Bóng Đá Plus trên MXH

Coppa America: Vẻ đẹp của sự hỗn loạn
Việt Hà • 10:21 ngày 15/06/2019
Copa America không phải là nơi của mạnh được, yếu thua. Argentina đã không vô địch suốt 26 năm qua, Brazil cũng mòn mỏi chờ đợi 12 năm dài. Họ vẫn là hai thế lực hàng đầu. Nhưng ở Nam Mỹ, ai cũng có thể đóng vai thế lực trong một ngày đẹp trời. Đấy là vẻ đẹp trong hỗn loạn của Copa America.

    Không “điên” không phải Copa

    Trước thềm trận Argentina - Colombia vào rạng sáng mai, báo chí Argentina đồng loạt nhắc lại cái tên Martin Palermo. Đấy là cầu thủ đã đi vào kỷ lục Guinness khi sút hỏng 3 quả phạt đền trong trận đấu với Colombia tại vòng bảng Copa America 1999. Nhưng thế hệ hậu bối của Palermo còn thảm hại hơn. Trong cả 2 kỳ Copa America gần đây, Argentina đều thua Chile trong trận chung kết ở loạt sút luân lưu.

    Thật khó lý giải vận đen kỳ lạ của Palermo nói riêng và ĐT Argentina nói chung tại Copa America. Cũng thật khó lý giải tại sao Paraguay có thể đi tới trận chung kết năm 2011 mà không thắng một trận đấu nào. Nhưng bóng đá Nam Mỹ là thế. Đầy rẫy những lời nguyền hay những bí ẩn không có lời giải. Copa America 2015, chủ nhà Chile đăng quang trong những cáo buộc được trọng tài thiên vị. Copa America 2016, Chile lại vô địch trong trận chung kết mà trọng tài rút tới 9 thẻ vàng, 2 thẻ đỏ. Ngay ngày hôm sau, ông trọng tài người Brazil tới hộp đêm “xả stress” với hai gái làng chơi.

    ĐT Argentina đều thua Chile ở 2 trận chung kết gần nhất
    ĐT Argentina đều thua Chile ở 2 trận chung kết gần nhất

    Tất cả dựng lên bức tranh có phần “nhộn nhạo” của Copa America. Tính chuyên nghiệp và quy củ, từ mọi góc độ cầu thủ, HLV, đội bóng cho tới giải đấu đều thua xa bóng đá châu Âu. Chính vì thế yếu tố chuyên môn gặp nhiều lực cản để phát huy tối đa. Người Nam Mỹ phóng khoáng, yêu đời và thích những điệu nhảy suồng sã. Bóng đá với họ vẫn là trò chơi đem lại niềm vui. Thích thì tổ chức Copa America 2 năm/lần, không thì 3 năm hay 1 năm một lần. Tất cả đều tùy hứng đến mức tùy tiện. Một thứ “bản sắc” hòa trộn vào phong cách chơi bóng của người Nam Mỹ. Những cầu thủ Brazil và Argentina dù đã “Âu hóa” khá nhiều nhưng trở về Copa họ lại hòa vào điệu samba hay tango đầy ngẫu hứng. Và khi cụt hứng thì trượt ngã sõng soài. Cái hay, cái bất ngờ của Copa America là ở chỗ đó. Hay chính xác là cái điên mà World Cup hay EURO không thể có được. Chẳng phải ở Nam Mỹ, “gã điên” là biệt danh phổ biến từ Marcelo Bielsa, Martin Palermo cho tới Sebastien Abreu.   

    Năm nay hứa hẹn nhiều bất ngờ

    3 kỳ Copa America vừa qua, chức vô địch thuộc về Uruguay (1 lần) và Chile (2 lần). 9 kỳ Copa gần đây, có tới 5 chức vô địch nằm ngoài bộ đôi quyền lực Brazil & Argentina. Rõ ràng, đẳng cấp chơi bóng không phải là yếu tố quyết định thành bại tại giải vô địch Nam Mỹ. 

    Nhưng vấn đề cũng nằm ở chính hai chữ “đẳng cấp”. Brazil và Argentina, trong bất kỳ thời điểm nào cũng sở hữu đội ngũ cầu thủ tầm cỡ thế giới. Hầu hết các tuyển thủ Brazil, Argentina đều phải trải qua một mùa giải kiệt sức tại các CLB hàng đầu châu Âu. Họ tới Copa America trong tình trạng thể lực không đảm bảo, điển hình như ĐT Brazil vừa mất Neymar và chưa có buổi tập nào đủ quân vì chấn thương hoành hành. 

    Brazil đã 12 năm chưa đăng quang ở Copa America
    Brazil đã 12 năm chưa đăng quang ở Copa America

    Không chỉ đôi chân mệt mỏi, cái đầu cũng có vấn đề. Messi trở lại ĐT Argentina vì tài thuyết khách của Scaloni chứ không phải vì Copa America 2019. Nếu Jorge Sampaoli còn ngồi đó, Messi sẽ không bao giờ trở lại Albiceleste. Copa America không còn là “nhất” trong đầu các triệu phú đá bóng. Không ít ngôi sao Nam Mỹ thích bãi biển đầy nắng hơn là những trận cầu đốt cạn chút sức lực còn lại của họ tại Copa America.

    Tất nhiên đó là vấn đề không chỉ của riêng Brazil và Argentina. Nhưng đây là hai đội bóng chịu nhiều mặt trái nhất do lực lượng gồm toàn hảo thủ thi đấu ở châu Âu. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự chuẩn bị và phong độ của hai ông lớn này tại Copa America. Nhưng lực cản lớn nhất cho Brazil và Argentina là thứ áp lực khổng lồ mà họ không dễ vượt qua. Với Brazil là áp lực và kỳ vọng từ khán giả trong nỗi ám ảnh World Cup 2014. Với Argentina là cơn khát danh hiệu đầu tiên cho thế hệ của Messi. Để tìm được đôi chân thanh thoát trong sức ép ngàn cân là điều không dễ dàng. Không phải vô cớ mà Argentina thất bại tại Copa America suốt 26 năm qua còn Brazil cũng đã 12 năm mòn mỏi chờ đợi. Họ đã thua chính họ chứ không phải đối thủ nào khác ở Nam Mỹ.

    Cơ hội vì thế vẫn mở rộng cho Uruguay, Colombia hay Chile. Copa America chẳng có trật tự nào khi chính Argentina, Brazil còn quờ quạng tìm lối đi.  

    Chỉ 2 trận chung kết vắng Argentina và Brazil
    Trong 12 giải Copa America gần đây, có tới 10 trận chung kết có sự hiện diện của ít nhất một trong hai quyền lực lớn nhất của bóng đá Nam Mỹ, Argentina và Brazil. Nhưng cũng chỉ 2 lần trong số này, nhà vô địch Copa America được phân định bởi màn tỷ thí trực tiếp giữa Argentina và Brazil ở trận đấu cuối cùng (các năm 2004 và 2007). 

    TOP 5 TƯỢNG ĐẠI "VÔ DUYÊN" VỚI COPA AMERICA

    PELE


    Sở hữu 3 chức vô địch World Cup nhưng “Vua bóng đá” Pele lại chưa từng thành công ở sân chơi Copa America. Thậm chí, tượng đài số một trong lịch sử bóng đá Brazil chỉ tham dự Copa America duy nhất một lần vào năm 1959. Tại giải đấu được tổ chức ở Argentina, Pele đoạt danh hiệu “Vua phá lưới” với 8 pha lập công nhưng Brazil chỉ về nhì sau đội chủ nhà.

    DIEGO MARADONA


    Maradona từng 3 lần tham dự Copa America nhưng chưa từng lọt vào trận chung kết. Năm 1979, Maradona và các đồng đội bị loại ngay vòng bảng. Tại Copa America 1987, “Cậu bé vàng” ở đỉnh cao phong độ tỏa sáng với 3 bàn thắng nhưng Argentina dừng bước ở bán kết. Trong lần cuối tham dự Copa America vào năm 1989, Maradona chỉ đứng hạng ba cùng Argentina.

    CARLOS VALDERRAMA


    Cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Colombia góp mặt trong 5 kỳ Copa America liên tiếp từ 1987 tới 1995. Dù vậy, thế hệ vàng của Colombia với nguồn cảm hứng Valderrama chỉ vào sâu nhất là bán kết (1987, 1993, 1995). Năm 2001, Colombia vô địch Copa America trên sân nhà nhưng Valderrama (lúc đó 40 tuổi khoác áo Colorado Rapids) đã không còn khoác áo ĐTQG.

    IVAN ZAMORANO


    Chân sút vĩ đại của ĐT Chile chưa từng nếm mùi vinh quang trong 4 lần tham dự Copa America (1987, 1991, 1993, 1999). Thành tích cao nhất của Zamorano là vị trí á quân tại Copa America 1987 tuy nhiên giải đấu đó tiền đạo 20 tuổi ít được vào sân. Phải tới Copa America 1991, Zamorano mới tỏa sáng rực rỡ với 5 bàn thắng chỉ sau Batistuta (6) dù vậy Chile chỉ về đích thứ ba.

    ALVARO RECOBA


    Recoba được xem là quái kiệt của bóng đá Uruguay vào đầu những năm 2000. Kèo trái khéo léo này đã 69 lần khoác áo ĐT Uruguay, ghi được 11 bàn thắng. Dù vậy, Recoba không để lại dấu ấn đáng kể trong 2 lần xuất hiện tại Copa America 1997 và 2007. Năm 1997, anh ghi 1 bàn trước Venezuela nhưng Uruguay bị loại ngay vòng bảng. 10 năm sau, Recoba không đóng góp nhiều vào hành trình tới bán kết của Uruguay.
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội