Bóng Đá Plus trên MXH

Trước thềm V-League 2015: Âm mưu giầy gót nhọn & “cò” bị trói cánh
Nhật Thị • 14:45 ngày 02/01/2015
Những tay “cò” bấy lâu vẫn kiếm hời sau những phi vụ môi giới cầu thủ đang bị “trói cánh”, bởi quy định siết chặt “quota” sử dụng cầu thủ ngoại của bóng đá Việt Nam. Tại mùa giải 2015, V.League chỉ được đăng ký 2 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch, còn giải hạng Nhất chỉ được đăng ký 1 cầu thủ nhập tịch.

    ÂM MƯU GIÀY GÓT NHỌN
    Nếu bóng đá thế giới, người ta không còn xa lạ với thuật ngữ “Người đại diện cầu thủ”, thì ở Việt Nam dường như cụm từ  này chưa bao giờ xuất hiện. Thay vào đó chỉ là một từ duy nhất đó là “cò”. Nói đến “cò”, người ta vẫn liên tưởng rằng đó là một kẻ cò kè, bớt một thêm hai, có cái gì đó khó tin, manh mún. “Cò” bóng đá xuất hiện khi bóng đá Việt Nam mở cửa đối với cầu thủ ngoại, nhưng quãng thời gian thịnh vượng nhất của cò chính là từ năm 2008 đến 2010… 

    “Cò” bóng đá làm ăn ở Việt Nam có nhiều thể loại. Những người có được chứng chỉ “môi giới cầu thủ” do FIFA cấp như bà Nguyễn Xuân Mưa (công ty Strata) chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

    Tất nhiên, với giới quần đùi áo số chẳng ai lại không biết ông Trần Tiến Đại, mà đứng đằng sau là công ty Đ.N, vốn được coi là “vựa cầu thủ” lớn nhất của V.League và giải hạng Nhất vài 3 năm trước. Ông Đại chẳng có bằng cấp gì. Để hợp thức hóa, công ty này đã nhờ một người có chứng chỉ đứng tên… hộ. 

    Ông Trần Tiến Đại

    Về “cò ngoại”, phải nhắc đến “siêu cò” Mauro, nổi tiếng với phi vụ đưa “bệnh binh” người Brazil Denilson tới XM.HP vào năm 2009. Những “cò” còn lại đại đa số đều tay ngang, trong số đó có rất nhiều xuất phát điểm là cầu thủ. 
    Chẳng hạn như cựu Vua phá lưới V.League 2003 - Achilefu, Buba, hay bộ đôi cựu cầu thủ của HN.ACB Mauricio và Luis  Frank Van Eijs. Sau khi giải nghệ, vì thấy Việt Nam trở thành miếng đất màu mở nên bộ đôi này đã trở lại với vai trò là “cò cầu thủ”.

    Và có một dạng “cò” khác chẳng liên quan đến bóng đá, đó là một số người bỗng thấy địa hạt chuyển nhượng cầu thủ quá “thơm” nên đã lấn sân và trở thành nhà môi giới. 

    “Mr.C”, vốn là một hướng dẫn viên du lịch nhưng  thường kết thân, la cà với các cầu thủ ngoại vì “ngửi” được thời cuộc và cũng từ lúc nào, anh này trở thành một tay “cò” thứ dữ ở khu vực phía Nam. Cò “Mr.C” là người nổi tiếng vì là chuyên giật dây và đạo diễn những vụ “bắt cá hai tay”. 

    Mới đây nhất là vụ tiền vệ của ĐT Uganda - Olya Moses. Số là, sau thời gian về nước, anh này trở lại đội bóng chủ quản Bình Dương với khuôn mặt đau khổ, chây ì trên sân tập… Tìm hiểu lí do mới biết, Moses đã được một CLB của Malaysia mời chào với cái giá rất hời. Nếu Moses đến xứ Mã thành công, “Mr. C” sẽ nhận được một khoản chênh lệch rất lớn. Với một tay cò nhiều mánh khóe như “Mr.C”, việc xúi dục Moses “đổ bệnh” đã là nghề của chàng. Nhưng đúng vào phút cuối “âm mưu giày gót nhọn” đã bị bóc trần, Moses chẳng thể đi đâu cả!.

