Bóng Đá Plus trên MXH

Trước trận lượt đi vòng bán kết AFF Suzuki Cup 2014: Sẵn sàng cho thử thách lớn hơn
06:57 ngày 07/12/2014
Từ chỗ nhạt nhòa về nhiều mặt trong các trận giao hữu trước giải, ĐT Việt Nam đã dần lột xác, tiến bộ hẳn qua từng trận đấu ở vòng bảng, để rồi bây giờ chúng ta lại có quyền hy vọng trước các trận đấu quyết định, tranh chấp ngôi cao.
    Sự trưởng thành đó thể hiện qua rất nhiều yếu tố mà chúng ta sẽ cùng thảo luận sau đây, tuy nhiên, điều dễ thấy hơn cả là ĐT Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức khó khăn hơn nhiều.

    Nhận định & Bình luận trước trận Malaysia vs Việt Nam

    NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY
    Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản

    DẤU ẤN HLV TRƯỞNG
    Cách dùng người là điều đầu tiên cần phải nhắc đến. Chỉ qua 3 trận vòng bảng, đã có đến 20/22 cầu thủ lần lượt ra sân (cần lưu ý: không có trận nào mang tính “thủ tục”). Đấy là số lượng. Chất lượng càng đáng nói hơn. Đành rằng sự thay đổi đội hình một cách liên tục của HLV Miura gây nhiều khó khăn cho đối thủ trong những toan tính trước khi bóng lăn, nhưng cách dùng người kỳ lạ của ông còn có tác dụng quan trọng ngay trong nội bộ. 

    Từ đội trưởng Tấn Tài đến các ngôi sao như Công Vinh, Văn Quyết, Thành Lương đều không thể ỷ lại rằng họ đương nhiên có suất ra sân. Cụ thể, đội trưởngTấn Tài mới ra sân đúng 90 phút, Thành Lương có 185 phút, Công Vinh có 208 phút còn Văn Quyết khá hơn đôi chút với 215 phút.  

    Trong khi đó, những cái tên còn xa lạ với phần đông NHM như Tiến Thành, Huy Hùng, Minh Tuấn lại bất ngờ chơi không thiếu phút nào ở vòng bảng nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của họ trong suốt thời gian HLV Miura rèn quân, tuyển chọn nhân sự.

    Cũng phải khâm phục cách đối xử của HLV Miura khi ông kịp thời trấn an những cầu thủ chơi không thành công, bằng những việc làm cụ thể, như để họ tiếp tục thi đấu. Trường hợp của thủ môn Nguyên Mạnh là một dẫn chứng rõ ràng, nói lên khả năng dùng “đòn tâm lý” của HLV Miura. 


    Một điều đáng lưu ý nữa: hễ Miura đã thay người (ngay trong trận đấu hoặc thay đổi so với trận trước) thì đa số đều là sự thay đổi dẫn đến thành công. Ở trận ra quân gặp Indonesia, Công Vinh vào sân từ ghế dự bị và ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1. Đến trận gặp Lào, sau khi cặp Hải Anh - Công Vinh chơi khá nhạt nhòa trong hiệp 1 thì Văn Quyết được đưa vào thay Hải Anh và cầu thủ mang áo số 10 chính là nhân tố giúp ĐT Việt Nam tấn công linh hoạt hơn hẳn để giành chiến thắng chung cuộc 3-0.

    HLV Miura đã chuẩn bị rất tốt trước thềm AFF Cup. Không hề có sự tình cờ khi hàng loạt cầu thủ từ đội Olympic Việt Nam được  đôn lên ĐTQG (hậu vệ Nguyễn Thanh Hiền, Nguyễn Minh Tùng, Quế Ngọc Hải; tiền vệ Võ Huy Toàn, Nguyễn Huy Hùng, Ngô Hoàng Thịnh, Vũ Minh Tuấn và tiền đạo Mạc Hồng Quân) đều đã xuất hiện, với những thành công nhất định. Người ta buộc phải nhớ lại: đấy chính là các cầu thủ đã thành công trên trận địa Incheon 2014, và đấy cũng chính là thành quả tốt đẹp của Miura khi ông dẫn dắt đội Olympic Việt Nam dự ASIAD 17.

    CÔNG SẮC BÉN, THỦ CHẮC CHẮN
    Lối chơi là một vấn đề khác, cho thấy sự thay đổi hình ảnh rất rõ ràng của đội tuyển Việt Nam ở vòng bảng AFF Suzuki Cup 2014. Hàng thủ lỏng lẻo, vừa thiếu sự kết dính lại vừa không có khả năng bọc lót tốt mà ai cũng thấy rõ trong các trận đấu ngay trước giải giờ đã trở nên chắc chắn, hợp lý. 

    Còn ở hàng công, ấn tượng rõ ràng từ các bàn thắng đẹp của Công Vinh, Thành Lương, Minh Tuấn, Hoàng Thịnh. Đáng nói ở chỗ, những bàn thắng này mang những phong cách khác nhau, và mang đến cho NHM cảm nhận rõ rệt về sự đa dạng trong các phương án tấn công của ĐT Việt Nam. Trong 8 bàn thắng ở vòng bảng, có 2 bàn là những cú “nã đạn” tầm xa, 6 bàn còn lại là sản phẩm của những pha phối hợp chiến thuật được chuẩn bị kĩ càng chứ không phải những tình huống “chạy nhiều ra chiến thuật”.  


    Từ tuyến tiền vệ trở lên, các tuyển thủ Việt Nam hiện cầm bóng tốt và chơi rất đa dạng. Trung bình ở 3 trận vòng bảng, tỷ lệ kiểm soát bóng của ĐT Việt Nam đạt mức 54%. Đặc biệt, tỷ lệ chuyền bóng chính xác ở mức khó tin là 89,4% bên phần sân nhà và 72,9% bên phần sân đối phương. Cần phải nói thêm, ĐT Việt Nam còn là đội có nhiều đường chuyền nhất ở vòng bảng (1.373), nên tỷ lệ chuyền chính xác ở mức kể trên quả thực là thành tích xuất sắc.
    Thể lực và tốc độ là hai chi tiết quan trọng nói lên cái “được” của đội tuyển Việt Nam hiện nay. Và xin lưu ý: chúng tôi đang nói về tốc độ chiến thuật. Sự hoán chuyển giữa tình huống phòng thủ và tình huống tấn công được thực hiện rất nhanh trong các trận đấu vừa qua. 

    Nói cách khác, các học trò của HLV Miura không chỉ tấn công nhanh khi có bóng mà họ cũng phòng thủ rất nhanh khi mất bóng. Cùng với Thái Lan, Việt Nam là một trong hai đội thủng lưới ít nhất tại giải tính đến thời điểm này. Và ít nhất, có đến 2 trong 3 bàn thua của đội tuyển chẳng qua là do “tai nạn cá nhân” chứ không phải thua vì hệ thống phòng ngự. 

    Ngoài bàn thắng của ĐT Philippines không thể cản phá thì 2 bàn còn lại đều ở trận mở màn gặp Indonesia. Bàn đầu tiên do trung vệ Tiến Thành đánh đầu về thiếu lực tạo điều kiện cho tiền vệ Zulham Zamrun của Indonesia nhanh chóng chớp thời cơ ghi bàn ở tình huống nguy hiểm duy nhất của Indonesia trong hiệp một. Đến phút 85, khi ĐT Việt Nam đang dẫn 2-1 sau bàn thắng của Công Vinh ở phút 68, tiền đạo Samsul Arif sút bóng từ góc hẹp, bóng đi không quá khó nhưng thủ thành Nguyên Mạnh lại để bóng lọt háng, rồi từ từ chui vào lưới.

    Ngược lại, hơn nửa tổng số bàn thắng của đội (và Việt Nam là đội có số bàn thắng cao thứ hai hiện nay: hơn cả Thái Lan, chỉ thua Philippines 1 bàn) là các pha ghi bàn đấy ấn tượng. Có ý kiến cho rằng thủ môn Philippines đáng lẽ phải bắt bóng tốt hơn trước cú sút xa gần 30m của Hoàng Thịnh, trong bàn mở tỷ số ở trận việt Nam - Philippines. Kỳ thực, thủ môn đối phương đã bị bất ngờ bởi quyết định sút bóng rất tự tin của Hoàng Thịnh. Đã vậy, bóng lại cắm xuống, cực kỳ khó đoán và không dễ đổ người để kịp cản phá.


    Đường chuyền cuối cùng, thường khá nguy hiểm với điểm rơi chính xác, đa dạng, cũng là một nét tiến bộ trong cách tấn công của đội tuyển hiện nay. Đặc biệt, Văn Quyết đang nổi lên như một cây chuyền bóng rất đáng gờm trong đội. Anh thực hiện 83 đường chuyền, tỷ lệ chính xác 78,3%, trung bình có 34,7 đường chuyền mỗi 90 phút, tỷ lệ chuyền dài chính xác là 40%. Sau vòng bảng, Văn Quyết đã có 2 pha kiến tạo, đồng thời đã có 10 lần tạo ra các cơ hội ăn bàn.
    Nhìn chung, HLV Miura đã xây dựng được một đội tuyển đáng gọi là mạnh nhất, từ lối chơi cho đến con người, trong hoàn cảnh mà ai cũng thấy là bóng đá Việt Nam không quá thuận lợi trước thềm AFF Cup. Hãy chờ xem các trận bán kết sắp tới, với hy vọng không nhỏ cho đội tuyển Việt Nam.

    Kết quả đối đầu Việt Nam nhỉnh hơn Malaysia
    Trong 6 lần đối đầu gần đây nhất với Malaysia, Việt Nam giành đến 4 trận thắng, hòa 1 và chỉ thua 1.

    Các trận thắng của Việt Nam trước Malaysia là: thắng 3-2 tại AFF Suzuki Cup 2008, sau đó Việt Nam vô địch; 3 trận thắng còn lại đều là các trận giao hữu: thắng 2-0 ngày 11/9/2012; thắng 1-0 ngày 3/11/2012; thắng 3-1 ngày 16/11/2014.

    AFF Suzuki Cup 2010, Việt Nam bị Malaysia loại ở bán kết sau khi Việt Nam thua Malaysia 0-2 trên sân khách và hòa 0-0 ở sân nhà.

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay