Bóng Đá Plus trên MXH

'Bệnh viện' Bundesliga & vấn đề của người Đức
13:45 ngày 18/06/2015
Chấn thương được xem là kẻ thù lớn nhất của các cầu thủ và đội bóng Bundesliga. Song, người Đức lại không có biện pháp tốt để giúp các cầu thủ đối phó với điều đó, khiến các đội bóng phải lãnh hậu quả với thành tích sa sút trên sân cỏ...
    ÁM ẢNH CHẤN THƯƠNG
    Sẽ không quá khó để thấy rằng chấn thương đã ảnh hưởng lớn tới các đội bóng của Đức. Bayern gặp Barcelona trong tình cảnh thiếu Franck Ribery, Arjen Robben, David Alaba... những ngôi sao sáng nhất của họ. Hệ quả là đội bóng Đức phải dừng chân ở bán kết Champions League với thất bại 3-5 sau 2 lượt trận. Hay Dortmund với những Marco Reus, Ilkay Guendogan… nghỉ dài hạn hay tương tự là Schalke (Julian Draxler, Jefferson Farfan)... cũng điêu đứng và rơi vào khủng hoảng vì chấn thương ở mùa giải vừa qua.

    Song, nếu nhìn vào số ca chấn thương của các đội thì những con số còn khiến người ta sốc hơn nhiều. So với các ông lớn khác tại châu Âu, 3 đội bóng Đức là Schalke, Bayern và Dortmund có số lượt cầu thủ vắng mặt chấn thương (tính theo số lượt cầu thủ vắng mặt ở các vòng đấu tại giải VĐQG) cao vô đối. Cụ thể, cả 3 ông lớn của Đức đều có số lượt cầu thủ vắng mặt vì chấn thương đều ở quanh ngưỡng 200. Trong khi cả mùa giải vừa qua, đội bóng vừa giành cú ăn ba là Barcelona chỉ có tổng cộng 53 lượt cầu thủ vắng mặt vì chấn thương. Việc sử dụng nguyên đội hình ở những trận đấu liên tiếp, đặc biệt là ở giai đoạn cuối mùa như Barcelona là điều mà các đội bóng mạnh của Đức mơ ước.


    ĐÂU LÀ NGUYÊN DO?
    Việc chấn thương ám ảnh các đội bóng tại Bundesliga, ảnh hưởng trực tiếp tới thành tích của các CLB Đức hoàn toàn không phải là chuyện ngẫu nhiên hay... đen đủi như một số người vẫn nghĩ. Tất cả xuất phát từ nguyên nhân sâu xa khi các đội bóng Đức đã bỏ bê công tác y tế. 

    Đức là một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực y tế. Họ có những chuyên gia hàng đầu ở những lĩnh vực mà ngay cả nhiều VĐV thể thao ở các giải đấu khác cũng phải tìm đến. Song, có một thực tế là các nhà y học thể thao hay các bác sĩ chỉnh hình không phải là những người giỏi trong việc giúp cầu thủ tránh chấn thương. Thậm chí, nói như cựu bác sĩ vật lý trị liệu Oliver Schmidtlein của Bayern và ĐT Đức thì “họ không biết làm gì để bảo vệ các cầu thủ”.

    Những bất cập từ công tác y tế tại đội bóng xuất hiện rõ ràng nhất tại Bayern. Đội bóng xứ Bavaria đầu tư không ít tiền vào các hệ thống y tế trong những năm qua. Song, họ lại không có một đội ngũ bác sĩ tiêu chuẩn, những người có thể giúp các cầu thủ phục hồi nhanh chóng sau những trận đấu căng thẳng hay sẵn sàng nhất cho các trận đánh. Bayern vẫn tin dùng bộ sậu bác sĩ do tiến sĩ Mueller-Wohlfahrt, người đã gắn bó với Bayern từ năm… 1977, tổ chức. Mueller-Wohlfahrt là một tượng đài trong ngành y học thể thao với nhiều phương pháp chữa trị độc đáo. Song, như chia sẻ của Schmidtlein thì Mueller-Wohlfahrt không phải là một người giỏi trong việc bảo vệ các cầu thủ khỏi chấn thương.

    Theo một nghiên cứu của tạp chí Kicker thì đội bóng duy nhất tại Đức có đội ngũ y tế có thể so sánh với các ông lớn khác tại châu Âu là Leverkusen. Ở mùa vừa qua, Leverkusen “chỉ” có 91 lượt cầu thủ vắng mặt vì chấn thương, ít nhất trong Top 4 Bundesliga 2013/14. Nhưng cũng nên nhớ, Leverkusen là đội bóng thuộc sở hữu của tập đoàn dược phẩm Bayer hàng đầu thế giới.


    NGƯỜI ĐỨC CẦN PHẢI THAY ĐỔI!
    Ở mùa giải vừa qua, nội bộ Bayern đã từng dậy sóng bởi vấn đề chấn thương. Đó là khi HLV Pep Guardiola lên tiếng chỉ trích Mueller-Wohlfahrt vì tình trạng chấn thương tại đội bóng, khiến vị bác sĩ này tự ái và từ chức. Tuy nhiên, câu chuyện có lẽ không nằm ở Mueller-Wohlfahrt mà nằm ở chính cách làm của đội bóng xứ Bavaria.

    Đã đến lúc Bayern cũng như các đội bóng tại Đức phải có sự đầu tư mạnh tay và đúng đắn hơn vào công tác y tế cho đội bóng. Làm được điều đó, họ sẽ giảm thiểu tối đa các ca chấn thương. Nó đồng nghĩa các đội bóng cũng có thể cắt giảm được nhân sự, kéo theo là giảm quỹ lương... Nhưng quan trọng hơn cả, giảm thiểu các ca chấn thương cũng đồng nghĩa là tạo điều kiện tốt cho các HLV có thể xây dựng một lối chơi ổn định và phát huy sức mạnh tối đa cho đội bóng để hướng tới thành công.

    Y học thể thao giờ là một phần của cuộc chơi và nó cầu phải được coi trọng và đầu tư đúng đắn. Những gì diễn ra ở mùa giải vừa qua chính là động lực để các đội bóng tại Đức thay đổi.

    ĐT Đức là hình mẫu về chăm sóc cầu thủ
    Các CLB tại Bundesliga không phải nhìn đâu xa mà có thể học tập chính cách tổ chức đội bóng của ĐT Đức. Trong thành phần của ĐT Đức sang Brazil Hè 2014 có tổng cộng 61 người, trong đó có 23 cầu thủ và 38 chuyên gia. Về đội ngũ chăm sóc cầu thủ có 4 HLV thể lực, 3 bác sĩ, 4 chuyên gia vật lý trị liệu và 2 chuyên gia tâm lý. Chính sự chuẩn bị kỹ càng cho các cầu thủ đó đã giúp Đức có được thành công với danh hiệu vô địch World Cup 2014.
    MẠNH ĐỨC • 13:45 ngày 18/06/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay