Bóng Đá Plus trên MXH

25 mùa Ngoại hạng Anh từ góc nhìn thống kê
ANH TUẤN • 13:59 ngày 10/08/2017
Từ 1992/93 đến 2017/18. Đã 25 mùa bóng trôi qua kể từ khi kỷ nguyên Ngoại hạng Anh hình thành. Cùng nhìn lại 25 mùa giải này dưới góc độ thống kê.
    Đã có 9.746 trận đấu với 25.769 bàn thắng liên quan đến 47 đội bóng trong suốt 25 năm qua ở Ngoại hạng Anh. Dưới đây là các lát cắt đáng chú ý:  

    Lò xay HLV
    Việc sa thải HLV là điều không thể tránh khỏi, nhưng cường độ diễn ra việc này là rất khác nhau kể từ năm 1992. 

    Chỉ có 1 trường hợp sa thải diễn ra ở mùa giải mở màn cho kỷ nguyên Ngoại hạng Anh vào năm 1992: Ian Porterfield của Chelsea mất việc vào ngày 15/2/1993, thuộc vòng 29/42 vòng đấu năm đó.    

    Không mất nhiều thời gian để con số đó thay đổi vùn vụt. Từ tháng 8/1994 – 8/1995 đã có tới 15 sự thay đổi trên băng ghế HLV, trong đó có 8 vụ là sa thải.  

    Lý do là sau 3 mùa giải với 22 đội, số đội bị giảm xuống còn 20 đội/mùa với lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử có tới 4 CLB thay vì 3 CLB phải rớt hạng ở mùa giải 1994/95.    


    Dần dần, với sức ép từ lợi nhuận và thành tích, chuyện các HLV bị đẩy ra đường ngày càng trở nên phổ biến hơn bất chấp những chiến công trước đó. 

    Roberto Mancini bị Man City sa thải tháng 5/2013 chỉ một năm sau khi vô địch Ngoại hạng Anh, trong khi đó Claudio Ranieri phải ra đi chỉ 9 tháng sau mùa giải lịch sử với Leicester mùa 2015/16. Tuy nhiên, Chelsea mới là đội ít kiên nhẫn nhất khi tháng 12/2005 họ sa thải Jose Mourinho chỉ 7 tháng sau ngày đeo vòng nguyệt quế.

    Cho đến cuối mùa giải 2016/17, số lượng trung bình HLV mất việc ở mỗi mùa là 8,84. Con số này đang có xu hướng tăng lên khi chỉ 2/10 mùa giải gần nhất số lần thay đổi HLV không đạt đến mốc 2 con số. 

    Tổng cộng, có 221 nhà cầm quân khác nhau nắm quyền ít nhất 1 trận đấu ở Ngoại hạng Anh, trong đó, 154 là chính thức và 67 là tạm quyền.    

    Con số 
    810: là số trận đấu Sir Alex dẫn dắt M.U ở Ngoại hạng Anh, hiện hơn người gần nhất là Wenger với 790 trận cho Arsenal. Nếu chỉ tính người Anh thì Harry Redknapp là số 1 với 641 trận. 

    Ngoại binh
    Trong số 242 cầu thủ đá chính 11 trận ở vòng mở màn mùa giải 1992/93, chỉ có 13 người không thuộc Anh và Ireland. 

    Tương phản hoàn toàn khi số cầu thủ nước ngoài đá chính ở 10 trận ở vòng cuối mùa rồi, lên tới 112 trên tổng số 220. 


    Sau 25 năm, có cả thảy 3835 cầu thủ chơi ít nhất 1 trận đấu ở Ngoại hạng Anh, đến từ 113 quốc gia khác nhau, bao gồm cả Seychelles, Pakistan hay Guinea-Bissau.

    Chelsea dưới thời của Gianluca Vialli đã làm nên lịch sử khi ở trận đấu với Southampton hôm 26/12/1999 đã tung ra sân đội hình chính không có bất cứ cầu thủ người Anh nào: Ed de Goey (Hà Lan), Dan Petrescu (Romania), Emerson Thome (Brazil), Frank Leboeuf (Pháp), Celestine Babayaro (Nigeria), Albert Ferrer (Tây Ban Nha), Didier Deschamps (Pháp), Gus Poyet (Uruguay), Roberto di Matteo (Italia), Gabriele Ambrosetti (Italia), Tore Andre Flo (Na Uy).


    Người Pháp thường dẫn đầu danh sách ngoại binh với đỉnh cao là 44 người ở mùa giải 2003/04. Số lượng cầu thủ Tây Ban Nha ở Ngoại hạng Anh tăng hơn 50% kể từ mùa bóng 2006/07 sau những thành công ở EURO (2008, 2012) và World Cup (2010). Trong khi đó, người Brazil không hiện diện nhiều ở xứ sở sương mù giống như tại Ý hay Tây Ban Nha. Coutinhho chỉ là 1/14 cầu thủ của đất nước Nam Mỹ này thi đấu tại NHA mùa rồi.     


    Thẻ đỏ
    Không ngạc nhiên khi cựu tiền đạo Duncan Ferguson của Everton đồng dẫn đầu danh sách nhận thẻ đỏ với 8 lần qua 269 trận, trung bình anh bị đuổi một lần qua mỗi 33,62 trận.

    Patrick Vieira là cái tên thứ 2 cũng có 8 lần đi tắm sớm qua 307 trận khoác áo Arsenal và Man City. Đồng cảnh ngộ là Richard Dunne sau 431 trận cho Everton, Manchester City, Aston Villa và Queens Park Rangers.

    Tổng cộng đã có 1477 thẻ đỏ được rút ra trong 25 năm qua, trung bình 59,08 thẻ/mùa. “Đỉnh cao” là 72 thẻ mùa 1998/99, 2002/03 và 2005/06, hơn mùa “khô hạn” 1993/94 tới 44 thẻ. 

    Con số
    9: Sunderland và QPR đều trụ hạng dù có cùng 9 cầu thủ bị đuổi ở các mùa giải tương ứng 2009/10 và 2011/12.           
    119: Gareth Barry hiện giữ kỷ lục về số thẻ vàng phải nhận ở Ngoại hạng Anh.
    1536: Không có đội bóng nào nhận số thẻ vàng nhiều hơn Chelsea.

    Bàn thắng
    Không có đội nóng nào ghi nhiều bàn thắng hơn M.U ở sân chơi Ngoại hạng Anh. Họ đã 1.856 lần chọc thủng lưới đối phương, nhiều hơn đội thứ hai là Arsenal tới 158 bàn, chiếm 7,2% trên tổng số 25.769 bàn thắng.  

    Bàn thắng liệu có đảm bảo thành công? Câu trả lời là không với Blackpool. Dù ghi tới 44 bàn qua 38 trận ở mùa 2010/11 như Tottenham, nhưng thay vì xếp thứ 5, họ lại rớt hạng với tư cách đội ghi nhiều bàn thắng nhất. 


    Mùa giải mở màn 1992/93 có số bàn thắng kỷ lục là 1.222. Brian Deane (Sheffield United) là người vinh dự ghi bàn đầu tiên ở kỷ nguyên Ngoại hạng Anh với cú đánh đầu ngay phút thứ 5 vào lưới M.U tại Bramall Lane.
     
    Chỉ có 3 đội ghi hơn 100 bàn trong một mùa giải: Chelsea (103 mùa 2009-10), Manchester City (102 mùa 2013-14) và Liverpool (101 mùa 2013-14). Ngược lại, Swindon Town là đội duy nhất trong kỷ nguyên này từng lọt lưới 100 bàn ở mùa giải 1993/94.         

    Có 7 cầu thủ ghi từ 30 bàn trở lên trong một mùa giải: Andy Cole (34 mùa 1993-94), Alan Shearer (34 & 31 bàn mùa 1994-95, 1995-96), Kevin Phillips (30 mùa 1999-00), Thierry Henry (30 mùa 2003-04), Cristiano Ronaldo (31 mùa 2007-08), Robin van Persie (30 mùa 2011-12) và Luis Suarez (31 mùa 2013-14).

    Shearer dẫn dầu danh sách ghi bàn ở NHA với 260 bàn cho Blackburn và Newcastle, Rooney đứng thứ hai với 198 bàn cho Everton và Manchester United.

    Khán giả
    Chưa có đến 25.000 khán giả đến xem trận mở màn kỷ nguyên Ngoại hạng Anh của Arsenal và Chelsea. Trong khi đó, chỉ 3.039 khán giả chứng kiến Tony Cottee ghi 2 bàn thắng cho Everton ở chiến thắng 3-1 trước Wimbledon tại Selhurst Park ngày 26/1/1993, số lượng thấp nhất trong lịch sử Ngoại hạng Anh. 

    Chưa đến 10 triệu khán giả theo dõi 462 trận đấu ở mùa giải 1992/93, trong khi lượng khán giả trung bình đến sân của Chelsea còn ít hơn 19.000.


    Mùa bóng 2016/17, có tổng cộng 13,6 triệu lượt khán giả đến sân dự 380 trận đấu, với 1/4 số đội có lượng khán giả trung bình vượt trên 50.000 khán giả: M.U (75.290), Arsenal (59.957), West Ham (56.972), Manchester City (54.019) và Liverpool (53.016).

    Tổng số khán giả đến sân dự tất cả 9746 trận đấu lên đến 313 triệu người. Con số vượt trên dân số nước Mỹ năm 2010 (308 triệu).

    Trong vòng 25 năm, có vài CLB như Manchester United, Chelsea và Liverpool đã mở rộng sân, trong khi Arsenal, Manchester City và Southampton đổi sân mới.

    Các kỷ lục
    Thủ môn John Burridge đã 43 tuổi 162 ngày khi anh bắt chính cho Man City ở cuộc đọ sức với QPR hôm 14/5/1995 – hiện vẫn là người già nhất ra sân ở Ngoại hạng Anh. 

    Marcus Bent giữ kỷ lục thi đấu cho nhiều CLB ở Ngoại hạng Anh nhất (8): Crystal Palace, Blackburn, Ipswich, Leicester, Everton, Charlton, Wigan và Wolves.

    James Vaughan hiện vẫn là cầu thủ trẻ nhất ghi bàn ở Ngoại hạng Anh. Bàn thắng cho Everton vào lưới Crystal Palace ngày 10/4/2005 được ghi khi anh 16 tuổi 271 ngày.

    Cầu thủ trẻ nhất ra sân ở Ngoại hạng Anh là Matthew Briggs. Thời điểm khoác áo Fulham ra sân trước Middlesbrough vào ngày 13/5/2007, anh mới 16 tuổi 65 ngày.        

    Cựu thủ môn của Liverpool, Portsmouth và Manchester City, David James hiện giữ kỷ lục về số lần cản phá penalty ở Ngoại hạng Anh: 13. 

    Sadio Mane chỉ mất 176 giây để ghi 3 bàn cho Southampton vào lưới Aston Villa hôm 16/5/2015 – hat-trick nhanh nhất trong lịch sử Ngoại hạng Anh.      

    Jermain Defoe đã ghi tới 5 bàn trong vòng 37 phút của hiệp hai cho Tottenham trước Wigan hôm 22/11/2009 – nhiều nhất trong một hiệp đấu ở lịch sử Ngoại hạng Anh.                

    Khi Teddy Sheringham ghi bàn cho West Ham trước Portsmouth vào ngày 26/12/2006, anh là cầu thủ già nhất làm được điều đó (40 tuổi 268 ngày).

    Richard Dunne hiện là cầu thủ có số lần phản lưới nhiều nhất với tổng cộng 10 lần khi khoác áo Manchester City, Aston Villa và QPR.
      
    Eric Cantona (Leeds United) là cầu thủ lập hat-trick đầu tiên ở kỷ nguyên Ngoại hạng Anh vào lưới Tottenham hôm 25/8/1992.
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội