Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Big story
Paul Pogba - Nạn nhân cuộc khủng hoảng bản sắc của M.U
 

Paul Pogba - Nạn nhân của cuộc khủng hoảng bản sắc của Man United

Tài tử gạo cội George Clooney gắn chết với serie “11 tên cướp thế kỷ”, bộ phim khiến tên tuổi George Clooney vang danh khắp toàn cầu với vai trò thủ lĩnh. Giống hệt Man United vậy. Nhưng sẽ thế nào nếu đó là “25 tên cướp thế kỷ”? Đó là sự chơi chữ giữa tựa phim “Ocean’s eleven” và cơ số cầu thủ gồm 25 người của một CLB. Đảng cướp đó sẽ toàn những ngôi sao bự như Paul Pogba, theo mơ ước của Man United?
 

“Đảng 25 tên cướp George Clooney”. Nghe có vẻ như bộ phim hài lãng mạn tồi tệ nhất chưa từng được thực hiện. Trên trên thực tế, cái tựa này đã được sử dụng bởi Richard Arnold, giám đốc điều hành của Man United một vài năm trước, khi ông ta cố gắng giải thích sự hấp dẫn toàn cầu của CLB này.

Richard Arnold đã nói một vài điều như thế trong những năm qua. Có lúc, ông tuyên bố tầm ảnh hưởng của Quỷ Đỏ đã lớn hơn tầm ảnh hưởng của tài tử Vin Diesel trên truyền thông và mạng xã hội của và khiến danh ca - diễn viên Rihanna phải tắt điện về mặt danh tiếng.

Cũng có thời điểm, ông ta vui vẻ tiết lộ rằng, thương vụ bom tấn chuyển nhượng kỷ lục của Paul Pogba tới Man United năm 2016 đã kích hoạt số lần tương tác trên các trang mạng xã hội của Man United nhiều hơn 10 lần so với thương vụ Kevin De Bruyne đến Man City.

Phải dùng một câu thoại kinh điển của nhân vật David Brent trong serie phim truyền hình giả tài liệu có tựa là “The Office” mới diễn tả được vị thế vô đối của Man United: “Xàm le vãi chưởng”.

Chính Richard đã nghĩ ra cái gọi là “Đảng 25 tên cướp George Clooney” vào năm 2012, khi Sir Alex Ferguson vẫn cai trị Quỷ Đỏ bằng nắm đấm sắt, sự kìm kẹp giống như Richard cảm thấy không chỉ ở Old Trafford mà ở trong toàn bộ nền bóng đá Anh.

Quan điểm của Richard khi đó, với vai trò là giám đốc thương mại, Man United không cần phải ký hợp đồng với những cầu thủ để bán hàng hóa hoặc thu hút các nhà tài trợ ở các thị trường mới nổi, cho dù đó là Chicharito của Mexico hay Park Ji Sung của Hàn Quốc hoặc Paul Scholes của Greater Manchester.

“Chúng tôi có 25 cầu thủ lớn và họ đều là những đại minh tinh. Chúng tôi có 25 George Clooney”. Câu nói đó đã ám ảnh rất nhiều trong 6 năm rưỡi kể từ khi HLV Ferguson nghỉ hưu, David Gill từ chức giám đốc điều hành và Man United bắt đầu cảm nhận sự sở hữu toàn quyền của gia đình Glazer.

Việc Sir Alex “rửa tay gác kiếm” đã khiến sự tự mãn của CLB cũng bốc hơi do thời kỳ hậu Alex Ferguson, CLB này thiếu một kế hoạch chuyển giao quyền lực, kế nhiệm cho người có chuyên môn. Tất cả rơi vào tay đám chuyên gia tài chính, giỏi làm thương mại như Ed Woodward và Richard Arnold, những kẻ phải chịu trách nhiệm chính cho việc CLB bị nhấn chìm trong khủng hoảng về mặt thành tích.

“Tôi không thích thực tế là trong danh sách 25 cầu thủ đề cử cho danh hiệu Quả Bóng Vàng, Man United chỉ có Robin van Persie và Wayne Rooney. Không thể thế được, vì tôi biết có nhiều siêu sao ở La Liga thèm khát đến Man United. Chúng ta phải là CLB trong mơ của mọi cầu thủ”, Ed Woodward “chém gió” trong một cuộc trả lời phỏng vấn của một hội nhóm CĐV có tên United We Stand, ngay sau khi tiếp quản chức phó chủ tịch điều hành.

Woodward đã cố gắng để có được những cầu thủ tốt nhất: Gareth Bale, Toni Kroos, Cristiano Ronaldo, Thiago Alcantara, Edinson Cavani, Thomas Muller và nhiều người nữa trong 12 tháng đầu tiên nắm quyền lực ở Man United. Nhưng kết quả thì sao?

Cuối cùng, vào mùa Hè thứ hai, ông ta anh đã đưa về một siêu sao vào mùa hè thứ hai, trị giá 59,7 triệu bảng. Đó là Angel di Maria từ Real Madrid, và sau đó thổi bay Man City ra khỏi cuộc đua giành giật Radamel Falcao từ Monaco (theo dạng cho mượn dùng thử). Cả hai thương vụ đã được thổi phồng và thất bại thảm hại. Tương tự là thảm hoạ Bastian Schweinsteiger đến từ Bayern Munich một năm sau đó.

Trong ngày tháng vinh quang của Man United, chắc chắn phải có đóng góp của những cầu thủ ngôi sao nhưng họ hiếm khi đầu tư vào những tài năng hạng A đã trưởng thành. Giống như Pep Guardiola hay Jurgen Klopp bây giờ, Sir Alex thích ký hợp đồng với những cầu thủ đói khát vinh quang.

Rooney và Cristiano Ronaldo sẽ nằm trong số mục tiêu ưa thích của Sir Alex, được chiêu mộ vào năm 18 tuổi và được trao mọi cơ hội để phát triển tốt trong một môi trường bóng đá hàng đầu. Thế nhưng, sau thời Alex Ferguson, truyền thống chiêu mộ khôn ngoan này biến mất.

Hầu như tất cả mọi thứ mà Man United đã làm trong giai đoạn đầu tiên của thời kỳ hậu Alex Ferguson đã khiến họ chứng kiến sự thất bại của các triều đại David Moyes, Louis van Gaal và Jose Mourinho bởi những vụ mua bán ngông cuồng. Các thương vụ mua Henrikh Mkhitaryan, Romelu Lukaku, Pogba và Alexis Sanchez… đều bị coi là ngây thơ, ngu ngốc, ngắn hạn và sai lầm tột độ. Không phải những gì lấp lánh đều là vàng.

Ngược lại, có rất ít những cầu thủ xứng đáng được coi là George Clooney trong đội hình hiện tại. Chắc chắn, đội hình này bao gồm rất nhiều bản hợp đồng đắt giá, như khi chứng kiến ​​họ bắt đầu năm 2020 với trận thua 0-2 trước Arsenal, với 4 hậu vệ: Aaron Wan-Bissaka, Victor Lindelof, Harry Maguire và Luke Shaw, với tổng giá trị là 190 triệu bảng.

Họ kết hợp với các tiền vệ trung tâm như Nemanja Matic (40 triệu bảng) và Fred (52 triệu bảng). Con số cuối cùng đem lại thật khủng khiếp: 282 triệu bảng chỉ cho 6 cầu thủ. Đắt đỏ nhưng không hiệu quả và không khiến cho Man United thi đấu mạnh mẽ như xưa. Nếu tính giá trị của toàn đội thì sự thất vọng còn lớn hơn nữa.

Và như thường lệ, hàng tiền vệ hiện nay của Man United là một tổ hợp lộn xộn đến mức khó tin, với những cá nhân không thể nắm bắt được ý tưởng của đồng đội. Chúng ta không nói đến Scott McTominay - mặc dù sự vắng mặt của tiền vệ trẻ này vì tổn thương dây chằng đầu gối đã khiến lối chơi của Man United giảm hiệu quả rõ ràng.

Ở đây, người cần nhắc đến chính là Paul Pogba, nhà vô địch World Cup 2018 và là một siêu sao đích thực, có sức thu hút, sự tinh tế và tài năng không thể nghi ngờ. Nhưng sự nghiệp của Pogba tại Man United đang đặt ra nhiều dấu hỏi cho mọi người.

Mùa hè 2019, sau 3 năm biến động, Pogba tuyên bố rằng anh cảm thấy đã đến lúc phải theo đuổi một “thử thách mới”. Cụm từ này cần được hiểu là “sân khấu mới” của Pogba bởi vì anh đã chán nản với những gì thu hoạch tại Nhà hát của những giấc mơ Old Trafford.

Anh đã quay lại nơi này vào năm 2016 và được Mourinho đặt vào vị trí “trái tim của CLB này trong thập kỷ tiếp theo và lâu hơn nữa”. Thế nhưng, Pogba chẳng thắng được thách thức nào tại đây cả. Bởi nếu có những thắng lợi đó, có lẽ Barcelona, ​​Real Madrid và Juventus đã lồng lộn tìm cách đưa Pogba ra khỏi Man United vào mùa Hè 2019.

Người ta có thể hiểu sự bất đắc dĩ của Man United vào mùa hè 2019 khi bị Pogba hoặc tay cò của anh ta là Mino Raiola gây áp lực. Nhưng đồng thời, lập trường của họ dường như dựa trên một phiên bản lý tưởng hóa của Pogba - người mà họ đã theo dõi khi cùng Juventus thống trị Serie A và cùng ĐT Pháp vô địch World Cup 2018 - chứ không phải là dựa vào thực tế.

Một mặt, HLV Ole Gunnar Solskjaer nói về việc thay đổi văn hóa của CLB, sẽ tái thiết đội bóng với những cầu thủ đói khát vinh quang, những người sẽ điên cuồng tập luyện và thi đấu hàng tuần. Nhưng mặt khác, ông lại nói về việc xây dựng một đội bóng xung quanh một ngôi sao, cho dù kẻ đó đã thi đấu như kẻ chết trôi suốt mùa giải trước và tuyên bố đòi ra đi vào 6 tháng trước. Solskjaer thực sự muốn gì?

Man United xưa nay vốn nổi tiếng với truyền thuyết kể về việc Sir Alex không bao giờ dung thứ cho những kẻ muốn ra đi. Chúng ta sẽ nghĩ đến David Beckham hay Cristiano Ronaldo. Nhưng truyền thuyết này không hoàn toàn đúng. Vào mùa Hè năm 1995, Ferguson cưỡi một chiếc xe máy chạy quanh đường phố Paris để cầu xin Eric Cantona ở lại Old Trafford.

Ông cũng đã cầu xin Ronaldo hãy ở lại trong 3 mùa Hè liên tiếp trước khi bán anh cho Real Madrid. Ông đã thực hiện một cách tiếp cận thực tế cho các tranh chấp công khai với Roy Keane và Wayne Rooney về mặt gia hạn hợp đồng. Nếu một cầu thủ đang thi đấu tốt thì nhất định Sir Alex sẽ nhún nhường hơn chứ không cứng rắn cực đoan như truyền thuyết kể.

Tuy nhiên, với Pogba, Man United đã có tất cả những vấn đề đau đầu khi xử lý một siêu sao (và người đại diện của anh ta), và đổi lại rất ít lợi ích. Điều đó xuất hiện trong phần lớn mùa giải trước - ngoài khoảng thời gian ngắn ngủi chứng kiến Pogba tràn đầy năng lượng sau khi Solskjaer tiếp quản Man United.

Điều này chắc chắn đã đúng trong hoàn cảnh này, khi mà Solskjaer đã xuất hiện nhiều dấu hiệu mệt mỏi không chỉ bởi những câu hỏi liên tục về chấn thương mắt cá chân của Pogba mà còn bởi việc cầu thủ này tự làm mình bị tổn thương để không phải thi đấu.

Mùa giải này, tính đến bây giờ, không có nhiều dấu ấn đến từ Pogba. Anh ta đã chơi trong 3 trận đấu đầu tiên tại Premier League: Một màn trình diễn tuyệt vời trong hiệp hai với pha kiến tạo cho Marcus Rashford ghi bàn vào lưới Chelsea; Một quả phạt đền đá hỏng ở trận gặp Wolves; Một sai lầm đáng báo động trong trận thua Crystal Palace tại Old Trafford.

Và anh ta dính chấn thương trong trận đấu thứ tư của mùa giải (gặp Southampton). Kể từ đó, Pogba chỉ thi đấu thêm 251 phút, mà 90 phút trong số đó ở trận đấu với Rochdale ở Carabao Cup.

Sau khi vắng mặt gần 3 tháng, Pogba đã trở lại từ băng ghế dự bị ở hiệp 2 trong trận thua 0-2 trước Watford vào ngày 22/12. Sự xuất hiện của Pogba khiến lối chơi của Man United khởi sắc hơn nhưng không thay đổi kết quả. Trận sau gặp Newcastle vào Boxing Day, nhưng Pogba cũng chỉ thi đấu nửa hiệp.

Và Pogba lại biến mất trong trận gặp Burnley 3 ngày sau đó. HLV Solskjaer cho biết vào thứ Ba vừa qua rằng, ông hy vọng Pogba sẽ có thể thi đấu trong chuyến làm khách của Arsenal, nhưng khi Man United bắt chuyến tàu đến London vào cuối ngày hôm đó, không ai nhìn thấy Pogba đâu cả.

Solskjaer đã nói với MUTV trước trận đấu tại Arsenal rằng Pogba cảm thấy không ổn với mắt cá chân và sẽ sớm trở lại. Vài phút sau, ông lại nói với BT Sport rằng đó là chấn thương mắt cá chân tái phát và sẽ phải nghỉ một thời gian dài. Trong một cuộc phỏng vấn sau trận đấu với BBC, Solskjaer khẳng định thời gian Pogba nghỉ sẽ là 3 hoặc 4 tuần, và “người của anh ta” còn khuyên “anh ta phẫu thuật”. Thật sự là hoang mang.

Chỉ có HLV của Man United mới biết thực sự là gì. Nếu đó là Alex Ferguson hay Mourinho, thông điệp sẽ rất rõ ràng. Nhưng những câu trả lời của Solskjaer lại rất mơ hồ và không nhất quán, từ cuộc phỏng vấn này đến cuộc phỏng vấn tiếp theo. Như thể ông ta liên tục phải chọn đáp án vậy.

Khái niệm “người của anh ta” dường như có sức ảnh hưởng đến Pogba hơn là đội ngũ y tế của Man United và nó phản ánh sự kém cỏi của những người có liên quan. Chúng ta cũng phải thắc mắc, tại sao CLB này không làm rõ câu chuyện của Pogba, tại sao vấn đề chấn thương của anh ta không được kiểm chứng bởi một bên thứ ba?

Những câu chuyện xung quanh chấn thương và phục hồi chấn thương của Pogba đã mơ hồ trong tất cả các mùa giải anh khoác áo Man United. Đó là lý do tại sao nhiều NHM của Man United không biết nghĩ gì khi họ xem video Pogba nhảy quanh sân bóng rổ Miami vào tháng 11; hoặc nhảy nhót tưng bừng trong đám cưới của anh trai Florentin ngay trước Giáng sinh hoặc thậm chí tham dự một trận đấu từ thiện ở Pháp vào cuối tuần qua - chỉ một ngày sau khi bỏ lỡ trận đấu tại Burnley.

Khi tất cả những điều này đã đi kèm với những câu trả lời đầy mâu thuẫn của Solskjaer, với những nỗ lực “đánh trống lảng, nói quanh co”, và tồi tệ hơn là những phát ngôn mới đây của Raiola khi thị trường chuyển nhượng mùa Đông mở cửa, đã cho thấy mối quan hệ giữa Man United và Pogba đã rất xấu.

“Bản thân tôi thấy vụ này bí ẩn theo kiểu vớ vẩn. Câu trả lời của ông Solskajer không đầy đủ và luôn hàm chứa nhiều khoảng mờ. Theo tôi, điều quan trọng là Pogba nên tự nói ra những gì cậu ta thực sự muốn. Ở lại hay ra đi, loanh quanh làm gì?”, Van Persie nói trên đài BT Sport sau khi nghe Solskjaer trả lời trước trận đấu.

Rio Ferdinand cũng đồng quan điểm với Van Persie: “Đây là một vấn đề lớn. Nếu tôi có thể nói chuyện với Pogba, tôi sẽ khuyên cậu ta hãy thẳng thắn như một thằng đàn ông trưởng thành. Tiếng nói của cậu ta sẽ được lắng nghe nhất, và đừng để tay đại diện phát ngôn hộ. Dẹp tay cò ấy sang một bên và thẳng thắn quan điểm với NHM, CLB và HLV”.

Nếu Pogba nhìn thấy tương lai của mình ở Man United, không nghi ngờ gì về việc anh ta sẽ bảo Raiola thương thảo hợp đồng mới. Sau đó, anh ta sẽ đăng lên trang Twitter một dòng Tweet đầy ẩn ý ví dụ như: Hãnh diện được đại diện cho @adidas trên toàn thế giới (adidas là tài trợ chính của Man United).

Nếu muốn cam kết với Man United, chắc chắn anh ta sẽ gạt đi những thông tin “gây chia rẽ giữa mình và Quỷ Đỏ”. Đúng thế, chứ không phải ngậm tăm mặc cho tay cò Raiola đi rêu rao khắp nơi rằng “Man United huỷ hoại cầu thủ” hay “Pogba cần một đội bóng như Juventus”, hay những sự xúc phạm kinh tởm khác.

Raiola dường như là một phần lớn của vấn đề. Rốt cuộc, chính tay cò quyền lực này đã đưa thân chủ Erling Haaland của mình đến Borussia Dortmund khi cho rằng Man United là CLB phi thực tế, không phù hợp với việc sở hữu chân sút người Na Uy này.

Trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2015 đến tháng 7 năm 2017, Raiola đã đưa không ít hơn 5 “gà vàng” của mình đến Man United: Sergio Romero, Zlatan Ibrahimovic, Mkhitaryan, Pogba và Lukaku. Đó là còn chưa kể đến những Juan Mata, Di Maria, Falcao, Schweinsteiger và Sanchez. Có vẻ như Woodward quá “gà” để cho Raiola và đám cò “chăn dắt”.

Trong một trong những cuộc phỏng vấn thú vị nhưng đầy khiêu khích của mình, Raiola nói với tờ Thời báo Tài chính vào tháng 10/2016 rằng: “Tại những CLB rõ tôi, đều có 3 hoặc 4 cầu thủ hàng ngon do tôi cung cấp. Bây giờ là tại Man United, trước đó là ở Juventus, Milan và PSG. Tôi như tư vấn thân cận của họ vậy”.

Không ai ở Man United sẽ chứng thực lời nói của Raiola, nhưng chắc chắn, đã có lúc tay cò này có ảnh hưởng lớn tại Old Trafford vào thời điểm cài được nhiều “gà” vào đội bóng. Tương tự, ông ta cũng đưa 4 thân chủ của mình đến AC Milan trong khoảng thời gian 2,5 năm ở đầu thập kỷ này.

Ibrahimovic đã thành công vang dội, nhưng Robinho và Mario Balotelli đều là hàng lởm giá cao, còn Bartosz Salamon thậm chí không được chạm chân vào bóng lần nào trước khi bị tống sang Sampdoria 6 tháng sau đó.

Thời kỳ đó trùng hợp với sự suy thoái bắt đầu manh nha ở AC Milan, một đội bóng thành công rực rỡ bắt đầu quen sống nhờ hào quang quá khứ, thích ký những BHĐ đình đám “để nổ” hơn là nghiêm túc tái thiết đội bóng. Nghe quen quen nhỉ, như những gì Man United đang trải qua vậy.

 

Đối với Man United, việc tái ký hợp đồng với Pogba, 4 năm sau khi để anh ta được Raiola đưa đi tự do khỏi CLB, cũng có ý nghĩa như một lời tuyên bố cực đoan. Thì đấy, chỉ có ta mới trả được khoản phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới như một ví dụ minh hoạ cho sức mạnh của CLB.

Vào thời điểm đó, các nguồn tin cao cấp tại Old Trafford đã tự chúc mừng mình khi đã nhồi vào đầu của Pogba và Raiola một ý tưởng rằng: Nếu đến Barca hay Real, Pogba sẽ ở trong bóng tối của Lionel Messi hoặc Cristiano Ronaldo. Nhưng tại Man United, anh sẽ là siêu sao ở trung tâm của một đội bóng mới xuất sắc.

Họ đã nói chuyện rất nhiều về cách họ sẽ giới thiệu thương hiệu Pogba. Video kèm theo hashtag #Pogback giống như một đoạn phim giới thiệu sản phẩm do adidas thực hiện vậy.

Và có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, khi cầu thủ và CLB đã cố gắng bơm thổi cho thương hiệu Pogba ở mọi sự kiện có giá trị. Hãy nhớ khi họ tung ra biểu tượng cảm xúc #Pogba ngay trước màn trình diễn tồi tệ trước Liverpool. HLV Mourinho, một người cực kỳ nghiêm khắc với các cầu thủ, cũng bắt đầu cảm thấy khó uốn nắn Pogba thành một tiền vệ có tinh thần đồng đội và kỷ luật hơn.

Đó là mâu thuẫn lớn của tất cả những vấn đề liên quan đến Pogba. Chúng ta sống trong thời đại của siêu sao, của sự tôn sùng cá nhân, nhưng ngày càng ít HLV sẵn sàng dung túng cho các tài năng nổi loạn trừ khi họ sẵn sàng hy sinh thân mình cho đội bóng.

Đối với Pogba, cuộc sống ở Old Trafford có vẻ khá khó hiểu. Một mặt, Quỷ Đỏ đã nồng nhiệt ôm lấy anh ta như một biểu tượng thương mại. Mặt khác, Mourinho luôn đòi hỏi phải làm việc chăm chỉ hơn, để hạn chế khuynh hướng cá nhân và làm những việc mà Pogba không bao giờ thực sự phải làm khi còn sát cánh cùng Andrea Pirlo, Arturo Vidal và Claudio Marchisio ở tuyến giữa của Juventus. Trên sân cỏ, ít nhất, kế hoạch của Man United cho Pogba chưa bao giờ đặc biệt rõ ràng.

Pogba đã từng mô tả sự trở lại Manchester của mình là “một câu chuyện hay”, nhưng bây giờ, câu chuyện này mang đầy tính cảnh báo. Nó giống như lời nói của Raiola mới đây: “Tôi sẽ không còn đưa ai đến đó nữa (Man United), họ cũng sẽ hủy hoại Maradona, Pele và Maldini”.

Nhưng có lẽ cũng bởi Man United đang từ bỏ thói quen xây dựng đội hình với những “hợp đồng đình đám” ở kỷ nguyên hậu – Alex Ferguson. Rõ ràng, trong 6,5 năm loạn lạc qua, Man United càng cố gắng xây dựng với những bản hợp đồng lớn như Mata, Di Maria, Schweinsteiger, Ibrahimovic, Mkhitaryan, Pogba, Lukaku, Sanchez… họ càng trôi dạt khỏi những truyền thống tốt đẹp nhất của CLB, vốn luôn luôn can đảm, dí dỏm, quyền mưu, ung dung tự tin hơn là nương nhờ vào những những tên tuổi lớn nhất.

Dưới thời HLVSolskjaer, Man United có xu hướng tìm kiếm những tài năng tự đào tạo, những cầu thủ tràn đầy khao khát, những tài năng chớm phát triển để hồi sinh đội bóng.

Họ đã chú trọng về tính cách của cầu thủ hơn là danh tiếng của anh ta; săn lùng và phân tích mục tiêu hơn là nghe lời “cò bơm thổi”. Tầm nhìn này thực sự đáng khen ngợi, ngay cả khi nó vẫn bị thất bại, ví dụ như vừa thua Dortmund trong trận chiến giành chữ ký của Haaland, một trong những mục tiêu hàng đầu của Solskjaer. Tất nhiên, thất bại này có tác động rất lớn của Mino Raiola, ông chủ của Pogba và Haaland.

Nhưng vấn đề là bây giờ, Man United đang cần sự hiện diện của những ngôi sao hàng đầu, với tài năng đã được chứng minh để hình thành nên bộ khung. Nhu cầu nghiêm túc này thậm chí còn mạnh mẽ hơn giai đoạn hậu Sir Alex. Họ cần 25 George Clooney và cầu thủ nào cũng là minh tinh hạng nhất ở vai diễn của mình.

Nhưng nhìn vào đội hình hiện tại, chúng ta có cảm giác chỉ toàn là George Formbys - một danh ca nhạc đồng quê - hơn là George Clooney để tạo nên một siêu phẩm bom tấn. Như những gì họ đã trình diễn trước Arsenal vào hôm 01/01/2020.

Man United đã không có sức hút, tầm nhìn và kỹ năng của Pogba trong một đêm mà các cầu thủ thi đấu quá chậm và dễ bị bắt bài. Làm thế nào mà Rashford hoặc Anthony Martial có thể được hỗ trợ bằng những đường chuyền sắc sảo, tinh tế và mạnh mẽ để biến thành cơ hội ghi bàn?

Đấy chính là điểm gây tranh cãi mạnh mẽ. Họ đã lãng phí những phẩm chất của Pogba, gần như trong suốt ba năm rưỡi qua, bất chấp khi anh ta thi đấu hay phải dưỡng thương. Phải, vào những đêm tuyệt vọng như tại Emirates, Pogba chính là người xuất hiện trong tâm trí mọi người, như một vị cứu tinh. Nhưng anh ta có còn muốn là một George Clooney giữa một dàn diễn viên quần chúng nữa không?

Dù là cầu thủ bóng đá có tài năng tuyệt vời, Pogba thực sự muốn kết thúc việc trở thành biểu tượng của Man United trong thập niên 2010, thay vì nổi lên như một nhân vật tài năng dẫn dắt Quỷ Đỏ ở thập kỷ mới. Anh ta chính là nạn nhân đáng tiếc của cuộc khủng hoảng bản sắc đã vùi dập một CLB vĩ đại ở một kỷ nguyên mà Man United khao khát sở hữu nhiều George Clooney nhưng lại không có đủ kiên thức để sống với những George Clooney.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bangdaday.com

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay