… Giá như
AFF Cup 2012 là giải đấu mà thành tích của ĐT Việt Nam tệ nhất trong lịch sử. Kể từ năm 1996 cho đến hiện tại, ĐT Việt Nam chỉ 2 lần không vượt qua vòng bảng AFF Cup. Đó là năm 2004 và 2012. Nhưng nếu ở năm 2004, ĐT Việt Nam còn có 7 điểm trước khi rời giải thì tại năm 2012, Công Vinh và các đồng đội ê chề rời Thái Lan với vỏn vẹn 1 điểm sau vòng bảng.
ĐT Việt Nam bị Myanmar cầm hòa 1-1 ở ngày ra quân. Mọi chuyện trở nên tệ hơn khi thầy trò HLV Phan Thanh Hùng thua 0-1 trước Philippines sau đó 3 ngày. “Chúng tôi biết cơ hội đi tiếp của ĐT Việt Nam khi đó đã rất khó”, HLV Phan Thanh Hùng hồi tưởng lại, “Nhưng tôi cũng động viên và nói với cầu thủ rằng hãy cố hết sức có thể khi gặp Thái Lan”. Nỗ lực của ĐT Việt Nam chỉ giúp chúng ta có một bàn danh dự của Văn Quyết, sau thất bại chung cuộc 1-3 trước chủ nhà bảng A là Thái Lan.
Giới truyền thông 9 năm trước dùng một câu nghiệt ngã nói về ĐT Việt Nam, đó là “ĐT Việt Nam tệ nhất trong lịch sử”. HLV Phan Thanh Hùng từ chức và phải viết giải trình lên đến 5 trang giấy. Nhưng cũng như ở thời điểm đó cho đến hiện tại, tức là sau gần 1 thập kỷ, HLV Phan Thanh Hùng vẫn nhận hết lỗi về mình. Dù rằng, đó là giải đấu mà theo giới chuyên môn, nhiều cầu thủ chơi không tốt.
“Nếu để nói về thất bại ở AFF Cup 2012, tôi cho rằng có hai nguyên nhân. Đó là lỗi chuyên môn của tôi và sự thiếu may mắn”, HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ với Bóng đá, “Đấy là lần đầu tiên tôi trở thành HLV trưởng ĐTQG. Vì thế, kinh nghiệm vẫn còn hạn chế. Tôi cũng rất tiếc khi ĐT Việt Nam không may mắn. Thật sự mà nói, ĐT Việt Nam đã có 2 tháng với công tác chuẩn bị có thể xem là được. Chúng ta còn thắng Malaysia khi đá giao hữu. Nhưng đúng ở thời điểm trước khi giải đấu diễn ra, ĐT Việt Nam mất 2 cầu thủ rất quan trọng với tôi. Đó là trung vệ Châu Lê Phước Vĩnh và tiền vệ phòng ngự Phạm Nguyên Sa. Tôi kẹt cả về số lượng người thay thế cho đến thời gian để có điều chỉnh. Giá như cả hai không bị chấn thương, tôi nghĩ mọi chuyện có thể sẽ diễn ra tích cực hơn với ĐT Việt Nam khi ấy”.
Bước ngoặt từ quả phạt đền
Trở lại với từng trận đấu của ĐT Việt Nam tại vòng bảng AFF Cup 2012. HLV Phan Thanh Hùng cho rằng, thời tiết khắc nghiệt ở Thái Lan khiến ĐT Việt Nam vốn đã không có sự chuẩn bị tốt về con người rơi vào tỉnh cảnh khó khăn khi thi đấu trên sân. “Tôi nhớ ở trận khai mạc, ĐT Việt Nam phải thi đấu với Myanmar trong điều kiện mưa và gió lớn. Áp lực phải thắng Myanmar càng đè nặng lên đôi chân các cầu thủ. Sai lầm dẫn đến quả phạt đền ở phút 53 là một bước ngoặt lớn. ĐT Việt Nam từ chỗ đang dẫn 1-0 bị đối phương gỡ hòa. Việc chỉ có được 1 điểm trước Myanmar đặt ra cho tôi một bài toán khó. Rồi đến trận đấu với Philippines, chuyện tương tự lại xảy ra. Mất hai trụ cột ở hàng thủ như tôi đã đề cập là Phước Vĩnh và Nguyên Sa ảnh hưởng rất lớn tới lối chơi chung của toàn đội. Thật sự rất buồn. Nhưng tôi cũng muốn khẳng định rằng, thất bại của ĐT Việt Nam ở giải đấu năm ấy vẫn là lỗi chuyên môn chứ không có vấn đề nào khác”, HLV Phan Thanh Hùng nói.
Cũng nói về giải đấu ấy, tiền đạo Lê Công Vinh - người hùng tại AFF Cup 2008 khi ghi bàn quyết định trước Thái Lan mang về chức vô địch lần đầu cho ĐT Việt Nam - đã không thể ghi được bàn thắng nào. Chia sẻ với báo giới thời điểm đó, Công Vinh cho rằng màn trình diễn thất vọng của anh không phải do chấn thương hay áp lực tâm lý. Nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ phong độ không thật sự tốt trong thời gian diễn ra giải. “Tôi nghĩ mình phải chấp nhận. Ðáng tiếc là sau 8 năm cống hiến, tôi đã có một giải đấu quá tệ và tôi luôn tự trách bản thân”, Công Vinh cho biết.
Cũng giống như HLV Phan Thanh Hùng, Công Vinh khẳng định thất bại của ĐT Việt Nam khi ấy là lỗi chuyên môn của một đội tuyển vốn đã không hay lại còn không may. Có thể, một số cầu thủ đã chơi không như mong đợi do áp lực về thành tích, khó khăn đến từ ngoại cảnh trên sân và những chấn thương đáng tiếc xảy ra đột ngột trước giải.
Trở lại với HLV Phan Thanh Hùng, sau giải đấu năm ấy, ông xin từ chức để trở lại làm HLV trưởng Hà Nội FC. Thực tế, trong bối cảnh không ai dám nhận trách nhiệm dẫn dắt ĐTQG sau khi HLV Falko Goetz rời “ghế nóng”, chính nhà cầm quân người Đà Nẵng đã mạnh dạn nhận lệnh “điều chuyển” từ Hà Nội FC sang ĐTQG Việt Nam. Và cũng chính ông, cho đến hiện tại, vẫn sẵn sàng đứng ra nhận hết trách nhiệm xoay quanh một giải đấu tệ của đội nhà.