1. Vào thời Xuân Thu, có một học giả thông minh bậc nhất nước Tấn, gọi là Sư Khoáng, tên tự là Tử Giã. Lúc bé học về âm luật (tức là học nhạc), Sư Khoáng bực mình về nỗi cố mãi mà vẫn không chuyên. Sau ông nghiệm ra: học nhạc thì chỗ căn bản là học nghe, không phải học đàn. Tai nghe không rõ, không lĩnh hội được đến chỗ tuyệt đỉnh của nhạc, là do lòng không tĩnh, đầu óc không tập trung được đến chỗ tối thượng. Đấy là do tai muốn nghe nhưng mắt lại ham nhìn.
Sư Khoáng bèn đốt lá ngải, tự làm mù mắt. Từ đó, ông chuyên tâm lắng nghe tường tận, suy nghĩ thấu đáo. Riết rồi Sư Khoáng dễ dàng nhận biết khí hậu thay đổi, âm dương lên xuống, chỉ nghe qua tiếng chim, tiếng gió mà nắm được việc trời, việc người. Sư Khoáng nghe và đoán việc gì cũng giỏi, làm quan thái sư ở nước Tấn, coi về việc nhạc.
Ở đẳng cấp cao, ai muốn đàn kiểu gì cũng được. Nhưng với những khúc nhạc “quỷ khốc thần sầu” thì chẳng phải ai cũng nghe cho ra được. Nghe không được, không thể lĩnh hội, thì đành bó tay. Nghe ra được rồi thì cứ theo đó mà đàn thôi, dễ như lấy đồ trong túi.
2. Thế còn bóng đá, ở đẳng cấp cao? Ai xem bóng đá cũng biết, mục tiêu tối thượng trong trò chơi này là làm sao đưa được quả bóng vào lưới đối phương. Tức là ghi bàn! Vậy, chơi bóng chỉ có nghĩa là làm sao ghi bàn, càng nhiều càng tốt? Chưa chắc! Có khi bạn phải làm điều ngược lại, hoặc ít ra thì phải xem điều ngược lại là chỗ căn bản: làm sao ngăn cản đối phương ghi bàn vào lưới của mình. Làm được, và hiểu rõ vì sao không thể ghi bàn vào lưới của mình, thì khả năng cao là bạn sẽ ghi được bàn thắng vào lưới của họ.
Diễn tiến của mùa bóng đang diễn ra cho thấy: đội có sức tấn công khủng khiếp nhất thế giới – ít ra là trên lý thuyết – đã bị loại khỏi Champions League. Vâng, đấy chính là Real Madrid của Jude Bellingham, Vinicius Junior, Kylian Mbappe. Real đang bị đội đầu bảng bỏ xa 4 điểm ở giải La Liga. Và dù đã lọt vào chung kết Copa del Rey, nếu Real không thể thắng Barcelona thì sẽ hoàn toàn thất bại, coi như trắng tay trong mùa bóng này.
Real bị loại khỏi Champions League bởi Arsenal – đội bóng mà HLV Mikel Arteta luôn lấy khả năng phòng ngự làm nền tảng khi xây dựng lối chơi. Arsenal thắng Real với tỷ số 5-1 sau 2 lượt đấu. Đấy là trận đấu thứ 80 liên tiếp mà Arsenal chưa hề thủng lưới nhiều hơn 2 bàn.
Cũng rất thành công nhờ khả năng phòng thủ vững chắc, là Inter. Loại khỏi cuộc chơi một Bayern Munich vốn được đánh giá cao hơn, Inter lọt vào bán kết. Và sắp tới, sẽ là một cuộc thư hùng “tuyệt đỉnh bóng đá” ở vòng bán kết Champions League, khi đội thủng lưới ít nhất gặp đội ghi bàn nhiều nhất – Barcelona.
Bài học trước mắt: khi đã chủ động phòng thủ chắc chắn, và làm tốt nhiệm vụ ấy, Arsenal hoặc Inter đều nhận ra vấn đề của đối phương – các đội cứ lăm le ghi bàn vào lưới họ, nhưng không làm được (hoặc không thành công như mong đợi). Bóng đá ở đẳng cấp cao chính là như vậy. Trong cái trò chơi mà việc ghi bàn là mục tiêu tối thượng, thì việc am tường các đạo lý xoay quanh nhiệm vụ ghi bàn dĩ nhiên là tối quan trọng. Người ghi bàn chưa chắc đã thấu hiểu đạo lý ghi bàn. Nhưng người thấu hiểu đạo lý ghi bàn sẽ biết cách ngăn cản đối phương ghi bàn, đồng thời chính mình sẽ ghi bàn. Giống như “đá bóng” khác với “bóng đá” vậy.
Arsenal và Inter thành công trước tiên là nhờ biết cách ngăn cản đối phương ghi bàn. Và khi làm được điều đó – trước các đối thủ rất mạnh – thì chuyện tự mình ghi bàn chỉ là phần việc đơn giản còn lại. Căn bản là họ đã hiểu vì sao người ta không thể ghi bàn. Giống như một nhạc công đàn chưa chuẩn vì chưa am tường bản nhạc, vì nghe chưa ra. Một khi đã nghe thấu đáo thì tấu lên bản nhạc chỉ là phần việc đơn giản còn lại.
Còn chuyện M.U thắng Lyon 5-4, trong một trận đấu mà bên nào cũng từng dẫn trước 2 bàn? Quá… điên rồ! Trận đấu đầu tiên trong lịch sử Europa League có đến 9 bàn là quá hào hứng, đậm đặc kịch tính, sẽ được nhớ mãi nhờ giá trị… giải trí của nó. Chứ đấy không phải là một bài học đậm chất chuyên môn. Ở đẳng cấp cao nhất của bóng đá hiện đại, sẽ chẳng có trận đấu nào như vậy! Suy cho cùng, thế mới là Europa League, không phải Champions League!