Bóng Đá Plus trên MXH

Giọt nước mắt World Cup & cuộc đời bí ẩn của Jong Tae-se
LÂM PHONG • 14:27 ngày 15/06/2019
Ngày 15/6/2010, màn cử quốc ca trận đấu giữa Triều Tiên và Brazil trở nên vô cùng đặc biệt và đáng nhớ với hình ảnh tiền đạo Jong Tae-se vừa hát quốc ca vừa đầm đìa nước mắt. Khi tìm hiểu về cuộc đời của Jong Tae-se, truyền thông thế giới mới vỡ ra nhiều điều vô cùng thú vị.

    Bố mẹ người Hàn, sinh ra ở Nhật, nhưng đá cho Triều Tiên

    Ngày CHDCND Triều Tiên giành quyền lọt vào VCK World Cup 2010, thế giới hỏi nhau: Những chàng trai này đến từ đâu? Triều Tiên là một quốc gia bí ẩn, và sự bí ẩn ấy vây quanh cả những cầu thủ góp mặt tại VCK World Cup năm đó. Tuy nhiên, thế giới đặc biệt chú ý tới chàng trai mang tên Jong Tae-se.

    Theo trí nhớ của một vài phóng viên thì Jong Tae-se có thể giao tiếp khá tốt bằng tiếng Anh. Ngay từ đầu Jong đã đặc biệt hơn người qua cách đồng đội gọi tên anh. Có người gọi Jong Tae-se là Chong Tese, người lại gọi là Jeong Dae Se hoặc Jung Dae Se. Dĩ nhiên, cái tên được gọi nhiều nhất cũng là tên sẽ được dùng trong bài viết này: Jong Tae-se.

    Khi đào sâu vào lý lịch của Jong Tae-se, truyền thông càng bất ngờ khi biết cầu thủ này lại trưởng thành từ một đội bóng của… Nhật Bản thay vì Triều Tiên như các đồng đội khác. 

    Jong Tae-se sinh ra ở vùng Nagoya của Nhật Bản. Giống như bao đứa trẻ Nhật khác, Jong đi học, nhưng nơi anh theo học là một ngôi trường rất đặc biệt. Đó là ngôi trường nhận vốn viện trợ của… Triều Tiên. Những ai từng xem qua bộ phim tên “GO!” sẽ hiểu hơn về những trường học kiểu này. Những đứa trẻ như Jong được gọi bằng cụm từ zainichi - những người Hàn ở Nhật Bản. 

    Jong Tae-se sinh ra ở Nhật Bản, nhưng lại chọn khoác áo ĐT Triều Tiên
    Jong Tae-se sinh ra ở Nhật Bản, nhưng lại chọn khoác áo ĐT Triều Tiên

    Ngoài kiến thức thông thường, những đứa trẻ học trường này còn được dạy phải dành tình yêu cho đất nước Triều Tiên, được học lịch sử Triều Tiên. Không rõ có phải được dạy về tình yêu với Triều Tiên từ tấm bé mà Jong lại chọn thi đấu cho ĐTQG Triều Tiên thay vì Hàn Quốc hay Nhật Bản hay không? Con đường mà Jong đi qua giống hệt với bố của anh. Cả bố lẫn mẹ của Jong đều là người Hàn Quốc, nhưng cụ của Jong lại được đào tạo ở Triều Tiên. 

    Coi Triều Tiên như “cha mẹ”

    Vậy tại sao một cầu thủ thi đấu cho ĐT Triều Tiên, bởi một cặp vợ chồng người Hàn Quốc lại được sinh ra ở Nhật Bản? Điều này liên quan tới cuộc hành trình của… bà ngoại Jong. Năm 1932, bà ngoại Jong rời Hàn Quốc di cư tới tỉnh Aichi, Nhật Bản để làm việc cho một xưởng dệt. 

    Sau khi lập gia đình với một người đàn ông Nhật Bản và có được quốc tịch Nhật, bà của Jong quyết định lập nên một ngôi trường dạy tiếng Hàn cho trẻ con Hàn. Ngôi trường này 2 lần bị đóng cửa. Tuy nhiên, rốt cuộc người phụ nữ kiên cường này vẫn thành lập được một ngôi trường dạy tiếng Hàn. Đất nước Hàn Quốc vào thời điểm đó phủ nhận ngôi trường này, nhưng Triều Tiên lại quyết định tài trợ vốn. Cả 5 người con của bà ngoại Jong, bao gồm mẹ của anh, cũng theo học ngôi trường này. 


    Bà của Jong năm nay đã 93 tuổi. Khi kể lại cuộc đời kỳ lạ của cháu trai, bà vẫn còn rất nhớ rằng Jong Tae-se thường xuyên nói về “tình yêu tổ quốc” dành cho Triều Tiên. Anh gọi Triều Tiên là “cha mẹ”. Đó là lý do chàng trai này quyết định khoác áo ĐTQG Triều Tiên và bật khóc vào thời điểm lá cờ tổ quốc bay trên bầu trời World Cup.

    Theo người đồng đội Ahn Yong Hak - một trong những zainichi giống như Jong trong ĐT Triều Tiên - thì rất nhiều cầu thủ Triều Tiên sẵn sàng cống hiến hết mình cho đội tuyển bóng đá nước này và cảm thấy vô cùng tự hào, dù đôi khi họ cũng cảm thấy bối rối. Coi Triều Tiên như cha mẹ, nhưng họ cũng không thể chối từ quê hương Hàn Quốc của bố mẹ và càng không thể phủ nhận Nhật Bản - nơi bản thân sinh ra và lớn lên. Cũng chính vì vậy mỗi khi Jong được hỏi những câu hỏi liên quan tới cá nhân, anh thường xuyên từ chối trả lời hoặc đưa ra những câu trả lời vô cùng… xã giao.

    HỒ SƠ JONG TAE-SE
    Tên đầy đủ: Jong Tae-se
    Ngày sinh: 2/4/1984
    Nơi sinh: Nagoya, Nhật Bản.
    Chiều cao: 1m81
    Vị trí: Tiền đạo
    Sự nghiệp CLB: Kawasaki Frontale (2006-2010), Bochum (2010-2012), Cologne (2012-2013), Suwon Bluewings (2013-2015), Shimizu S-Pulse (2015-nay). 
    Sự nghiệp quốc tế: ĐTQG Triều Tiên (2007-2014). Đá 33 trận, ghi 15 bàn thắng. 

    Thần tượng Drogba, nhưng bị gọi là… Rooney
    Trong nhiều bài trả lời phỏng vấn, Jong Tae-se luôn tự nhận bản thân có phong cách thi đấu giống Voi rừng Didier Drogba (ảnh) và cựu tiền đạo Chelsea cũng là thần tượng của anh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng biệt danh của Jong Tae-se lại là “People’s Rooney”, hay đơn giản là Rooney Triều Tiên. Jong Tae-se có biệt danh này là vì anh trông khá giống với Rooney về khuôn mặt.

    Jong Tae-se nói được… 5 ngôn ngữ
    Thời thi đấu cho Kawasaki Frontale, một đồng đội người Brazil đã dạy Jong Tae-se tiếng Bồ Đào Nha trong 2 năm. Trong 3 năm chơi bóng tại Đức, Jong học thêm tiếng Đức. Để chuẩn bị cho thời gian thử việc tại Blackburn, Jong từng bỏ ra 1,5 năm học tiếng Anh. Như vậy, Jong Tae-se có thể nói được tiếng Bồ Đào Nha, Đức, Anh và tất nhiên là cả tiếng Hàn và tiếng Nhật.
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội