Bóng Đá Plus trên MXH

World Cup 1950: "Thảm họa lịch sử" của Brazil
Kinh Thi • 07:34 ngày 27/12/2013
“Mỗi đất nước có một thảm họa không bao giờ khắc phục được. Như một cú Hiroshima vậy. Với Brazil chúng tôi, thảm họa lớn nhất trong lịch sử chính là trận thua Uruguay tại World Cup 1950”. Nelson Rodrigues đã nói như vậy trước khi qua đời vào năm 1950.
    Xin được nói thêm, nhiều người đã xem Nelson Rodrigues là nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch vĩ đại nhất Brazil xưa nay.

    BRAZIL ĐÃ THUA, VẪN THUA, VÀ MÃI MÃI THUA
    Đến giờ, Brazil vẫn là nước duy nhất trong lịch sử có mặt ở mọi VCK World Cup. Đấy là cường quốc bóng đá duy nhất từng 5 lần vô địch World Cup, là nước duy nhất từng đoạt vĩnh viễn chiếc Cúp vô địch bóng đá thế giới (Cúp Nữ thần vàng hay còn gọi là Cúp Jules Rimet). Nhưng, người Brazil luôn nhớ rằng, tất cả dù có hào nhoáng đến đâu đi nữa thì cuối cùng vẫn không bù đắp được những dòng nước mắt đã đổ ngay trên thánh địa Maracana, ở kỳ World Cup 1950.

    Trong số ra ngày 16/7/2000, tờ báo lớn Jornal do Brasil dùng hẳn một loạt trang đôi liên tiếp để “tưởng niệm” cái mà nhà văn Nelson Rodrigues gọi là “thảm họa lịch sử của Brazil”. Trang bìa đầy vẻ tang thương của tờ báo này tuyên bố: cơn ác mộng của cả Brazil đã kéo dài đúng 50 năm!

    Còn có rất nhiều chi tiết kỳ lạ khác cho thấy người Brazil nhớ về “thất bại” tại World Cup 1950 hơn bất cứ sự kiện nào khác trên đời. (Vâng, dù là lần đầu tiên vươn đến vị trí Á quân World Cup, người Brazil vẫn xem đấy là một thất bại). Ở Brazil, đã có 3 cuốn sách thuộc hàng best-seller viết về trận thua Uruguay tại World Cup 1950, chưa kể 2 cuốn nổi tiếng khác viết về SVĐ Maracana nhưng nội dung chính cũng là World Cup 1950 và trận thua đau đớn của đội tuyển Brazil.


    SVĐ Maracana không còn 1 chỗ trống trong ngày diễn ra trận đấu giữa 2 ĐT Brazil và Uruguay

    Thế còn vinh quang đoạt vĩnh viễn Cúp Jules Rimet của Pele và đồng đội? Cuốn sách duy nhất viết về vinh quang ấy được xuất bản tại Anh, viết bằng tiếng Anh, và của một tác giả người Anh!

    Có vẻ như ở Brazil - đất nước chưa bao giờ liên quan đến một cuộc chiến tranh đáng kể - người ta sinh ra không phải để nhớ đến những cuộc chinh phục, những vinh quang. Người ta nhớ đến Zizinho - ngôi sao số 1 của World Cup 1950 - vì đấy là một người hùng thất bại.

    Với Zizinho, thất bại trước Uruguay tại World Cup 1950 đúng là một thảm họa “không bao giờ khắc phục được”. Ông nói trong một chương trình tổng hợp về những vinh quang của bóng đá Brazil: “Rút cuộc, Brazil đã thua, vẫn thua, và mãi mãi thua Uruguay trong trận quyết đấu tranh ngôi vô địch World Cup 1950”.

    THẤT VỌNG VÌ QUÁ HY VỌNG
    Hàng chục ngàn công nhân lao vào công việc tỉ mẩn như người Ai Cập cổ đại xây kim tự tháp, để rút cuộc thì SVĐ Maracana hoành tráng với sức chứa 200.000 khán giả cũng kịp hoàn thành nhằm phục vụ cho sự kiện quá ư trọng đại: một kỳ World Cup mà Brazil đăng cai với biết bao điều kỳ vọng.

    Ở 2 trong 3 kỳ World Cup đầu tiên, chức vô địch thuộc về đội chủ nhà. Bây giờ, Brazil cũng phải vô địch World Cup 1950 trên sân nhà, không chỉ vì họ quá mạnh. Brazil đã làm mọi cách để chuẩn bị cho ngày hội đăng quang vô địch World Cup. Từ chuyện xếp lịch và chọn phương thức thi đấu cũng đã nói lên sự hậu thuẫn một cách lộ liễu của FIFA đối với nước chủ nhà.

    Trong văn hóa bóng đá Brazil, người ta không thể chấp nhận một giải đấu mà lại không có trận chung kết. Vậy thì do đâu mà World Cup 1950 tại Brazil lại là kỳ World Cup duy nhất trong lịch sử không có trận chung kết? Vì đá vòng tròn là thể thức có lợi nhất cho một ứng cử viên vô địch rõ ràng.

    Trên thực tế, Brazil quả đã hưởng lợi từ thể thức thi đấu kỳ lạ, bằng việc họ chỉ cần hòa với Uruguay trong trận cuối cùng là đủ điểm vô địch. Trước trận quyết định ấy, người ta chỉ dùng thì tương lai đơn giản để nói về một sự kiện tuy chưa nhưng chắc chắn sẽ xảy ra.

    Tờ Gazeta Esportiva ở Sao Paulo đăng lên trang bìa: “Ngày mai, chúng ta sẽ thắng Uruguay và vô địch World Cup”. Thị trưởng Rio Angelo Mendes de Moraes thì nói với các cầu thủ trước khi trận đấu diễn ra: “Chỉ trong vài giờ nữa thôi, các bạn sẽ trở thành những nhà vô địch, sẽ được hàng triệu người tôn vinh. Tôi đã gửi đến các bạn lời chúc mừng dành cho những nhà VĐTG”.

    Cứ thế, người dân Brazil không thể nào quên nỗi thất vọng, không thể quên “thảm họa World Cup 1950” bởi họ đã quá hy vọng, quá chờ đợi những gì huy hoàng nhất trong thế giới bóng đá xảy ra ở kỳ World Cup ấy. Bây giờ thì ai cũng biết, cầu trường Maracana đã từng chết lặng như thế nào. Cả Brazil cũng đã chết lặng trong cái ngày 16/7/1950 đen tối ấy. Uruguay vô địch World Cup 1950. Và, còn gì nữa?

    “BẢN ÁN CHUNG THÂN” CHO TỘI ĐỒ
    Hai mươi năm sau, Barbosa mới nếm trải giây phút buồn bã nhất trong cuộc đời ông. Tại một cửa hàng tấp nập, có một phụ nữ nhận ra Barbosa. Bà ta lập tức chỉ vào ông và nói với con trai: “Con hãy nhìn và nhớ cho kỹ. Đấy chính là kẻ làm cả Brazil phải khóc”.

    Barbosa là thủ môn Brazil trong trận thua Uruguay tại World Cup 1950. Ông được các nhà báo bình chọn là thủ môn hay nhất giải ấy. Nhưng, thủ môn hay nhất thì sao?

    Nhà văn Uruguay Eduardo Galeano viết trong cuốn “Football in Sun and Shadow”: thủ môn mặc áo số 1 vì đấy là cầu thủ quan trọng nhất trong đội, vì đấy là con người cô độc nhất, đáng thương nhất. Vì đấy là nhân vật đầu tiên luôn bị xem là tội đồ trong một trận thua. Hơn bao giờ hết, Brazil cần nhanh chóng tìm một thủ phạm sau “thảm họa World Cup 1950”. Thế là Barbosa trở thành “vật tế thần”.

    Ông là thủ môn, và ông lại là người da đen. Gần 50 năm sau (năm 1999), Dida mới trở thành thủ môn da đen đầu tiên sau Barbosa được bắt chính cho đội tuyển Brazil. Ông bị giới bóng đá chỉ trích, nguyền rủa. Ông bị xã hội khinh bỉ.

    Năm 1993, Barbosa định đến thăm các tuyển thủ Brazil, khi đội tuyển này tập trung trong một dịp hiếm hoi tại quê nhà. Một năm sau, Brazil thắng Italia bằng loạt sút luân lưu trong trận chung kết World Cup 1994, lần thứ 4 lên ngôi VĐTG. Nguyên nhân? Nhờ một tuyển thủ nào đó đã kịp phát hiện Barbosa từ xa và xua đuổi, không cho ông bén mảng đến nơi ở của đội hồi năm 1993. Bằng không, rất có thể vận xui của Barbosa đã ám vào “Selecao” tại World Cup 1994!

    Pháp luật, và cả xã hội Brazil, luôn sẵn sàng tha thứ cho một kẻ sát nhân điên cuồng nhất, qua mức án tối đa 30 năm tù. Vậy mà Barbosa lại bị chỉ trích, khinh bỉ, xua đuổi, miệt thị suốt 50 năm, cho dù ông chẳng làm hại ai. Phim ảnh hoặc sách báo có giá trị tham khảo từ World Cup 1950 đều không cho thấy bất cứ chỗ nào nói lên rằng Brazil thua Uruguay vì Barbosa.

    KẾT QUẢ WORLD CUP 1950 (Từ 24/6 đến 16/7/1950, tại Brazil)
    - Vô địch: Uruguay
    - Á quân: Brazil
    - Hạng 3: Thụy Điển
    - Hạng 4: TBN
    - Vua phá lưới: Ademir (Brazil, 8 bàn)
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội