Bóng Đá Plus trên MXH

Tiết lộ: Nhà độc tài Franco không hề "cướp" Di Stefano về Real Madrid
Trần Minh • 13:52 ngày 30/07/2014
Cái chết của huyền thoại Alfredo di Stefano (4/7/1926 - 7/7/2014) một lần nữa làm rộ lên những tranh luận về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhiều người vẫn cho rằng Real Madrid đã cướp Di Stefano trên tay Barcelona nhờ vào sức ảnh hưởng của nhà độc tài Franco.

    Nhưng câu chuyện ấy đã được Tổng biên tập Alfredo Relano của tờ AS chỉ ra: đấy là một trong những luận điểm sai lầm nhất lịch sử, một sai lầm nhưng được người ta mặc nhiên coi là đúng vì mức độ phổ biến của nó.

    CHỨNG SỢ BAY VÀ QUYẾT ĐỊNH GIẢI NGHỆ
    Câu chuyện Franco cướp Di Stefano của Barca và trao cho Real lần đầu tiên xuất hiện trên mặt báo vào ngày 30/11/1980. Người viết bài báo ấy là Lluís Permanyer, con trai của Phó Chủ tịch Barca khi ấy. Vì câu chuyện ấy hấp dẫn và xuôi tai nên truyền thông quốc tế đã góp phần lan truyền và biến nó thành một “sự thật” về cuộc đời Di Stefano và mối quan hệ thù địch Real - Barca.

    Vậy sự thật là như thế nào? Theo Relano, Franco hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến cuộc chuyển nhượng Di Stefano về Barca. Câu chuyện ấy như sau:
    Năm 1949, Di Stefano đã bỏ trốn khỏi CLB quê hương River Plate để sang Colombia đầu quân cho Millonarios tại thủ đô Bogota. Năm 1952, nhân một chuyến du đấu châu Âu, Millonarios đã dừng chân ở Madrid để dự một giải giao hữu mừng 50 năm ngày thành lập Real Madrid. Millonarios vô địch giải đấu ấy và Di Stefano đã gây ấn tượng mạnh mẽ. Real rất muốn mua “Mũi tên bạc” nhưng Chủ tịch Alfonso Senior của Millonarios cho biết không bán được vì điều khoản ghi trong “Hiệp ước Lima”.

    Về phần mình, Di Stefano vẫn chưa biết gì nhiều về sự quan tâm của Real. Cuối năm 1952, Di Stefano quyết định rời Millonarios để về lại Buenos Aires và thậm chí đã nghĩ đến chuyện giải nghệ. Khi ấy ông đã 26 tuổi, muốn dành thời gian nhiều hơn cho 2 đứa con gái cũng như coi sóc đồn điền mà bố ông vừa tậu được. Ngoài ra ông cũng ngán lịch trình giao hữu xoành xoạch của Millonarios do bị chứng bệnh sợ bay.

    Phong độ đỉnh cao kéo dài một thập kỷ của Di Stefano đã góp phần đưa Real Madrid trở thành một thế lực của bóng đá Tây Ban Nha và châu Âu với 8 chức vô địch giải quốc nội, 5 chiếc Cúp C1 và quan trọng nhất đã mở ra một triều đại huy hoàng cho đội bóng.

    Millonarios không muốn làm khó ngôi sao của mình. Họ chấp nhận trả luôn cho Di Stefano 4.000 USD tiền lương trong phần hợp đồng còn lại đến 1954. Cũng trong thời gian này, Di Stefano đón tiếp một phái đoàn đến từ Barcelona. Khi ấy ngôi sao số 1 của Barca là Laszlo Kubala bị bệnh phổi, có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp. Chủ tịch Marti Carreto buộc phải tức tốc tìm ngay một sự thay thế và Di Stefano là người ông muốn chiêu mộ.

    Ông bố của Di Stefano khuyên con mình nên trở lại với bóng đá. Ngoài ra ở Tây Ban Nha các đội di chuyển bằng tàu hỏa thay vì máy bay nên Di Stefano cũng không có gì phải e ngại. Ông quyết định nhận lời và Barcelona đã trả 4 triệu peseta (đơn vị tiền tệ Tây Ban Nha) lúc bấy giờ cho River Plate. Ngày 22/5/1953, Di Stefano và toàn bộ gia đình cập bến Barcelona. Nhưng thời gian ấy, có 2 sự cố xảy ra:

    1. Sức khỏe Kubala hồi phục hoàn toàn. Barca lại vô địch La Liga và chuẩn bị giành luôn Cúp Quốc gia. Nghĩa là họ không cần Di Stefano nhiều như trước đây nữa.
    2. Chủ tịch Alfredo Senior của Millonarios đã đệ đơn khiếu nại lên FIFA vì theo “Hiệp ước Lima”, Di Stefano trên giấy tờ vẫn thuộc sở hữu của Millonarios. River chỉ có lại quyền sở hữu ngôi sao này từ tháng Giêng 1955 mà thôi. Nghĩa là quyết định mua cầu thủ Barca là không có hiệu lực.



    Tức là Di Stefano tuy đã đến Barcelona rồi, nhưng ông không được cấp phép thi đấu cho Barca. Thời gian ấy Di Stefano thường xuyên gặp gỡ Kubala. Người ta còn giữ được bức ảnh 2 người cùng ngồi xem một trận đấu của Công nghiệp Espana (sau này trở thành Condal, một CLB kết nghĩa với Barca). 

    Tấm hình Di Stefano mặc áo Barca cũng xuất hiện trong thời gian này. Đấy là bức ảnh được lấy từ cuốn tạp chí Vida Deportiva. Trong bức ảnh ấy huyền thoại người Argentina đang khống chế một quả bóng, nhưng đấy là ông tạo dáng để chụp ảnh chứ không phải từ trận đấu nào cả.

    BARCA TỪ BỎ DI STEFANO
    Trong lúc Barca chưa biết phải giải quyết vấn đề pháp lý của vụ chuyển nhượng Di Stefano thế nào thì Chủ tịch Senior đã chủ động tiếp xúc với Real Madrid, CLB có quan hệ rất tốt với Millonarios vào thời điểm đó. Phía Real đồng ý trả 27.000 USD. Ở đây cần phải lưu ý một điểm mấu chốt: Nếu Martí Carreto chịu trả 27.000 USD cho Millonarios, Di Stefano chắc chắn đã trở thành cầu thủ Barca rồi, nhưng họ không làm thế.

    Và thế là một chuyện hi hữu đã xảy ra: Barca và Real đều có quyền sở hữu Di Stefano nhưng lại không có ai được dùng ngôi sao này cả. Chủ tịch Barca lúc này cũng không còn mặn mà với Di Stefano nữa nên đã gạ bán 50% quyền sở hữu Di Stefano cho Juventus mà không hỏi qua ý kiến của ông. Juve cũng thừa khôn ngoan để từ chối. Không bán được, Barca đành trở lại Argentina và yêu cầu River Plate trả lại 2 triệu peseta tiền cọc và họ tiếp tục nhận được một cái lắc đầu.

    Lúc này, FIFA đành phải vào cuộc. Họ chỉ định Armando Munoz Calero làm hòa giải. Đấy là lúc “Phán quyết Salomone” ra đời: Di Stefano đá cho Real 2 mùa 1953/54 và 1955/56 rồi sẽ chuyển sang Barcelona đá 2 mùa 1954/55 và 1956/57. Sau đó 2 CLB sẽ tự quyết định hướng giải quyết tiếp theo.



    Nghĩa là từ mùa Hè 1953, Di Stefano đã là người của Barca rồi. Đến ngày 25/10/1953, trước thềm trận El Clasico trên sân Chamartin, chính Barca đã đặt bút ký vào bản hợp đồng tử bỏ quyền sở hữu Di Stefano và nhận khoản phí 4,4 triệu peseta từ Real Madrid. Họ làm việc này vì Kubala đã bình phục hoàn toàn và không muốn kéo dài rắc rối, không hề có bất kỳ tác động nào từ phía nhà độc tài Franco.

    Và quyết định ấy làm thay đổi hoàn toàn lịch sử. Ngay trong trận đấu sau đó, Di Stefano đã lập cú đúp giúp Real đánh bại Barca 5-0, báo hiệu một cuộc đổi dời lịch sử.

    Hiệp ước Lima là gì?
    Trong thập niên 1950, nền bóng đá Colombia khi ấy hãy còn lộn xộn và cho phép các CLB được ký hợp đồng với những cầu thủ bên ngoài đất nước mà không trả phí chuyển nhượng. Vì việc này mà giải vô địch Colombia từng bị gọi là “giải đấu của cướp biển”. Di Stefano về Millonarios chính là một ví dụ. 

    Nhưng ký hợp đồng đơn phương với cầu thủ mà không thông qua CLB chủ quản của họ là phạm luật FIFA nên tổ chức này cấm Colombia tham dự các giải đấu quốc tế, kể cả giao hữu, ngày ấy là nguồn thu chính của các CLB vì chưa có bản quyền truyền hình.

    Vì án phạt này quá nặng nên cả Colombia và FIFA sau đó đi đến một thỏa thuận nổi tiếng gọi là “Hiệp ước Lima”. Dưới hiệp ước này, các CLB Colombia được phép sử dụng cầu thủ mà họ đã ký đến hết hợp đồng rồi phải trao trả lại cho CLB cũ. Nghĩa là Millonarios được dùng Di Stefano nhưng không có quyền chuyển nhượng.
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội