Bóng Đá Plus trên MXH

PSG được tiêm vốn thoải mái nhờ 'ông ngoại' FFP
Kỳ Lâm • 13:39 ngày 22/07/2021
PSG đang là đại gia hùng mạnh nhất làng bóng châu Âu cùng Man City ở mùa Hè này. Luật Công bằng Tài chính của UEFA từ chỗ là công cụ kiểm soát mức độ chi tiêu của các CLB đã trở thành "ông ngoại quyền lực", giúp các CLB được thoải mái tiêm vốn từ chủ sở hữu giàu có.

    Từ Madrid đến Milan và trở lại Barcelona, tất cả những gã khổng lồ bóng đá này đều gặp vấn đề về tiền và rất im ắng trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay. Tình trạng tài chính yếu kém của các ông lớn này đều xuất phát từ một nguyên nhân: tác động tàn phá của đại dịch COVID-19.

    Khó có thể hình dung đến cảnh tượng các đại gia châu Âu lại phải bòn mót từng xu để mua cầu thủ. Nhưng đó là bức tranh chung, ngoại trừ đại gia của nước Pháp là Paris Saint-Germain, nơi đang háo hức đếm ngược cho một mùa giải với với vô số tân binh đắt tiền đã tậu về.

    Thủ môn của nhà vô địch EURO 2020 là Gianluigi Donnarumma đã trở thành tân binh mới nhất của PSG vào tuần trước. Anh ta chia ta một AC Milan nghèo khó để đến Paris theo dạng chuyển nhượng tự do. Hai nhà vô địch Champions League trong 3 năm gần nhất là Sergio Ramos và Georginio Wijnaldum cũng phó hội.

    Bộ ba đó đến PSG mà không cần phí chuyển nhượng, tất nhiên, CLB sẽ phải chi hoá đơn lương trị giá 28 triệu bảng mỗi tháng cho những món quà miễn phí xa xỉ này. Tiếp theo, PSG đón hậu vệ cánh Achraf Hakimi từ Inter Milan với giá khoảng 60 triệu bảng. Anh này cũng sẽ nhận trả lương đủ khiến các ngôi sao ở Real hay Juventus xấu hổ.  

    Không phải kể từ mùa hè năm 2017, khi PSG sưu tập Neymar và Kylian Mbappe vào dàn cầu thủ đắt giá của mình, sân Parc des Princes mới chứng kiến một động lực chiêu mộ rầm rộ như vậy. Mục tiêu tối thượng của PSG ở mùa giải 2021/22 chính là vô địch Champions League.

    Gianluigi Donnarumma - nhà vô địch châu Âu - đã đầu quân dưới trướng PSG

    Tuy nhiên, chúng ta cần đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để PSG có thể chi tiêu như vậy khi mà rất nhiều CLB đối thủ đang phải thắt lưng buộc bụng đến mức lòi cả xương sườn? Hãy nghe ý kiến của  Tiến sĩ Daniel Plumley, một chuyên gia tài chính thể thao và là giảng viên tại Đại học Sheffield Hallam.

    “Đại dịch này thực sự mang đến cơ hội cho một số CLB có chủ sở hữu giàu có, có thể chi tiêu nhờ các quy định tài chính được nới lỏng. Họ biết mình có thể tận dụng cơ hội thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Một CLB như PSG có đủ sức mạnh tài chính để làm điều đó”.

    Trong một mùa Hè chứng kiến Barca được giao nhiệm vụ giảm triệt để gánh nặng tài chính khổng lồ, PSG tiếp tục phởn phơ nhờ sự hậu thuẫn to lớn của Qatar Sports Investments, chủ sở hữu của CLB. Cũng như Man City, có sự hậu thuẫn đến từ Abu Dhabi, PSG thuộc sở hữu nhà nước và tiền cứ mãi mãi tuôn trào.

    Các quy tắc về công bằng tài chính (FFP) của UEFA đã được áp dụng cho cả PSG và Man City trong thời gian gần đây nhưng việc nới lỏng các quy định vào mùa Hè năm ngoái, được coi là cần thiết để giúp các CLB chống lại hậu quả dịch bệnh, đã tạo cơ hội cho những người có tài chính ổn định thể hiện sức mạnh của mình.

    Giới chủ sở hữu thuộc tầng lớp tinh hoa của châu Âu đã được FFP cho phép rót thêm tiền vào CLB của họ kể từ tháng 6/2020. Các biện pháp khẩn cấp này chính là sự chấp nhận rằng đại dịch đã đem lại những tổn thất tài chính không thể tránh khỏi và giới hạn thua lỗ tối đa là 26 triệu bảng trong khoảng thời gian ba năm sẽ không còn được áp dụng nữa.

    Trước đó, nhà vô địch Champions League Sergio Ramos cũng bỏ Real Madrid sang Paris

    Năm tài chính 2020 không nằm trong các quy tắc FFP và thay vào đó sẽ được chuyển sang năm 2021. Hai năm đó sẽ được đánh giá là một thời kỳ tài chính duy nhất. Các khoản lỗ trên ngưỡng 30 triệu euro sẽ được cho phép mà không bị trừng phạt, miễn là chứng minh được nguyên nhân là do COVID-19 gây ra.

    Và đó là yếu tố giúp PSG và Man City có thể thăng hoa trong mùa Hè này. Các CLB làm gì có giới chủ giàu có, tiền nhiều như các quỹ đầu tư của quốc gia. Họ có muốn thừa cơ chi tiêu cũng chẳng có tiền để mà rót ồ ạt nữa.

    Lý do tài chính bị suy yếu vì bóng đá diễn ra trên sân không khán giả đã khiến các quy tắc FFP được nới lỏng và PSG một lần nữa trở thành kẻ đáng ghét. Man City, đội sẵn sàng trả 200 triệu bảng để ký hợp đồng với Harry Kane và Jack Grealish, cũng có thể chứng tỏ sức mạnh tương tự.

    “Hiện tại, UEFA đang nới lỏng FFP nên sẽ có hai năm chuyển đổi vì COVID-19. Đó là cơ hội cho một số CLB thoả sức chi tiêu. Với việc FFP được nới lỏng, PSG đã quyết định rằng họ có thể chơi một canh bạc và đầu tư vào đội hình thoải mái khi được FFP cho phép. Đây là một cơ hội lớn”, Plumley nói.

    PSG hiện đang phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của các chủ sở hữu của họ ở Qatar. Theo báo cáo tài chính mới nhất của Deloitte được công bố vào tháng 1/2021, PSG là CLB bóng đá giàu thứ bảy trên thế giới, nằm giữa Man City và Chelsea, hai đội đá chung kết Champions League mùa trước.

    Sự lộng hành của PSG trong mùa Hè 2021 khiến người ta nhớ đến mùa Hè 2015 với 2 siêu phẩm bom tấn là Neymar và Mbappe

    Các con số chính thức của PSG, được công bố thông qua cuộc kiểm tra kế toán hàng năm của Ligue de Football Professionnel, phần lớn phù hợp với sự tức tối của những đối thủ “thượng đẳng” khác.

    Mùa giải 2019/20, PSG mất 106 triệu bảng sau khi tổng thu nhập giảm 87 triệu bảng. Hóa đơn tiền lương hàng năm của PSG ở mức 354 triệu bảng, nói chung là ngang bằng với Man City, đội có hóa đơn tiền lương 351 triệu bảng, và đây là mức lương cao nhất Premier League mùa trước.

    Các khoản thua lỗ của PSG trong mùa 2019/20 vẫn ít hơn 5 câu lạc bộ Premier League gồm Aston Villa, Chelsea, Leicester City, Everton và Man City, nhưng ít nhất, họ đã thu được lợi nhuận từ 2 mùa 2017/18 và 2018/19. Hai mùa giải đó đã mang lại lợi nhuận trước thuế khoảng 62 triệu bảng.

    Người ta tin rằng PSG sẽ không vi phạm FFP trong giai đoạn 2021/22, ngay cả khi có thêm Donnarumma, Ramos, Wijnaldum và Hakimi. Đây là 3 vụ chuyển nhượng miễn phí, và phí chuyển nhượng của Hakimi sẽ được phân bổ đều trong 5 năm hợp đồng. Tính ra, mỗi năm tài chính, thương vụ này chỉ ngốn của PSG khoảng 12 triệu bảng, cộng thêm lương của 3 tân binh miễn phí, tổng chỉ thêm cũng chỉ là 35 triệu bảng/năm.

    Khoản phí chuyển nhượng 8 triệu bảng được tính từ việc bán Mitchel Bakker cho Bayer Leverkusen của Đức vào tuần trước cũng sẽ bù đắp một phần số đó. Sắp tới, PSG có thể sẽ bán cả Alphonse Areola và Layvin Kurzawa. Không phải ai cũng có thể ở trên chuyến tàu danh vọng.  

    Thu nhập của PSG, cũng như tất cả các CLB ở Ligue 1, bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ hợp đồng truyền hình dài hạn của giải Ligue 1, nhưng tiền thưởng Champions League của PSG ngày càng tăng sau nhờ thành tích (lọt vào chung kết và bán kết ở 2 mùa giải gần nhất). Vị trí của PSG tại Champions League cũng tăng mạnh, trở thành đội hạt giống. Tại nước Pháp, PSG vẫn là kẻ thống trị tuyệt đối.

    Man City cũng sẽ được hưởng lợi từ "ông ngoại FFP" phiên bản mới

    Những người có đôi mắt hoài nghi sẽ vẫn đặt câu hỏi làm thế nào tất cả những điều này có thể xảy ra. Thỏa thuận tài trợ gây tranh cãi đó với Cơ quan Du lịch Qatar vào năm 2018 không còn nữa và đã để lại một lỗ hổng khá lớn trong bảng cân đối kế toán kể từ năm 2019.  

    Thỏa thuận tài trợ với đối tác Accor Live Limitless và mối quan hệ với nhãn hàng Jordan của Nike là một nguồn tiền đầy hứa hẹn nhưng vẫn không thể gánh được những gì PSG đã ngốn trong mùa Hè này. Rõ ràng, PSG chỉ nhờ vào sự hậu thuẫn của Qatar.

    Câu hỏi lớn hơn có lẽ là điều gì xảy ra tiếp theo cho FFP? Các quy định lần đầu tiên được UEFA soạn thảo vào năm 2009 với mục đích cao cả. Chúng được thiết lập để ngăn các CLB chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được ở một mùa giải. Nhưng những thất bại về mặt pháp lý trước PSG và gần đây nhất là Man City đã để lộ những lỗ hổng chết người của FFP.

    UEFA đã cố gắng cấm Man City tham gia các giải đấu cấp CLB ở châu Âu trong 2 năm vì vi phạm các quy tắc của FFP. Nhưng rồi, Man City đã hoá giải lệnh cấm đó bằng quyết định của Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) vào tháng 7/2020.

    Họ không tìm thấy “bằng chứng thuyết phục nào cho thấy Man City đã ngụy tạo nguồn tài trợ từ chủ sở hữu của họ dưới dạng tài trợ”, đồng thời cũng giảm khoản tiền phạt 30 triệu euro của UEFA với Man City xuống còn 10 triệu euro.

    Giống như PSG vào năm 2014, Man City bị cáo buộc đã thổi phồng giá trị của một hợp đồng tài trợ, gây hiểu lầm cho “cơ quan kiểm soát tài chính CLB” độc lập của UEFA. Tuy nhiên, không có gì có thể làm những CLB này bị trừng phạt.

    Trong thất bại gần đây nhất trước CAS, UEFA đã dựa vào bản chất của FFP và nói rằng họ đã “đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các CLB và giúp họ trở nên bền vững về mặt tài chính”. Điều quan trọng là UEFA đã sửa đổi bản chất, bổ sung và Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA) “vẫn cam kết với các nguyên tắc FFP”.  

    Sự kết hợp của PSG và thương hiệu Jordan của hãng Nike càng cho thấy tầm vóc của PSG

    Plumley nói: “Tôi không nghĩ FFP đã chết. UEFA sẽ không bỏ nó. Nó có thể được sửa đổi và cải cách nhưng các CLB sẽ có giai đoạn chuyển tiếp này trước khi tất cả biết mình sẽ đi đâu tiếp theo. Tôi cho rằng sự bền vững về tài chính là một điều tốt đẹp và các CLB nên tìm cách chi tiêu trong khả năng của mình.  

    Nhưng trong trại súc vật, luôn có một số loài động vật được hưởng công bằng hơn, ví dụ như các CLB lớn. Nếu họ trưng ra một kịch bản hoà vốn, kèm một vài khoản lỗ có thể chấp nhận được thì FFP chẳng làm gì được. Do đó, các CLB lớn sẽ kiếm được nhiều hơn, được chi tiêu nhiêu hơn. Điều này sẽ bóp méo sự cạnh tranh”.  

    UEFA sẵn sàng chấp nhận FFP phải thay đổi, đặc biệt là trong thời buổi COVID-19. Trong những tuần trước khi xảy ra cơn địa chấn Super League, giám đốc nghiên cứu và ổn định tài chính của UEFA là Andrea Traverso cho biết: “Các quy tắc luôn phải phát triển. FFP phải thích nghi với bối cảnh mà các CLB hoạt động.

    Quy chế hòa vốn là cách FFP hoạt động hiện tại để đánh giá một tình huống trong quá khứ. Nhưng đại dịch xuất hiện và đại diện cho một sự thay đổi đột ngột đến nỗi việc nhìn về quá khứ đang trở nên vô mục đích.

    Vì vậy, có lẽ FFP nên tập trung mạnh hơn vào hiện tại và tương lai. Chúng ta chắc chắn nên tập trung mạnh mẽ hơn vào những thách thức của mức lương cao và thị trường chuyển nhượng. Giải pháp cho điều này không hề dễ dàng”.  

    Một FFP phiên bản mới có thể sẽ được đưa ra vào cuối năm nay và một nhân vật trung tâm trong các cuộc đàm phán sẽ là Nasser Al-Khelaifi, chủ tịch của PSG và là tân chủ tịch của ECA. Al-Khelaifi có thể không tự mình soạn thảo bất kỳ quy tắc mới nào nhưng tiếng nói của ông ta sẽ vang dội trong các cuộc thảo luận.

    Nếu FFP không thể ngăn chặn sự trỗi dậy của phong trào “quý tộc giàu xổi” trong thập kỷ trước tại châu Âu, đừng mong đợi PSG sẽ bị khống chế vào thời điểm này.

    Tags:
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội