World Cup 1978 biến Argentina thành miền đất hứa của bóng đá thế giới. Đội bóng của HLV Cesar Luis Menotti lên ngôi vô địch thế giới còn Mario Kempes trở thành ngôi sao sáng chói. Mọi con mắt đều đổ dồn về Argentina, nền bóng đá sản sinh ra vô số tài năng. Và những người Anh không thể đứng ngoài cuộc.
Mùa Hè 1978, 3 CLB bao gồm Tottenham, Sheffield United và Arsenal cùng thu xếp một chuyến bay sang Argentina săn lùng ngọc thô. Nhưng vào phút chót, Arsenal bỏ cuộc. Người thay thế Terry Neill (HLV trưởng Arsenal) là Tony Pritchett (cây bút kỳ cựu của tờ Sheffield Star). Phía Sheffield United có HLV trưởng Harry Haslam và giám đốc John Hassell còn Tottenham cử HLV trưởng Keith Burkinshaw. Cùng ngồi một chuyến bay nhưng 2 CLB đều có một sự cạnh tranh ngấm ngầm trong công cuộc đãi cát tìm vàng tại xứ sở của vũ điệu Tango.
Và Tottenham đã đánh bại Sheffield United trong 2 phi vụ quan trọng nhất. Ricky Villa và Ossie Ardiles, 2 cầu thủ vừa lên ngôi vô địch World Cup 1978 cùng ĐT Argentina đã được Sheffield United tiếp cận trước song không hiểu bằng cách nào Tottenham mới là đội ký được hợp đồng với bộ đôi này. Một trong những lý do là bởi Tottenham vừa giành vé trở lại hạng đấu cao nhất nước Anh, trong khi Sheffield United lúc đó chỉ chơi giải hạng Nhì.
Nỗi thất vọng vì vồ trượt hai nhà vô địch World Cup buộc Sheffield United hành động khẩn trương hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Haslam ký hợp đồng với ngôi sao của giải vô địch Argentina là tiền đạo Pedro Verde từ Estudiantes (Verde là chú ruột của tiền vệ lừng danh Juan Sebatistian Veron).
Sau khi có Verde, Haslam chưa vội bay về nước Anh. Vị HLV trưởng Sheffield United muốn nhiều hơn ở một cầu thủ Argentina, một người sở hữu kỹ thuật nổi trội đậm chất Nam Mỹ. Theo lời giới thiệu của một chuyên gia bản địa, Haslam tới đại bản doanh của CLB Argentinos Juniors nằm ở ngoại ô Buenos Aires để xem giò cẳng của một tài năng 17 tuổi có tên Diego Maradona.
Và Haslam lập tức bị mê hoặc bởi kỹ thuật và tốc độ của chàng trai trẻ có vóc dáng thấp đậm. “Bằng mọi giá tôi phải đưa anh chàng này về Anh”, Haslam nói với Giám đốc John Hassell. Maradona lúc đó đã là một tài năng nhiều hứa hẹn ở giải vô địch Argentina tuy nhiên còn rất xa lạ với bóng đá châu Âu. Tiền đạo 17 tuổi ghi tới 26 bàn sau 35 trận ở giải VĐQG, đoạt danh hiệu Vua phá lưới mùa giải 1978. Tiếc rằng cầu thủ của Argentinos Juniors không có mặt tại World Cup 1978 tổ chức trên sân nhà vì HLV Cesar Luis Menotti cho rằng Maradona còn quá trẻ.
Sau cuộc gọi về Anh để được bật đèn xanh, Haslam và Hassell đặt lên bàn đàm phán 150.000 bảng. Phía Argentinos Juniors không có cơ hội từ chối số tiền khá lớn cho một cầu thủ mới 17 tuổi. Tưởng như Maradona sẽ lên máy bay cùng Haslam để trở về Anh thì biến cố xảy ra chỉ vài giờ sau đó. Sau bữa ăn tối, Haslam nghe thấy tiếng gõ cửa phòng khách sạn. Một người đàn ông bước vào tự xưng là nhà chức trách địa phương. Ông ta yêu cầu phía Sheffield phải nộp một khoản tiền tương tự giá chuyển nhượng của Maradona cho chính quyền nếu muốn quân đội để cầu thủ 17 tuổi ra khỏi đất nước (Argentina giai đoạn đó nằm dưới chế độ độc tài quân sự).
Chi thêm 150.000 bảng không phải vấn đề lớn với người Anh. Nhưng họ ngạc nhiên vì vụ chuyển nhượng bị chính trị can thiệp. Việc phải hối lộ một ai đó để ký hợp đồng với một cầu thủ không phải là điều người Sheffield muốn dính líu. Rốt cuộc, Haslam không chấp nhận đề nghị. Dù rất tiếc nuối vì không thể có được Maradona, vị HLV trưởng Sheffield United đành lên máy bay về nước.
Maradona tiếp tục ở lại Argentinos Juniors tới năm 1980 trước khi tới Boca Juniors và lần đầu tới châu Âu vào năm 1982 trong màu áo Barcelona. Bánh xe lịch sử có thể đã xoay theo hướng khác nếu mùa Hè 1978 đó, Sheffield United mang được Cậu bé vàng về xứ sương mù.
91. Diego Maradona từng 91 lần khoác áo ĐT Argentina (34 bàn thắng), xếp thứ 10 trong số những cầu thủ khoác áo Albiceleste nhiều nhất. Sabella là kẻ đóng thế của Maradona Leeds cũng vồ hụt Maradona |
XEM THÊM
Thêm một cầu thủ tại Premier League dương tính với Covid-19