Ông Kim Sang Sik đánh đổi
Tính cả màn đấu tập với CLB Nam Định hôm 9/10, ĐT Việt Nam khởi đầu dưới thời HLV Kim Sang Sik bằng 2 chiến thắng, 1 trận hoà và 3 thất bại. Trong 6 trận đấu lần lượt với Philippines, Iraq, Thái Lan, Nga, CLB Nam Định, Ấn Độ, ĐT Việt Nam ghi được 9 bàn và để thủng lưới 13 lần.
Tương quan số bàn thắng và bàn thua cũng cho thấy tính đối lập giữa hàng tiền đạo và hậu vệ của ĐT Việt Nam. Chính xác hơn, ông Kim Sang Sik đang phải chấp nhận đánh đổi, trong việc lựa chọn ưu tiên tấn công hay ngả về phòng ngự. Đó như một tính tất yếu trong bóng đá, cũng như con người thực tế mà nhà cầm quân Hàn Quốc đang có trong tay.
Chưa nói đến chuyện con người, nhìn vào các trận đấu đã qua, dễ thấy khối đội hình của “Những chiến binh sao Vàng” thường được đẩy cao lên gần giữa sân. Điều này đảm bảo cho các đường chuyền vượt tuyến hay xuyên tuyến từ trung vệ hay tiền vệ trung tâm hướng đến một vị trí gần cầu môn đối thủ, tạo điều kiện cho những tiền đạo có tốc độ của ĐT Việt Nam tiếp cận khu vực dễ khai thác thành bàn thắng.
Tuy nhiên, đánh đổi cho điều đó là việc hàng phòng ngự của ĐT Việt Nam ở khoảng cách xa hơn so với cầu môn. Thay vì ở một cự ly chừng 20-25 mét, các trung vệ nay sẽ cách khung thành đội hình đến 35-45 mét. Vô hình trung, khi đối thủ thực hiện các pha rót bóng ra sau lưng, hậu vệ ĐT Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay sở, ngăn chặn.
Cần một trung vệ như Đình Trọng
Bàn thua gần nhất của ĐT Việt Nam cũng đến từ một tình huống Ấn Độ rót bóng ra sau lưng hàng thủ “Những chiến binh sao Vàng”. Khi ấy, Quế Ngọc Hải là người trực tiếp mắc lỗi khi không thể đón được điểm rơi trái bóng hay hụt hơi trong tranh chấp với tiền đạo đối phương. Điều đáng nói, Ngọc Hải có thể xem là trung vệ ổn định và toàn diện nhất của bóng đá Việt Nam trong 10 năm qua, bao gồm cả việc đọc trận đấu và phán đoán tình hình. Sai lầm của trung vệ người Nghệ An diễn ra ở thời điểm anh đã 31 tuổi và trải qua một giai đoạn dài chấn thương đầu gối.
Hẳn nhiên, HLV Kim Sang Sik không thể cứ chờ mãi vào Quế Ngọc Hải trên mọi phương diện ở khâu phòng ngự, khi ông hiểu rằng anh khó lòng chơi tần suất cao suốt 90 phút. Giải pháp tìm kiếm người thay thế đã được suy tính. Nhưng ngặt nỗi, những trung vệ có khả năng đọc trận đấu hay đều gặp vấn đề của riêng mình. Duy Mạnh, Đình Trọng đều không đảm bảo thể lực. Việt Anh chưa hồi phục chấn thương và cũng trồi sụt ở sự ổn định khi thi đấu.
Một cái tên nữa cũng rất giỏi trong kỹ thuật chơi bóng, nhạy bén với tình huống là Phan Tuấn Tài. Không phải ngẫu nhiên mà ông Troussier xếp Tuấn Tài vào đá trung vệ lệch trái, bất chấp anh chịu rất nhiều chỉ trích vì thi đấu non nớt trong màu áo ĐT Việt Nam.
Sở dĩ cho lựa chọn này là bởi Tuấn Tài luôn đi trước một bước, mỗi khi đối phương nhấc chân với ý định chuyền bóng qua đầu. Hoặc anh sẽ dâng lên để tạo ra một bẫy việt vị với đối thủ. Hoặc anh sẽ lập tức lui về với ý định đeo bám hoặc giải nguy. Tuy nhiên, vấn đề của Tuấn Tài là anh không đủ nhanh để có thể hiện thực hoá việc ngăn cản. Ngoài ra, kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao chưa nhiều cũng là lý do khiến hậu vệ có đầu óc này chưa thể đem đến một sự chắc chắn.
Con người chưa toàn diện là điều khiến HLV Kim Sang Sik phải đánh đổi. Dù không nói ra nhưng ông đang có xu hướng chấp nhận việc dễ bị thủng lưới. Bù lại, ĐT Việt Nam của HLV Kim sẽ nỗ lực để ghi nhiều bàn thắng hơn.