Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Ngoại hạng Anh, thiên đường tiền bạc
09:49 ngày 06/08/2016
Giải đấu nào nhiều đội bóng giàu nhất? Giải đấu nào nhiều HLV, cầu thủ hưởng lương cao nhất? Giải đấu nào giá vé vào sân đắt nhất? Giải đấu nào tiền thưởng cao nhất? Giải đấu nào chi mạnh tay nhất trên TTCN Hè 2016? Tất cả các câu hỏi đó đều có đáp án chung: Premier League. Giải đấu của nước Anh rõ ràng đang là thiên đường tiền bạc.

    Không đâu giàu như Ngoại hạng Anh 

    Premier League không sản sinh ra những nhà vô địch châu Âu, không còn là mảnh đất ươm mầm những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Các trận đấu ở xứ sương mù cũng không được đánh giá quá cao về chuyên môn. Tuy nhiên, riêng về tiền bạc thì Premier League là vô đối không phải tranh cãi. Giải đấu số một nước Anh thực sự là thiên đường tiền bạc, nơi sự giàu có và đắt đỏ không đâu bì kịp.

    Trong Top 10 CLB bóng đá giàu nhất thế giới thời điểm này thì Premier League chiếm tới quá nửa, với 6 gương mặt. Trong Top 10 cầu thủ đang hưởng lương cao nhất thế giới thì 5 người đang chơi bóng ở Anh, chiếm 50%. Còn nữa, Top 10 HLV lương đỉnh thế giới thì 5 là đang làm việc ở xứ sương mù. 

    Nói về tiền thưởng cũng không đâu bằng nước Anh. Mùa giải trước, á quân Arsenal kiếm được hơn 100 triệu bảng tiền thưởng các loại. Trong khi đó, nhà vô địch Serie A là Juventus cũng chỉ kiếm được 103 triệu bảng, tức chỉ ngang Arsenal. 

    Đội bóng được thưởng ít nhất ở Premier League 2015/16 là Aston Villa cũng đút túi 66,2 triệu bảng, nhiều gần bằng số tiền mà những ông lớn ở Serie A như Milan, Inter, Roma và Napoli thu về (hơn 70 triệu bảng). Tiền thưởng trung bình ở  Premier League mùa trước là 81,7 triệu bảng/CLB, gấp đôi con số tương tự ở Serie A (46) và La Liga (35).

    Những đội bóng nhỏ như Stoke cũng có cơ hội thành ông lớn
    Những đội bóng nhỏ như Stoke cũng có cơ hội thành ông lớn

    Kế đến, hãy xét về tiền lương. Hơn 20 năm qua, Premier League chứng kiến sự tăng trưởng khủng khiếp về lương bổng. Mùa 1992/93, lương trung bình ở giải đấu này là 24.934 bảng/người/mùa. Tính đến mùa 2014/15, thì lương bình quân/cầu thủ ở Premier League đã là 1,7 triệu bảng/mùa. Nếu tính cả tiền thưởng sẽ lên tới 2 triệu bảng, tức tăng 80 lần so với thời điểm Premier League mới ra đời. Dĩ nhiên, Premier League cũng là giải đấu có lương trung bình cao nhất thế giới. 

    Không chỉ lắm tiền, Premier League còn đắt đỏ khủng khiếp. Bằng chứng là giá vé bình quân xem cả mùa rẻ nhất ở giải đấu này mùa trước là 489 bảng/vé. Trong khi đó, giá vé xem cả mùa rẻ nhất ở Barcelona là 74 bảng. Cứ tưởng tượng thế này. Một cule muốn vào sân xem toàn siêu sao như Messi, Neymar, Luis Suarez chỉ cần bỏ ra 74 bảng. Trong khi đó, ở Anh thì một CĐV sẽ phải bỏ ra tới 489 bảng chỉ để vào sân xem “đội bóng tệ nhất lịch sử Premier League” là Aston Villa thi đấu.

    Nước Anh dẫn dắt cuộc chơi 

    Sự giàu có của Premier League phần lớn có được nhờ gói bản quyền truyền hình được bán với giá cắt cổ. Giai đoạn 5 năm đầu tiên khi giải đấu ra đời (1992-1997), tổng số tiền bản quyền truyền hình mà Premier League thu được (tính trên toàn thế giới) là 253,5 triệu bảng. 

    Giai đoạn 3 năm 2013-2016 là 5,5 tỷ bảng. Còn con số tương tự trong 3 năm tới (2016-2019) lên tới 8,7 tỷ bảng, tăng 58% so với giai đoạn 3 năm trước. Nghĩa là, sau 20 năm thì thu nhập từ bản quyền truyền hình toàn thế giới của giải đấu số một nước Anh đã tăng gần 40 lần. Ở La Liga, phần rất lớn miếng bánh truyền hình rơi vào túi Real Madrid, Barcelona. Điều tương tự cũng diễn ra ở Serie A, khi những đại gia như Juventus, Milan, Inter, Napoli cũng được chia nhiều hơn. 

    Thương vụ Pogba chứng tỏ đẳng cấp thượng lưu của Ngoại hạng Anh
    Thương vụ Pogba chứng tỏ đẳng cấp thượng lưu của Ngoại hạng Anh

    Nhưng ở Premier League, tiền bản quyền truyền hình được chia đều, không theo tên tuổi CLB. Bắt đầu từ mùa này, gói bản quyền truyền hình mới sẽ được giải ngân. Đội xuống hạng mùa 2016/17 được dự báo cũng sẽ đút túi cỡ 100 triệu bảng, tức bằng đội được thưởng nhiều nhất ở Premier League mùa trước là Arsenal. Bởi vậy, các đội bóng Anh đã giàu sẽ lại càng giàu thêm. 

    Sức mạnh tiền bạc khiến Premier League đang dẫn dắt cuộc chơi ở châu Âu. Thậm chí, họ đang thiết lập một chuẩn mực mới trên TTCN Hè 2016. Các đội bóng châu Âu giờ chỉ muốn đại diện xứ sương mù gõ cửa để có cơ hội đẩy giá chuyển nhượng. Vì thế mà Paul Pogba mới có giá 100 triệu bảng. 

    Leroy Sane 20 tuổi, cũng mới đá chính ở đội 1 Schalke được một mùa, cũng đã có giá 37 triệu bảng. John Stones, trung vệ chơi khá thất thường của Everton mùa trước, cũng được định giá tới 50 triệu bảng. Hoặc Romelu Lukaku cũng khiến Chelsea sẵn sàng móc túi 70 triệu bảng, đắt gần bằng vụ Tottenham bán Gareth Bale cho Real Madrid. 

    Cho đến thời điểm này, Premier League đã chi ra 600 triệu bảng trên TTCN Hè 2016, nhiều nhất thế giới. Và việc họ vượt qua cột mốc 1 tỷ bảng lần đầu tiên trong lịch sử chỉ còn là vấn đề thời gian. Châu Âu đang điên rồ lao vào vòng xoáy tiền bạc của Premier League.
    Minh Việt • 09:49 ngày 06/08/2016

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay