Henderson không có lý do gì để dùng tay chơi bóng ngoài vòng cấm, hay Tyrick Mitchell cũng không cần thiết phải lao vào phạm lỗi khi Bernardo Silva đang dạt ra sát đường biên ngang. Các tình huống nguy hiểm của Man City chủ yếu đến từ những pha tạt bóng vào vòng cấm - lối chơi từng là dấu hiệu của sự bế tắc - chứ không phải từ những pha phối hợp bật nhả nhanh như thời đỉnh cao của Guardiola.

    Và vì vậy, hệ thống chiến thuật đầy bất ngờ của Guardiola đang bị đặt dấu hỏi lớn.

    Sự vắng mặt của Mateo Kovacic, chưa kể đến Rodri, khiến Guardiola quyết định thi đấu mà không có một tiền vệ trụ thực thụ nào, chỉ sử dụng Kevin De Bruyne và Bernardo Silva ở trung tuyến. Về một khía cạnh nào đó, điều này gợi nhớ đến quyết định gây tranh cãi trong trận chung kết Champions League 2021, dù khi đó khó có thể khẳng định quyết định ấy đã khiến Man City thất bại.

    Có thể trường hợp lần này cũng vậy, xét đến việc Man xanh chiếm ưu thế về quyền kiểm soát bóng. Tuy nhiên, hệ thống mà Guardiola chọn lại đẩy cầu thủ trẻ Nico O’Reilly vào một vai trò cực kỳ phức tạp: vừa đá hậu vệ trái khi không có bóng, vừa phải bó vào giữa sân như một tiền vệ trung tâm lúc có bóng, tạo nên sơ đồ dạng 3-3-4 khi triển khai.

    Guardiola là người tiên phong trong việc tạo ra vai trò này, và với các cầu thủ trẻ như O’Reilly hay Rico Lewis - những người được đào tạo trong hệ thống của ông - việc thích nghi với vai trò ấy gần như là bản năng.

    Tuy nhiên, điều đó vẫn đặt ra thách thức lớn về mặt phòng ngự, nhất là trước một đối thủ như Palace - đội có lối chơi dựa vào việc các cầu thủ tấn công cánh như Ismaila Sarr và Eberechi Eze bó vào trong để hút hậu vệ biên, mở ra khoảng trống cho các wing-back dâng cao. Ở cánh của O’Reilly, Daniel Munoz là nhân tố đặc biệt nguy hiểm với các pha băng lên đầy tốc độ.

    Vì vậy, mỗi khi Man City mất bóng, O’Reilly phải nhanh chóng chuyển đổi từ vai trò tiền vệ trung tâm sang kiểm soát Sarr, rồi lại để mắt tới Munoz. Trong tình huống dẫn đến bàn thua duy nhất của trận đấu, O’Reilly đã mất cảnh giác với nhiệm vụ thứ hai. Cho đến khi Munoz thực sự nhận bóng, O’Reilly dường như không hề nhận ra cầu thủ người Colombia đang băng lên sau lưng mình.

    Guardiola từng dành nhiều mùa giải gần đây để sử dụng các trung vệ ở vị trí hậu vệ cánh vì khả năng phòng ngự tay đôi tốt của họ. Trong khoảnh khắc đó tại Wembley, ông hẳn đã ước gì mình có một hậu vệ trái thực sự chắc chắn.

    Về mặt tấn công, hệ thống 3-3-4 khi có bóng cũng là một sự bất ngờ. Nếu đặt mình vào góc nhìn của HLV Oliver Glasner bên phía Palace, có thể nói đó là điều vị chiến lược gia này mong đợi. Glasner đã dùng sơ đồ 3-4-3 trong toàn bộ mùa giải, và hàng thủ 3 người là đối trọng phù hợp trước 2 tiền đạo trung lộ. Các wing-back của Palace hoàn toàn thoải mái khi phải đối đầu tay đôi với Jeremy Doku và Savinho, thay vì phải theo kèm những cầu thủ chơi tự do, liên tục di chuyển vào trong.

    Có lẽ ý đồ của Guardiola là đẩy lùi hàng thủ 5 người của Palace, và dùng bộ ba tiền vệ để khai thác khoảng trống ở hai hành lang trong. Thực tế, đôi khi điều này cũng phát huy tác dụng, điển hình là những pha tạt bóng nguy hiểm từ Kevin De Bruyne - vị trí mà anh đã quá quen thuộc dưới thời Pep.

    Tuy vậy, đó vẫn là một chiến thuật đầy hy vọng hơn là chắc chắn. Erling Haaland, người vừa trở lại sau chấn thương trong trận thắng Southampton cuối tuần trước, tiếp tục gần như "tàng hình" trong suốt cả trận.

    Thế trận diễn ra theo đúng kịch bản quen thuộc: Man City kiểm soát bóng, còn Palace chơi phòng ngự lùi sâu, và bàn thua sớm càng khiến điều này trở nên rõ rệt hơn.

    Sang hiệp hai, Man City tiếp tục tạo sức ép giống như đầu trận. Nhưng khi đã tung ra đội hình siêu tấn công từ đầu, Guardiola không còn nhiều phương án tăng cường hỏa lực từ ghế dự bị.

    Việc tung Phil Foden vào sân là điều hợp lý. Nhưng cho Claudio Echeverri - một tân binh chưa từng ra sân trước đó - ra mắt ngay trong trận chung kết là điều rất khó hiểu. Không hẳn là sai khi cho anh vào sân, mà là kỳ lạ khi một tài năng trẻ chưa hề có một phút thi đấu nào lại được dùng trong trận cầu quan trọng nhất mùa giải.

    Trận thua này khép lại một mùa giải được coi là thất vọng nhất trong sự nghiệp huấn luyện của Guardiola.

    Nếu mùa cuối cùng tại Barca (2011/12) là một năm đầy căng thẳng, ít nhất ông cũng kết thúc bằng chức vô địch Cúp Nhà vua. Man City vẫn còn cơ hội khép lại mùa giải với tấm vé dự Champions League thông qua vị trí Top 5 Premier League, song thật khó tin khi vị trí thứ 5 lại được coi là một "cái kết đẹp", trong bối cảnh họ từng vô địch 4 mùa liên tiếp trước đó.

    Cái gọi là "tư duy quá mức" từng được xem là mặt trái của tài năng thiên bẩm nơi Guardiola, và không phải lúc nào những hệ thống chiến thuật táo bạo của ông cũng được ghi nhận khi đội bóng chiến thắng.

    Nhưng với 9 thất bại tại Premier League mùa này, thêm 5 trận thua nữa ở châu Âu - phần lớn đều rất nặng nề - và việc bị loại khỏi Cúp Liên đoàn bởi một Tottenham suýt rớt hạng, việc Man City gục ngã tại Wembley không còn là điều bất ngờ.

    Đỗ Trung • 02 phút trước

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay