Có nhất thiết phải tung hết bài vở để đấu với những đối thủ như U23 Lào và U23 Campuchia hay không? Khi đặt ra câu hỏi này, sẽ có nhiều người nói rằng, U23 Việt Nam có bài gì đâu mà phải giấu. Thực tế đang diễn ra là đội bóng của HLV Kim Sang Sik áp đảo về tỉ lệ kiểm soát bóng so với hai đối thủ ở vòng bảng. Họ cũng áp đảo về số đường chuyền và cú sút trên sân.
Thế nhưng, khâu “đóng gói thành phẩm” lại đang gặp vấn đề. Như trong trận đấu với Campuchia, các học trò của ông Kim tung ra 23 cú sút nhưng chỉ có 6 cú trúng đích. Hai bàn thắng của U23 Việt Nam đều đến từ những quả đánh đầu. Nói cách khác, Văn Khang và các đồng đội đã “sống nhờ không chiến”. Tựu trung lại, U23 Việt Nam có những điểm mạnh và cũng có những điểm cần cải thiện. Trong bức tranh toàn cảnh ấy, không thể nói đó là một màu xám, bởi đã có những chuyển biến, được chứng minh bằng các con số.
Ví dụ, U23 Việt Nam không chỉ tấn công ở cánh trái mà cả cánh phải cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Các học trò của ông Kim cũng triển khai các pha tấn công trung lộ với ý đồ rõ ràng, chứ không phải những cú nhấc chân theo kiểu hên xui. Quốc Việt cần thêm một chút may mắn để bóng không dội xà ngang rồi liếm cột dọc, hay Văn Khang cần “hiểm” hơn trong những pha ra chân… Chắc chắn, đây chưa phải là “phiên bản” U23 Việt Nam mà nhiều người mong đợi. Như đã nói, đã có những phân tích, mổ xẻ chuyên môn để chứng minh điều đó.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần kiên nhẫn, bởi U23 Việt Nam mới chỉ trải qua vòng bảng. Nghĩa là HLV Kim Sang Sik hoàn toàn kiểm soát được các vấn đề về chuyên môn, về nhân sự… Điều quan trọng không nằm ở việc U23 Việt Nam thắng Lào hay Campuchia với tỉ số hoành tráng, mà là cách ứng xử với từng trận đấu sao cho phù hợp với thực tế. Bóng đá cũng là một cuộc chiến, và chiến thắng nằm ở hồi kết.
Sau trận bán kết với U23 Philippines, thậm chí cả trận chung kết, nhiều khả năng chiếc mặt nạ của U23 Việt Nam mới rơi xuống và đó là mặt thật mà HLV Kim Sang Sik muốn xây dựng, phát triển. Cứ chờ xem!