Nguyễn Văn Trường là cầu thủ được đá chính cả 2 trận đấu giao hữu với ĐT Nga và Thái Lan. Sự lựa chọn của HLV Kim Sang Sik khiến cho nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi cầu thủ trẻ này không (hoặc chưa) chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm. Dù có tinh thần chiến đấu, có thừa khát vọng của tuổi trẻ nhưng cần phải nói thẳng, vị trí được kỳ vọng như một chiếc áo quá rộng với tiền vệ mới 21 tuổi này.
Tôi nghĩ, những trận đấu với những đối thủ vừa tầm như Ấn Độ có khi lại phù hợp với năng lực của Trường thay vì anh phải đối đầu với những ngôi sao hàng “top” của Nga hay Thái Lan. Đến đây, tôi lại nhớ tới Trương Tiến Anh, một cầu thủ từng được HLV Troussier trao cho rất nhiều cơ hội nhưng rồi cũng bị “ngợp” và chơi không như mong đợi. Rất nhiều phiên bản thử nghiệm của nhà cầm quân người Pháp cứ rụng dần và không có mặt trong danh sách đến Asian Cup 2023. Vậy thì thử nghiệm và kiên trì làm gì nếu anh ta không mang đến sự hiệu quả?.
Câu chuyện của Văn Trường đương nhiên chẳng liên quan đến Tiến Anh nhưng người ta có cảm giác, hai vị HLV này đều có cùng quan điểm giống nhau trong những phép thử. Tối qua, Văn Trường đã không được ra sân một phút nào trước Ấn Độ. Thái Sơn, một người trẻ như Trường đã được thử nghiệm trong hiệp 2. Thật khó để nói cầu thủ Thanh Hoá hay hoặc dở vì anh cũng chỉ có hơn 34 phút đứng trên sân. Chúng ta sẽ phải đợi vài ba trận kiểu như Văn Trường mới biết được, liệu Sơn có ổn với HLV Kim Sang Sik.
Từ nay cho đến AFF Cup vẫn còn cơ hội để ông Kim tìm những nhân tố mới nhưng có lẽ, không ai mong muốn đội tuyển sẽ được biến thành một “công xưởng: thử nghiệm. Chúng ta càng không muốn những “phiên bản” giống Trương Tiến Anh thời HLV Troussier. Rõ ràng, sau trận đấu hoà với Ấn Độ, câu chuyện của bóng đá Việt Nam không chỉ nằm ở khâu ghi bàn, mà phải đưa ra những đánh giá, lựa chọn cũng như kiên định với con người đang có. Đặc biệt với người trẻ, họ cần thời gian, cần được trui rèn, thậm chí được phép sai số, bởi những điều này sẽ không được phép xuất hiện ở một giải đấu chính thức.