Bóng Đá Plus trên MXH

Barca trắng tay mùa 2019/20: Dấu chấm hết của một kỷ nguyên
Đỗ Trung • 09:42 ngày 15/08/2020
Barcelona đã khép lại mùa giải 2019/20 theo một cách điên rồ, không phải theo nghĩa tích cực mà là tiêu cực, khi bị Bayern Munich hủy diệt 8-2 tại Champions League. "Sốc" hiển nhiên trở thành thứ cảm xúc bao trùm fan Barca lúc này, song nó thực tế phản ánh đúng bộ mặt của gã khổng lồ xứ Catalan.

    "8-2", tỷ số mà chắc hẳn sẽ khiến nhiều người phải choàng dậy, dụi mắt nhiều lần nếu chỉ xem tin tức thay vì có thời gian thức đêm theo dõi trận đấu. Cũng phải thôi, bởi Barca là một trong những đội bóng xuất sắc nhất thế giới chứ đâu phải thuộc dạng cỏ rác hay lót đường. 

    Tuy nhiên, với những ai cất công thưởng thức toàn bộ cuộc so tài kinh điển này, họ sẽ không cảm thấy bất ngờ do Bayern đã chơi một trận quá hay trước Barca và hoàn toàn bóp nát đối thủ ở từng vị trí trên sân. Việc Hùm xám xuất sắc thì đã quá rõ khi họ phô diễn sức mạnh không thể ngăn cản xuyên suốt mùa này chứ không cứ gì trận gặp Barca. Dù vậy, công bằng mà nói, Barca của hiện tại quá yếu để đương đầu với một Bayern hoàn hảo.

    "Chúng tôi đã chạm đáy, đội bóng cần phải có những sự thay đổi tổng thể. Nếu đội bóng cần một dòng máu mới, tôi sẽ là người đầu tiên đề nghị ra đi". Đó là phát biểu đầy chua chát của trung vệ Gerrard Pique sau thảm bại của Barca trước Bayern. Rõ ràng, những lời nói của Pique không hề sáo rỗng mà nó phản ánh chính xác thực trạng của Barcelona hiện giờ, đó là một tập thể vô hồn và mất phương hướng.

    Chẳng một ai ở Nou Camp phủ nhận Barca cần thay đổi, nhưng nếu nhìn vào chiến lược của chuyển nhượng của họ, nó giống như một trò đùa thì đúng hơn. Suốt một thời gian dài, Barca được đồn ầm theo đuổi Lautaro Martinez của Inter nhằm thế chỗ Luis Suarez đã luống tuổi. Nhưng ngay cả khi tiền đạo người Argentina xuất hiện, Barca chắc chắn vẫn sẽ lao đao thay vì lột xác. Đơn giản là bởi một bản hợp đồng lúc này sẽ không giải quyết được vấn đề quá lớn ở Barca. 

    Vậy vấn đề lớn ấy là gì? Đó là cả một bộ máy, từ thượng tầng, HLV cho đến các cầu thủ. Mùa này, Barca luôn trong tình trạng hỗn loạn như một hệ lụy tất yếu của cách quản lý yếu kém, đơn cử là vụ giám đốc thể thao Eric Abidal công khai đổ lỗi cho cầu thủ Barca khiến HLV Ernesto Valverde mất việc. Messi sau đó lên tiếng, "quặc" lại Abidal và tạo ra một drama chấn động ở Nou Camp. 

    "Cái chết" của Barca đã được dự báo trước

    Chủ tịch Josep Bartomeu bị người hâm mộ chỉ trích thậm tệ, yêu cầu từ chức song vẫn quyết tâm bám trụ đến hết nhiệm kỳ (hè 2021). Trên thị trường chuyển nhượng, Barca mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác trong khâu mua người. Sau những bom tấn thất bại như Ousmane Dembele hay Philippe Coutinho, Barca vẫn không đúc rút ra bất kỳ bài học nào, tiếp tục đầu tư tiền tấn chiêu mộ Antoine Griezmann, và tiền đạo người Pháp cho đến nay chưa thể tái lập phong độ đỉnh cao như trong màu áo Atletico. Việc vung tay quá trán khiến bản thân Barca lâm vào khủng hoảng tài chính, và sự càn quét của Covid-19 đã đánh cho một Barca vốn đang thoi thóp... "chết hẳn".

    Cách đây hơn một thập kỷ, Barca được đánh giá là đội bóng hùng mạnh nhất châu Âu. Gã khổng lồ xứ Catalan dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola trở thành một thế lực không thể ngăn cản nhờ lối đá tiqui-taca huyền ảo. Họ xuất sắc đến nỗi mỗi trận đấu trôi qua giống như một cuộc dạo chơi, phần lớn nhờ vào sự kết dính và ăn ý giữa các ngôi sao đã quá hiểu nhau khi có cùng xuất phát điểm là lớn lên từ lò đào tạo trứ danh La Masia. Những Victor Valdes, Carles Puyol, Gerard Pique, Sergio Busquets, Xavi, Andres Iniesta và Lionel Messi cũng từ đó mà vụt sáng thành các ngôi sao hàng đầu thế giới.

    Kể từ khi Guardiola ra đi vào năm 2012, Barca thực tế đã không còn quá mạnh như trước bất chấp Messi càng đá càng hay. Gã khổng lồ xứ Catalan thêm một lần đoạt "cú ăn 3" cùng Luis Enrique ở mùa 2014/15, song thành thực mà nói đó là mùa mà tam tấu Neymar - Suarez - Messi quá phi thường. Và khi những hạt nhân trong lối chơi như Xavi hay Iniesta lần lượt ra đi, Barca hoàn toàn đánh mất mình. Messi vẫn rất tuyệt vời nhưng một cánh én chẳng thể nào làm nên mùa xuân.

    Nói một cách ví von, tình cảnh của Barca hiện giờ có nét gì đó khá giống nhà Thục Hán trong tác phẩm kinh điển Tam Quốc Diễn Nghĩa. Khi ngũ hổ tướng còn sung sức, Thục Hán trải qua thời kỳ cực kỳ hưng thịnh, song dần sụp đổ bởi lớp kế cận không xuất chúng bằng. Messi lúc này không khác gì Gia Cát Lượng lực bất tòng tâm, không thể nào cứu vãn nổi một Barca ngày càng chỉm nghỉm để rồi dẫn đến diệt vong. 

    Bất kỳ triều đại nào dù hưng thịnh tới đâu nhưng rồi cũng phải đi xuống, đó là quy luật của tự nhiên. Barca đã làm mưa làm gió trong đầu thập kỷ này và giờ là lúc họ đã chạm đáy như những gì Pique phát biểu. Đáng buồn thay, Barca đã khép mùa giải 2019/20 bằng một thất bại nhục nhã, tệ hại nhất trong lịch sử 120 năm của CLB. Trách ai bây giờ đây, bởi chính Barca đã tự đẩy mình vào con đường tăm tối.

    Barca cần phải đập đi xây lại

    Nhắc tới Barca là người ta nhớ ngay đến một CLB với dàn cầu thủ "cây nhà lá vườn" xuất sắc, nhưng điều này đã mất đi từ lâu. Thay vì trung thành với việc sử dụng các tài năng trẻ do chính mình nuôi dưỡng, đào tạo, Barca lại lựa chọn phương án vung thật nhiều tiền để chiêu mộ các ngôi sao thành danh hoặc tiềm năng. Vụt sáng thì chẳng thấy đâu, trái lại, Barca bị vắt kiệt tài chính còn các tài năng của học viện cứ thế lũ lượt ra đi. Khi mà những ngôi sao mới mua về không đem đến hiệu quả, Barca phải oằn mình thi đấu với một đội hình già nua, không người kế tục.

    Thống kê chỉ ra rằng đội hình xuất phát của Barcelona có độ tuổi trung bình lớn nhất Champions League mùa này với 29 tuổi và 329 ngày. Những Pique, Jordi Alba, Busquets và Messi quả thực đã trải qua trận cầu tệ hại, song trách làm sao được khi những gì tinh túy nhất của họ đã cháy hết cho Barca suốt 10 năm qua. Thậm chí, các ngôi sao này còn có phần đáng thương vì bất lực nhìn CLB lao dốc không phanh theo thời gian.

    Vậy Barca cần làm gì để cứu vãn đại cục? Đập đi xây lại. Barca giờ không thể mơ đoạt các danh hiệu nếu còn giữ đội hình này. Họ cần phải mạnh tay loại bỏ các công thần già nua, bao gồm cả... Messi. Nghe có vẻ hoang đường, song thực tế đúng như vậy. Bao năm qua, Barca sống hoàn toàn phụ thuộc vào Messi. Nếu Messi hay, Barca thắng và ngược lại. Bóng đá là môn thể thao tập thể nhưng từ "tập thể" đâu có tồn tại ở Barca. 

    Năm xưa, Barca xưng hùng xưng bá không hẳn nhờ 100% sức lực của Messi. Xung quanh siêu sao người Argentina khi ấy còn có một bộ sậu sẵn sàng tỏa sáng mọi lúc, nào là Xavi, Iniesta, Thierry Henry, Samuel Eto'o, David Villa, Pedro, Dani Alves, Jordi Alba... Dù vậy, trông sang Barca hiện giờ, ai có thể tương trợ Messi ngoại trừ Suarez? Cách tốt nhất là giải thoát cho Messi, chấm dứt cuộc tình để hướng tới xây dựng một đội bóng đúng nghĩa thay vì là đội bóng một người. Barca phải xây dựng được lối đá dựa trên sức mạnh tập thể, và đó mới là điều bền vững.

    Với vòng quay và phát triển không ngừng của bóng đá, các đội bóng hiện tại đều đề cao xây dựng lối chơi tập thể. Chelsea sau khi mất Eden Hazard là một ví dụ điển hình. The Blues dưới bàn tay của Frank Lampard giờ không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân cụ thể nào mà chơi với tinh thần và sức mạnh tập thể. Hay như Bayern Munich mạnh trên mọi tuyến, vị trí nào cũng có thể ghi bàn bất chấp Robert Lewandowski là cỗ máy hủy diệt. Trong một ngày u ám Lewy tịt ngòi, Thomas Mueller, Serge Gnabry, Joshua Kimmich, Thiago Alcantara hay thậm chí cả Alphonso Davies sẵn sàng lên tiếng. Tại Lisbon, Bayern đã thể hiện được cái sức mạnh tập thể to lớn ấy để bóp nát đội bóng một người Barca.

    Hay như trông sang Juventus, đội bóng này dường như cũng đang đi vào con đường của Barca. Những mùa trước khi Cristiano Ronaldo đến, Juve vô địch Serie A tương đối nhàn hạ và tiến rất sâu ở Champions League. "Lão bà" thời điểm đó chơi bóng dựa trên sức mạnh tập thể, không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào. Thế nhưng, khi Ronaldo tới, chiến lược của Juve thay đổi ngay tức thì. Họ coi CR7 là trọng tâm, "bơm" toàn bộ bóng cho "ông lão" đã 35 tuổi. Ronaldo vẫn rất hay, nhưng giống Messi, làm sao anh có thể cáng đáng cả một đội bóng như hồi còn trai trẻ. 

    Rõ ràng, một núi việc đang chờ Barca phía trước và chỉ e thảm bại trước Bayern rạng sáng nay mới chỉ là sự khởi đầu cho chuỗi biến cố sắp sửa ập tới Nou Camp. Lần đầu tiên kể từ mùa 2007/08, Barca kết thúc mùa giải tay trắng và đây chính xác cũng là dấu chấm hết cho một kỷ nguyên. Nhiều khả năng trong vài năm tới, chúng ta sẽ còn thấy một Barca xấu xí hơn nữa nếu họ không nhanh chóng triển khai cuộc cách mạng tổng thể, bắt đầu từ chiếc ghế chủ tịch.

    Việc Barca thảm bại rồi bị loại là một tin buồn, nhưng đó là sự sụp đổ cần thiết để biết đội bóng đang đứng ở đâu. Tạm biệt Barca, tạm biệt Messi!

    XEM THÊM

    Barca chạm hàng loạt cột mốc đáng hổ thẹn sau thảm bại trước Bayern

    Chấm điểm Bayern 8-2 Barca: Đỉnh cao Thiago và hàng thủ thảm họa của Barca

    SỰ KIỆN NÓNG TRONG NGÀY

    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội