Leicester giỏi kinh doanh cầu thủ
Bất chấp chức vô địch Ngoại hạng Anh thần kỳ năm 2016, CLB của Brendan Rodgers vẫn bị coi là đội bóng giỏi làm ăn từ việc bán cầu thủ. Nếu có đối tác đưa ra mức giá phù hợp, Leicester có thể đồng ý bán ngay lập tức. Kể từ năm 2016 cho đến nay, Leicester đã bỏ túi rất nhiều tiền từ quá trình tuyển dụng chuyển nhượng hiện do Lee Congerton giám sát.
N'Golo Kante, bản hợp đồng trị giá 6 triệu bảng từ Caen sau đó đến Chelsea với giá 30 triệu bảng. Vào năm 2017, người đồng đội ở hàng tiền vệ của Kante là Danny Drinkwater cũng chuyển đến Stamford Bridge với mức giá khổng lồ 40 triệu bảng.
Một năm sau, Riyad Mahrez chuyển đến Manchester City với giá 60 triệu bảng, năm 2019 Manchester United trả 80 triệu bảng cho Harry Maguire. Đến mùa Hè 2020, Ben Chilwell đã hoàn tất "cú hat-trick" các bản hợp đồng Chelsea mua từ Leicester trong những năm gần đây với giá 50 triệu bảng. Tổng cộng, Leicester thu về 260 triệu bảng từ bán số cầu thủ mà trước đó chỉ khiến họ phải chi ra có 18 triệu bảng.
Trong số này, Chelsea là đội hao tiền vì Leicester nhất khi bỏ ra 120 triệu bảng để sở hữu Kante, Drinkwater và Chilwell. Xếp sau đó là MU với 80 triệu bảng để có được chữ ký của trung vệ Maguire.
Leicester phải trả giá vì bán sao?
Thực tế nếu Kante, Mahrez, Maguire hay Chiwell còn ở lại Leicester, CLB này hoàn toàn có thể trở thành một thế lực sau kỳ tích ở mùa giải 2015/16, sòng phẳng cạnh tranh chức vô địch với Man City hay Liverpool. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng dù mất nhiều trụ cột, Leicester vẫn không suy yếu. Họ tìm được những cầu thủ kế thừa cho các ngôi sao bị bán đi và điều đó đang được thực hiện một cách hợp lý, bài bản.
Wilfred Ndidi, 24 tuổi, đến sân vận động King Power vào năm 2017 từ Genk với giá 20 triệu bảng. Anh được coi là người kế thừa Kante và cho tới lúc này, Ndidi đang làm tốt vai trò của mình. Tuyển thủ Nigeria đã phát triển để trở thành một trong những tiền vệ phòng ngự xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh và theo Transfermarket, Leicester có thể bán Ndidi với giá ít nhất 50 triệu bảng.
20 triệu bảng là khoản tiền mà Leicester chi ra để có James Maddison từ Norwich. Bây giờ, anh đang được định giá tới 50 triệu bảng. Wesley Fofana, bản hợp đồng trị giá 30 triệu bảng mà Leicester mua từ Saint-Étienne vào mùa hè năm ngoái, đã được liên hệ với việc chuyển đến Manchester United với giá 80 triệu bảng, tương đương mức phí Quỷ đỏ trả Leicester cho trung vệ Harry Maguire vào năm 2019. Theo Transfermarkt, đội hình của Leicester hiện có độ tuổi trung bình là 27 và trị giá khoảng 430 triệu bảng.
Leicester sở hữu đội ngũ tuyển dụng chất lượng
Phần lớn thành công trong các thương vụ mua rẻ bán đắt của Leicester đến từ đội ngũ tuyển trạch viên. Một hệ thống tuyển dụng chuyển nhượng đã được thiết lập lần đầu tiên bởi cựu trưởng bộ phận tuyển dụng Steve Walsh, người đã rời câu lạc bộ vào năm 2016.
Sau đó, Eduardo Macia, người từng làm việc với Brendan Rodgers tại Celtic và bây giờ là Lee Congerton - một cựu huấn luyện viên đội trẻ ở Chelsea, người chuyên nghiên cứu các mục tiêu lần lượt làm tốt nhiệm vụ của họ. Hỗ trợ cho Lee lúc này là một nhóm các nhà phân tích, các chuyên gia hình ảnh về các trận đấu trên toàn cầu - theo dõi các đề xuất từ các tuyển trạch viên trên khắp thế giới gửi về.
Vai trò của người đứng đầu bộ phận tuyển dụng là đánh giá cầu thủ thông qua nhiều dữ liệu phân tích và số liệu thống kê nhận được. Nếu cầu thủ đó vượt qua được vòng sàng lọc, Lee sẽ bay đến bất cứ đâu trên thế giới để đích thân quan sát và kiểm chứng mục tiêu đó.
Thông tin sau đó được chuyển cho Rodgers trước khi tiến hành kiểm tra lý lịch đối với từng cá nhân, bao gồm lối sống, tính khí và tính cách của họ. Cuối cùng, giám đốc bóng đá Jon Rudkin, được hỗ trợ bởi giám đốc điều hành bóng đá Andrew Neville sẽ tiến hành đàm phán. Với quy trình "đầu vào" chặt chẽ như thế, Leicester đang là "mỏ vàng" để các đại gia tìm tới. Đổi lại, Bầy cáo có thể bỏ túi những khoản phí chuyển nhượng kếch xù mà vẫn không lo sứt mẻ sức mạnh.