    SẮP VÀO MÙA MÀ “CÒ” VẪN ĐÓI
    Như đã đề cập mùa giải 2015, việc siết chặt “quota” đã khiến cho nhiều cầu thủ nhập tịch phải rời Việt Nam. Theo thống kê, trong số 23 cầu thủ được “Việt hóa” giờ chỉ còn 9 cầu thủ tìm được công việc tại V.League. Việc hạn chế số lượng cầu thủ ngoại trên sân đã khiến các tay “cò” mất đi nguồn thu rất lớn. 

    Nguyên do, ngoài việc cắt bớt suất cầu thủ ngoại, thì các CLB cũng không còn chịu chi như những năm trước. Họ tìm kiếm ngoại binh dựa những mối quan hệ có sẵn, nhưng không còn dễ dãi như trước. Tức, tất cả đã chuyển sang mối quan hệ làm ăn kiểu “tiền trao cháo múc”.

    Cò đưa cầu thủ đến thử việc và phải lo toàn bộ chi phí vé máy bay, tiêu vặt khác… Còn CLB chỉ có lo chỗ ăn, nghỉ, nếu đạt yêu cầu thì ký, còn không, xin mời anh về. Với phương cách này, rất nhiều “cò” phải méo mặt, bởi theo tính toán để đưa một cầu thủ từ cầu thủ châu Âu, Nam Mỹ sang thử việc tại Việt Nam sẽ mất khoảng 3.000 USD/người. 

    Achilefu và Buba 

    Hôm rồi, chúng tôi tình cờ gặp lại Achilefu và Buba tại Trung tâm Thành Long (TP.HCM). Thấy chúng tôi, “cặp đôi hoàn hảo” này không còn tay bắt mặt mừng như trước, thay vào đó là những lời than thở. “Hàng ư, có nhiều lắm, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ… đều có cả. Nhưng dạo này làm ăn khó lắm, bóng đá Việt Nam không sử dụng nhiều cầu thủ ngoại nên tôi phải cẩn trọng. Chúng tôi đưa họ qua đây phải lo toàn bộ chi phí, thủ tục, nếu lỡ may không đạt, thì phải “è cổ” ra gánh. Khổ lắm nhà báo à!”. Với vốn tiếng Việt sành sỏi, Achilefu nói với người viết.

    Đứng kế bên, Buba, vốn là một tay buôn quần áo, lẫn làm “cò” cũng lắc đầu lè lưỡi. Anh chàng có thâm niên sống ở Việt Nam hơn chục năm này, cho biết: “Giờ mình chỉ buôn bán quần áo còn môi giới thì nghỉ rồi. Làm ăn qua ngày thôi”. 

    Cũng theo lời, Achilefu và Buba, các CLB đang có xu hướng chuyển nhượng kiểu “cũ người mới ta”. Lấy ví dụ, một tiền đạo tưởng hết chỗ đứng như Timothy Anjembe (mùa trước chơi cho HA.GL) giờ lại được Thanh Hóa rước về….
    Đương nhiên, nếu có những phi vụ trót lọt thì các tay cò cũng không nhận được “lộc” lớn như trước, vì giờ đây, giá cả không được thả nổi, những ngoại binh cũng chẳng còn nhận được khoảng lương “khủng” như trước. Rõ ràng, thời của “cò” bóng đá tại Việt Nam đã qua, cho nên có thể hiểu những người tinh nhạy thời cuộc như Buba, đó là: “Còn ở Việt Nam, tốt nhất và tìm  một cái nghề nào phù hợp với mình, thay vì cứ chờ đợi về một điều bất trắc”. Tiền đạo từng chơi cho Tây Ninh khép lại câu chuyện.

    THÔNG TIN
    Chủ yếu xài... hàng cũ
    Cho đến thời điểm hiện nay, 14 CLB của V.League vẫn chưa chốt danh sách ngoại binh nhưng theo thống kê của chúng tôi, số lượng cầu thủ ngoại lần đầu đến Việt Nam chỉ khoảng 5-6 người (2 trong số này thuộc về HA.GL). Điều này cũng đồng nghĩa, ở mùa 2015, đại đa số các CLB đều sử dụng cầu thủ cũ.

    HỌ NÓI GÌ?

    Ông Nguyễn Hồng Thanh (Chủ tịch CLB SLNA): “Đấy là điều rất tốt với BĐVN”
    “SLNA là một trong những đội bóng sử dụng “cây nhà lá vườn” trong những năm qua. Thực tế, các cầu thủ nội của chúng tôi đào tạo ra khá chất lượng và nó đủ cung cấp cho CLB chơi tại giải V.League. Đương nhiên, nó cũng tạo ra bản sắc riêng biệt cho SLNA. 

    Chính vì thế, khi có quyết định giảm số lượng ngoại binh tại V.League, chúng tôi rất đồng tình và ủng hộ. Từ đây, những đội bóng như SLNA sẽ có thêm một cầu thủ nội vào sân. Thêm nữa chúng tôi cũng giảm được áp lực tài chính thuê cầu thủ ngoại, càng đáng nói bởi với một đội bóng tiền bạc hạn chế như SLNA thì đấy là cả vấn đề. Cuối cùng xa hơn nữa, tôi nghĩ các ĐTQG sẽ mạnh hơn nhờ có nhiều nguồn để lựa chọn”.


    HLV Phan Thanh Hùng (CLB HN.T&T): “Không còn nỗi lo... siêu quậy”
    “BĐVN đã có những tiền lệ rất xấu về những cầu thủ ngoại binh. Chẳng hạn như khi mới đến họ rất chăm chỉ tập luyện, chuyên nghiệp nhưng một thời sau, nếu có chút tiếng tăm, một số cầu thủ mắc bệnh ngôi sao. Thực sự, ở V.League chúng ta đã chứng kiến không ít những trường hợp bi hài, ví dụ như trước trận đấu quan trọng, ngoại binh nọ, ôm bụng quằn quại xin nghỉ nhưng tối lại vui vẻ, nói cười như chưa có chuyện gì xẩy ra. 

    Cá nhân tôi cho rằng, việc cắt giảm ngoại binh sẽ giúp cho các CLB giảm được gánh nặng tài chính, vừa trị được bệnh “đau đầu” của các ngoại binh. Đương nhiên, cầu thủ sẽ có nhiều cơ hội ra sân hơn, trong đó có các cầu thủ trẻ.  Dù vậy, chúng ta cũng không phủ nhận được sự xuất hiện của các ngoại binh những năm qua đã nâng tầm V.League lên. Các cầu thủ nội cũng học hỏi được rất nhiều từ những người đồng nghiệp ngoại quốc, nhưng với tình hình, hoàn cảnh bây giờ việc giảm số lượng cầu thủ ngoại là điều hợp lý”.


    Tiền vệ Lê Tấn Tài (CLB B.BD): “Tôi ủng hộ quyết định này”
    “Thực tế những va chạm với các đối thủ là cầu thủ ngoại khiến cầu thủ nội mạnh mẽ hơn, có kinh nghiệm hơn. Thêm nữa, các CLB thi đấu ở các giải quốc tế có ngoại binh sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề… Cá nhân tôi nghĩ, giảm  từ 3 xuống 2 ngoại binh ở V.League là đều hợp lí và tôi rất ủng hộ. Chắc chắn, cầu thủ nội sẽ có nhiều cơ hội ra sân để cọ xát, từ đó ĐTQG cũng được hưởng lợi từ việc này”.

    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội