1. Hãy bắt đầu từ câu chuyện U17 Việt Nam, với lượt đấu cuối cùng gặp U17 Yemen tại vòng loại U17 châu Á 2025. Trước đó 1 tiếng đồng hồ, U17 Myanmar “dọn đường” cho thầy trò HLV Cristiano Roland với một thắng lợi bất ngờ trước Kyrgyzstan để vươn lên vị trí thứ 3. Đồng nghĩa một kết quả hoà sẽ giúp Việt Nam và Yemen chắc chắn giành quyền dự VCK U17 châu Á.
Cả hai đội khép lại hiệp đấu đầu tiên với tỷ số 1-1. Yemen dẫn bàn trước khi Việt Nam có bàn gỡ 1-1 sau 45 phút đầu tiên. Nhưng sang đến hiệp 2, khán giả trên sân và người hâm mộ không thấy màn rượt đuổi tỷ số như thế. Hai đội chơi chậm rãi, cố gắng kiểm soát lợi thế bằng cách chuyền bóng qua lại nơi phần sân nhà. U17 Việt Nam hay U17 Yemen cũng vậy. Trên mạng, những bình luận với các quan điểm trái chiều bắt đầu hiện diện nơi giới mộ điệu.
Nhưng đâu chỉ có U17 Việt Nam và U17 Yemen chơi như vậy ở lượt cuối vòng loại châu Á. Vài tiếng sau màn so tài này, U17 Australia và U17 Indonesia cũng làm điều tương tự. Mạng xã hội X đăng tải 1 video ngắn cảnh cầu thủ U17 Australia cứ chuyền đi chuyền lại cho nhau. Và U17 Indonesia cũng chẳng vồn vã lao lên đoạt lại bóng cả. Bởi khi thời gian trận đấu khép lại, họ hay Việt Nam, Yemen đều giành quyền đi tiếp.
2. Sau trận đấu, HLV Nova Arianto của U17 Indonesia thẳng thắn nói thế này: “Đây là điều chúng tôi phải chấp nhận. Indonesia buộc phải thi đấu như vậy để đi tiếp. Sau giờ nghỉ, tôi nghe tin rằng nếu có được kết quả hòa, đội có thể vượt qua vòng loại. Cuối cùng, chúng tôi cũng làm như vậy về mặt chiến thuật”. Ông Arianto lại nói tiếp: “Có thể thấy U17 Australia cũng chơi như vậy. Khi có bóng, họ không muốn tấn công hay gây áp lực. Thật lòng tôi không hứng thú với trận đấu này, nhưng dù nó diễn ra như thế nào, tôi cũng rất biết ơn khi có thể giành quyền tham dự vòng chung kết giải châu Á”.
Ông Cristiano Roland, HLV của U17 Việt Nam cũng lên tiếng bảo vệ học trò sau tranh cãi của dư luận: “Cầu thủ biết cách xử lý trận đấu, biết phải làm gì để đạt được mục tiêu dự vòng chung kết U17 châu Á. Mục tiêu của chúng tôi là vượt qua vòng loại. Đó là điều quan trọng nhất!”.
Vài năm trước, HLV Park Hang Seo - người thành công nhất trong lịch sử đội tuyển Việt Nam từng có một câu nói “trúng tim đen” CĐV: “Người hâm mộ Việt Nam thích bóng đá thắng, chứ không hẳn cứ là bóng đá đẹp”. Hẳn rồi, ai dám chắc U17 Việt Nam tấn công, chơi bóng đá đẹp nhưng không thể lọt vào VCK U17 châu Á sẽ miễn nhiễm với chỉ trích? Bài học U20 Việt Nam để tuột tấm vé U20 châu Á dẫn tới chịu áp lực lớn từ dư luận là điều mà HLV Roland của đội U17 nằm lòng.
Và không chỉ ông Roland, HLV Yemen hay Australia, Indonesia cũng cùng chung suy nghĩ thực dụng như thế. Bởi đại cục mới là đích đến, là thứ mà đại đa số chúng ta cần. Man City hay Real Madrid lên đỉnh châu Âu không bằng những chiến thắng đậm đà 3-0, 4-0 qua từng trận đấu. Tây Ban Nha vô địch EURO cũng dựa trên một lối đá phòng ngự phản công trực diện. Tuy tình hình, tuỳ hoàn cảnh mà mỗi HLV phải lựa chọn một hướng đi, ngay cả khi cá nhân họ cũng không ủng hộ cho quyết định ấy…
3. Sau cùng thì sự hiệu quả mới là bản ngã cho mọi vấn đề. Cách mà Rodri giành Quả bóng vàng đầy tranh cãi cũng là một cách để chúng ta thấy được cốt lõi thực dụng của môn thể thao vua. Rodri không thể ghi bàn kinh khủng như Vinicius. Anh cũng chẳng thể kiến tạo thuộc top đầu như cách mà Quả bóng Vàng 2018 - Luka Modric từng tạo nên.
Nhưng không có Rodri, Man City hay Tây Ban Nha không thể tiến tới đại cục. Yếu nhân của họ chính là Rodri, cái tên âm thầm nhưng là xương sống đảm bảo cho một thứ bóng đá mà bất cứ ai cũng muốn. Đó là bóng đá thắng!