Bóng Đá Plus trên MXH

5 điểm ấn tượng của Thai Premier League mà V.League có thể học hỏi
Trí Công • 20:19 ngày 16/10/2015
Sự phát triển vượt bậc của Thai Premier League trong những năm qua đã hỗ trợ rất nhiều cho tham vọng vươn lên tầm châu lục mà HLV Kiatisak và ĐT Thái Lan đang ấp ủ. Dưới đây là 5 điểm nhấn ấn tượng giúp giải đấu của người Thái nâng cao chất lượng một cách toàn diện.

    1. Mô phỏng mô hình giải Ngoại hạng Anh

    Cách đây hơn 1 thập kỷ, giải VĐQG Thái Lan với tên gọi Thai League từng có giai đoạn chìm sâu trong khủng hoảng khi không nhiều CĐV ngó ngàng đến sân cổ vũ. Thậm chí đến mức những người làm bóng đá đất nước này còn phải thừa nhận nhiều trận đấu người hâm mộ còn đến sân ít hơn cả cầu thủ 2 đội. Chính điều đó mà năm 2007, BTC giải quyết định làm nên một bước ngoặt vô cùng lớn trong lịch sử bóng đá Thái Lan. Đó là đổi tên giải thành Thai Premier League với mô hình được phỏng theo giải Ngoại hạng Anh – một giải đấu mà người dân Thái Lan vô cùng hâm mộ. 

    Sau đó, BTC giải thậm chí còn mua luôn cả bản quyền quản lý và tổ chức giải Ngoại hạng Anh để áp dụng vào giải đấu của họ. Nhiều CLB được khuyến khích xây dựng mô hình, hình ảnh cũng như cách tổ chức dựa trên nhưng ông lớn của giải Ngoại hạng Anh như M.U hay Chelsea. Có thể kể ra một số CLB của Thái áp dụng theo chiến lược này và thành công như SCG Muangthong United (phỏng theo phong cách M.U) hay Buriram Utd (tự ví mình là Chelsea xứ chùa vàng)… 

    Muangthong Utd (phải) được xây dựng theo phong cách của CLB Man United đã tạo sức hút lớn với các CĐV và nhà tài trợ

    Cũng nhờ việc sử dụng “format” giải Ngoại hạng Anh nên các CLB Thái Lan nói riêng và Thai Premier League nói chung dần thu hút lại được khán giả cũng như các nhà tài trợ. Điều này giúp họ giàu lên nhanh chóng và chuyển hóa tiềm lực tài chính thành sức mạnh về nhân sự, chuyên môn.

    2. Xây dựng quần thể sân vận động của riêng mình

    Theo anh Huỳnh Trí Thiện – phóng viên thường trú của Báo Thanh Niên đồng thời là Nghiên cứu sinh ngành Quản lý Thể thao của Thái Lan thì hầu hết các CLB của Thai Premier League đều xây sân vận động cho riêng mình. Chi phí để xây dựng một sân vận động theo anh Thiện cũng tương đối lớn, xấp xỉ gần nghìn tỷ Việt Nam Đồng. 

    Tuy nhiên sân vận động đó ngoài hệ thống sân bãi, ghế ngồi theo tiêu chuẩn phục vụ các trận đấu tầm cỡ AFC Champions League thì đó còn là một quần thể trung tâm thương mại với cửa hàng ăn, nơi vui chơi giải trí, siêu thị mua sắm. Qua đó các CLB sẽ có điều kiện để thu hút số lượng lớn người hâm mộ đến sân không chỉ thưởng thức các trận bóng đá mà còn vui chơi, giải trí bên lề. Theo một chuỗi logic, khi thu hút CĐV đến sân nhiều như vậy thì vô hình chung các CLB cũng sẽ kéo được nhiều nguồn tài trợ dồi dào trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

    Sân Thunder Caslte của CLB Buriram được xem như bản sao của Stamford Bridge 

    Điển hình có thể kể đến CLB Buriram Utd – đội bóng được xem là Chelsea xứ chùa Vàng. SVĐ Thunders Castle của họ được xem là bản sao của Stamford Bridge với sức chúa gần 33.000 chỗ ngồi. Và ở những trận đấu đỉnh cao thì SVĐ này có thể lấp kín khoảng 80% chỗ ngồi. Ngoài ra, Buriram còn “móc túi” CĐV với những dịch vụ ăn theo như nhà hàng, khu vui chơi giải trí hay chụp hình lưu niệm với các cầu thủ. 

    Tuy nhiên anh Thiện cũng lưu ý rằng, điều kiện địa lý và con người ở Thái Lan cũng đang có những thuận lợi cho họ khi diện tích đất rộng trong khi dân số không lớn như Việt Nam. 

    3. Sử dụng 3 ngoại binh thiên về kỹ thuật, 1 ngoại binh đến từ châu Á

    Khác với V.League, các CLB ở Thai Premier League được phép sử dụng 4 ngoại binh và trong đó bắt buộc có 1 cầu thủ đến từ châu Á. Thông thường các CLB ở Thái cũng chủ trương chiêu mộ những cầu thủ có kỹ thuật đến từ các nước latin hay Nhật Bản thay vì thiên nhiều về sức. Điều đó trước tiên là phù hợp với triết lý chơi kỹ thuật của hầu hết các CLB Thái Lan, thứ 2 giúp các cầu thủ Thái Lan cải thiện kỹ năng chuyên môn của mình. Và thứ 3 vô hình trung từ 2 điều trên, các CLB sẽ hỗ trợ rất nhiều cho lối đá của đội tuyển quốc gia đất nước này. Khi mà triết lý của Kiatisak cũng theo trường phái đá ban bật, kỹ thuật và đề cao tính đồng đội. 

    Trong khi đó, việc quy định các CLB đăng ký một suất cầu thủ ngoại mang quốc tịch AFC nhằm mục đích giúp Thái Lan nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các CĐV cũng như giới truyền thông các nước láng giềng. 

    Ngoại binh mà các CLB Thái Lan lựa chọn thường đến từ Brazil 

    4. Các trận đấu diễn ra vào lúc 19h00 hoặc 20h00

    Thông thường các trận đấu của Thai Premier League thường diễn ra vào lúc 19h00 hoặc 20h00, ngay cả ở thời điểm giữa tuần. Một số trận đấu đá sớm cũng diễn ra vào lúc 18h00. Lý giải cho điều này, anh Thiện cho biết BTC giải muốn tạo thời gian cho những CĐV đến sân bên cạnh việc theo dõi trận đấu thì còn có thể tham gia các hoạt động bên lề như vui chơi giải trí, ăn uống nhà hàng, khách sạn hay rạp chiếu phim hoặc các sự kiện của các hãng tài trợ. Ngoài ra là mua áo đấu, logo, quà lưu niệm của đội bóng. 

    Chính nhờ điều đó mà các CLB có thể thu hút một khoản kinh phí không nhỏ từ doanh thu áo đấu, các chuỗi dịch vụ cũng như thu hút thêm các nhà tài trợ đầu tư lớn hơn nữa khi mà các “mạnh thường quân” thấy được sự tương tác tiềm năng và hiệu quả với người hâm mộ, bên cạnh những biển quảng cáo hay gắn trên áo đấu như thường thấy. 

    Các CĐV Thái Lan tới sân có cảm giác như đang hòa mình vào lễ hội 

    5. Đẩy mạnh việc sản xuất, bán áo đấu và các vật phẩm lưu niệm từ các CLB

    Hiện tại một nửa các CLB ở Thai Premier League ký kết với hãng thể thao Grand Sport để sản xuất áo đấu cho mình. Ngoài ra cũng có một số hãng thể thao khác của Thái Lan hoặc Nike hay Adidas. Các CLB này cũng tích cực mở cửa hàng bán áo đấu của riêng mình và khuyến khích các CĐV mua áo chính hãng thay vì hàng nhái. Bên cạnh đó các CLB còn bán thêm sản phẩm lưu niệm của đội bóng kém theo nhà tài trợ. Chính điều này giúp các đội bóng của Thái Lan thu hút không chỉ doanh thu từ việc CĐV mua áo đấu mà song song với đó, họ còn có thêm nguồn thu từ các hãng thể thao và nhà tài trợ. 

    Sự hấp dẫn của giải Thai Premier League, tính chuyên nghiệp ở các CLB và sức mạnh ngày một đi lên là cơ sở để các đội bóng thu hút nhiều hơn những nhà tài trợ. Theo anh Thiện, một CLB ở Thái Lan có thể sở hữu tới 5-6 nhà tài trợ trong khi ĐT Thái Lan cũng có khoảng 3-4 nhà tài trợ chỉ tính riêng trên áo đấu. Nhờ vậy mà sức mạnh tài chính của họ ngày càng lớn mạnh, đủ để phát triển từ cơ sở hạ tầng, hệ thống thi đấu cho đến công tác đào tạo trẻ. Qua đó góp sức không nhỏ cho sức mạnh của giải Thai Premier League cũng như ĐTQG Thái Lan. 
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội