BRUNO FERNANDES - Tôi mặn, tôi ngầu, tôi giỏi nhất nhì Man United

 
 

Mùa giải Premier League 2022/23 diễn ra trong tình cảnh khá phức tạp với ngôi sao Bruno Fernandes của Man United. Anh đã bị la ó, chế nhạo ở những trận đầu tiên, khi Man United thua bầm dập và rơi xuống đáy BXH. Song, bản chất hiếu thắng và ngang ngược của tiền vệ người BĐN này phớt lờ tất cả để theo đuổi con đường của mình. Trong quãng thời gian Man United tạm nghỉ thi đấu vài tuần, anh đã phơi bày bản chất gai góc và cứng rắn đó với mọi người.

 
 
 

ÁM ẢNH BỞI BÓNG MA QUÁ KHỨ

 

Trận đấu thứ hai của Man United ở mùa giải Premier League năm nay mới chỉ trôi qua 35 phút và bảng tỉ số hiện lên kết quả: Brentford 4-0 Man United. Những lạc quan từ chuyến du đấu tiền mùa giải dưới thời tân HLV Erik ten Hag đã nhường chỗ cho sự thất vọng sau khi MU thua liền hai trận theo những cách tồi tệ nhất.

Trên sân cỏ, dưới sự khắc nghiệt của ánh đèn sân khấu, giữa những cặp mắt giận dữ của các CĐV, cảm giác của Bruno Fernandes trong những thời khắc khó khăn đó như thế nào?

Tiền vệ mang áo số 18 chia sẻ: "Các anh có thể nhận thấy giữa chúng tôi và NHM là một bầu không khí ảm đạm. Sự tự tin mà chúng tôi vừa có được đã lại biến đâu mất. Chúng tôi không quá lo sợ, nhưng không cảm thấy có thể lấy lại quả bóng. Dường như bóng ma trong quá khứ đang hiện về. Và khi Brentford ghi bàn, năng lượng của toàn đội chạm đáy và không cách nào vực lên được".

Khi Fernandes đề cập đến "bóng ma từ quá khứ", mọi cầu thủ, nhân viên và CĐV của Man United đều biết anh nói tới điều gì. Là sự giày vò của mùa giải trước đầy sóng gió: Ole Gunnar Solskjaer bị sa thải, mất phương hướng dưới thời Ralf Rangnick, 6 trận thua liên tiếp trên sân khách ở Premier League vào cuối mùa giải, 6 lần Man United để thủng lưới 4 bàn trở lên trước các đối thủ Premier League.

"Sự tự tin là yếu tố quan trọng nhất trong bóng đá. Khi có được niềm tin của đồng đội, HLV, NHM, thì chơi bóng sướng lắm, chẳng may có chuyển hỏng một đường bóng cũng chẳng sao. Ngược lại, khi mắc sai lầm, tất cả mọi người…", khuôn mặt Fernandes trầm xuống, và anh cố diễn tả lại âm thanh rên rỉ không thể lẫn vào đâu được mà NHM bóng đá thường tạo ra khi nhìn thấy một đường chuyền hỏng.

Fernandes chỉ tay về phía đồng đội để ăn mừng

"Bạn có thể cảm nhận rất rõ. Nên khi vừa chuyền hỏng, chúng tôi phải ngay lập tức biểu lộ phản ứng. NHM sẽ đánh giá cao thái độ đó của cầu thủ. Vì thế, trước hết chúng tôi phải tin rằng mình có thể làm được điều gì đó. Thay vì cứ nhớ mãi về những sai lầm và việc làm ai đó thất vọng, cầu thủ phải nghĩ rằng: Hãy cố gắng nhiều hơn nữa!

Tôi nghĩ thế bởi vì tôi đã chơi hơn 400 trận đấu trong sự nghiệp. Có những trận đấu tồi tệ, có những trận đấu tuyệt hay, và cả những ngày bình thường. Cứ nghĩ về những gì mình đã làm tốt, cố gắng duy trì nó và loại bỏ những nghi ngờ về khả năng của bản thân".

Những nghi ngờ về Bruno Fernandes đang dần lắng xuống ở Old Trafford. Man United đã thắng 4 trận liên tiếp ở Premier League trước khi đám tang hoàng gia và Nation League làm gián đoạn giải đấu và tiền vệ này tỏ rõ sự tin tưởng vào phong cách mới mẻ của Ten Hag.

"Trước hết, ông ấy có một triết lý riêng, một phong cách riêng", Fernandes nói, "Bạn phải tuân theo các quy tắc của HLV. Ông muốn chúng tôi luôn tập trung vào trái bóng, khao khát những điều tốt đẹp, chiến đấu vì đội bóng và trở nên khó bị đánh bại. Ở buổi tập sau trận thua Brentford, tôi cảm thấy rằng Man United rồi sẽ làm được những điều khác biệt."

Số liệu thống kê cho thấy Brentford đã chạy nhiều hơn 13,8 km so với các cầu thủ của Man United trong 90 phút, và Ten Hag đã yêu cầu các cầu thủ chạy đủ quãng đường đó giữa trưa nắng tại Carrington. Chính ông cũng tham gia cùng các học trò để thể hiện sự "đồng cam cộng khổ", chứng minh cho các cầu thủ của mình rằng họ sẽ thắng và thua cùng nhau, và ai cũng phải chia sẻ trách nhiệm.

"HLV rất nghiêm khắc và tôi thích điều đó. Ông đã xây dựng nên kỷ luật của đội bóng, điều mà trong quá khứ chúng tôi đã không mấy để tâm đến. Mọi người phải ở chung trên một con thuyền. Đó là những gì Pep Guardiola và Juergen Klopp đã làm trong nhiều năm, bởi vì họ có sự ủng hộ lâu dài của CLB, được phép lựa chọn chuyển nhượng cầu thủ và xây dựng đội hình, điều thực sự quan trọng giúp họ gặt hái thành quả.

Tôi đã thấy trong một cuộc họp báo, HLV nói rằng chúng tôi không muốn làm việc với những cầu thủ chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, chúng tôi muốn có những cầu thủ phù hợp với những gì chúng tôi muốn làm. Đó là thứ CLB cần".

Nhà cầm quân người Hà Lan cho các cầu thủ xem lại hình ảnh và video về những điều họ đã làm không tốt ở giai đoạn tiền mùa giải và trong các trận đấu họ đã thua.

"HLV cho chúng tôi xem clip và chỉ dẫn cụ thể những điều cần thay đổi. Đó là điều tốt, bởi các cầu thủ cần thời gian để nắm bắt và phát huy tốt nhất ý tưởng của ông ấy. Theo thời gian, chúng tôi sẽ tự hình thành phản xạ và thể hiện tốt hơn ở các trận đấu. Nhưng màn so tài với Liverpool vẫn là một bài kiểm tra nặng đô.

Fernandes và Ten Hag trong lễ trao giải The Match Bangkok Century Cup sau khi đánh bại Liverpool

Chúng tôi biết các CĐV đã rất lo lắng trước trận đấu đó. Không ai nghĩ Liverpool sẽ thua. Không một ai đặt cược vào Man United. Chỉ có chúng tôi tin tưởng vào chính bản thân mình. Không ai khác có thể giúp chúng tôi giành chiến thắng trong trận đấu đó. Chúng tôi phải làm công việc của mình, hỗ trợ nhau, mang lại năng lượng tích cực và đòi hỏi lẫn nhau để tiến bộ.

Man United vẫn còn một số điểm cần cải thiện và HLV cần thời gian để tận dụng tối đa khả năng của chúng tôi. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu cùng với Ten Hag khi chúng tôi sát cánh bên nhau như một đội đích thực".

Fernandes hiện là một trong những cầu thủ quan trọng nhất của Man United. Anh đã đeo băng đội trưởng khi Harry Maguire không đá chính trong mùa giải này. Anh là một thành viên của nhóm lãnh đạo bao gồm thủ môn số một David de Gea và người dự bị Tom Heaton, và là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong phòng thay đồ.

 
 
 

MAN UNITED LÀ GIẤC MƠ
TRỞ THÀNH SỰ THỰC

 

Ten Hag đã làm gì để vực dậy United? Tâm trạng của Fernandes khi Solskjaer bị sa thải? Điều gì đã xảy ra dưới thời Rangnick? Anh ta có than vãn quá nhiều với trọng tài không? Có công bằng khi nói rằng anh chơi tốt hơn khi Cristiano Ronaldo không thi đấu? Tại sao Fernandes lại ký hợp đồng mới vào tháng 4 trong mùa giải tồi tệ nhất của CLB ở kỷ nguyên Premier League?

Vào ngày 30/1/2020, Bruno Fernandes gia nhập Man United từ Sporting Lisbon trong một hợp đồng ban đầu trị giá 47 triệu bảng, giá trị của vụ chuyển nhượng cuối cùng có thể tăng lên 67,7 triệu bảng khi tính thêm các khoản phụ phí bổ sung. Trước đó một tuần, ngay trên sân nhà, Man United đã để thua Burnley 0-2 ở Premier League.

Hai ngày sau đó, Fernandes có màn ra mắt ở trận hòa không bàn thắng trước Wolves tại Old Trafford. Man United đứng thứ sáu, kém Sheffield United và kém 14 điểm so với đội xếp thứ ba khi đó là Leicester City. Tuy nhiên, Fernandes đã ngay lập tức tạo ra tác động mạnh mẽ đáng kinh ngạc.

Bằng cá tính và tài năng của mình, Fernandes đã đưa Man United vượt qua nghịch cảnh và đội bóng của Solskjaer không thua thêm một trận đấu nào ở Premier League trong suốt mùa giải kéo dài do đại dịch đó. Fernandes đã ghi 8 bàn trong 14 trận ở Premier League và Man United đã vượt qua các đối thủ bao gồm Leicester và Chelsea để xếp thứ ba và giành suất tham dự Champions League.

Trong mùa giải 2020/21, mùa giải trọn vẹn đầu tiên của Fernandes, anh đã ghi 28 bàn thắng trên mọi đấu trường giúp Man United đứng thứ hai tại Premier League và vào chung kết Europa League. Theo Fernandes, các chuyên gia bóng đá Anh thường nói về việc các cầu thủ nước ngoài cần "một hoặc hai năm" để thích nghi với Premier League và trích dẫn những so sánh về anh và bản hợp đồng kỷ lục 72 triệu bảng của Arsenal, Nicolas Pepe từ Lille vào mùa hè 2019.

Dù bực bội với Sporting Lisbon nhưng Fernandes vẫn hoàn thành tốt vai trò của mình trước khi rời đi

Fernandes nói: "Pepe đã có một số trận đấu tồi tệ và mọi người đều nói cậu ấy cần thời gian để thích nghi, nhưng khi Bruno chơi tồi thì đó là do tôi than vãn quá nhiều hoặc không tập trung vào trận đấu. Đối với tôi, điều đó thật tốt, bởi nó có nghĩa là tôi đã sẵn sàng thi đấu ở Premier League và mọi người đòi hỏi rất nhiều từ tôi".

Trước khi chuyển đến Man United, không phải Fernandes chưa từng có cơ hội với bóng đá Anh. Tại Sporting, anh đã ghi 63 bàn sau 137 trận và được vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất của Primeira Liga trong cả hai mùa giải. Vào tháng 8/2019, Tottenham đã đưa ra một lời đề nghị không phù hợp với định giá của Sporting.

Fernandes nhớ lại: "Tôi đã muốn đến Premier League. HLV Mauricio Pochettino muốn tôi ở đó. Đó là một lời đề nghị tốt nhưng không hiểu sao Sporting lại từ chối". Phản ứng của Fernandes sau khi Sporting từ chối lời đề nghị của Spurs ra sao: "Chủ tịch Frederico Varandas đã nói chuyện với tôi nhưng ông ta chọn không đúng ngày. Đó là ngày sau khi họ quyết định từ chối lời đề nghị từ Tottenham và tôi đang rất tức giận. Nhưng HLV Marcel Keizer đã an ủi vì ông biết rằng giấc mơ của tôi là được chơi ở Premier League".

Vậy là Bruno Fernandes phải ở lại và thi đấu cho Sporting đến hết năm 2019 và chỉ thực sự có thể rời khỏi CLB ở kỳ chuyển nhượng mùa đông năm 2020. Nhưng Pochettino đã bị sa thải vào tháng 9/2019, sau khi Tottenham thất bại ở Premier League.

Vào tuần đầu tiên của năm 2020, Solskjaer và trợ lý Mike Phelan đã bay đến Lisbon để xem Fernandes thi đấu trên sân nhà trước Porto. Sporting thua 2-1, nhưng sau trận đấu Solskjaer đã nói với Fernandes rằng ông rất ấn tượng với tính cách mà anh đã thể hiện trên sân.

Fernandes chia sẻ: " Ole đã thực sự đến xem các trận đấu của tôi. Ông thấy tôi than vãn rất nhiều trong trận đấu với Porto - tôi đã cãi vã với đối thủ và cả với trọng tài nữa". Tiền vệ người Bồ Đào Nha mỉm cười: "Tôi sẵn sàng cãi cọ với bất cứ ai ngược ý, không phải với những người sát cánh với tôi. Ole đã nhìn thấy sự đam mê của tôi và muốn ký hợp đồng với tôi. Vào ngày tôi đến, ông đã nói: Hãy cứ là chính mình. Tôi biết cậu có thể làm gì với trái bóng nhưng tôi cũng muốn cậu trở thành thủ lĩnh như ở Sporting".

Trong những thời điểm tốt đẹp, sức mạnh cá tính của Fernandes không chỉ giúp ích cho đồng đội của anh ấy mà còn cho toàn bộ kế hoạch của Solskjaer. Tuy nhiên, khi Man United sa sút, người ta lại đặt câu hỏi liệu sự hiện diện trên sân của Bruno có phải là một trở ngại, thay vì một sự trợ giúp hay không.

 
 
 

MỘT BRUNO FERNANDES HAY
CÃI LỘN VÀ GẮT GỎNG

 

"Đó là con người của tôi. Những gì bạn thấy trên sân là một Bruno đam mê bóng đá, người sẽ không nhường nhịn bất kỳ ai. Tôi thậm chí có thể chiến đấu với ai đó trên sân cỏ dù đấy là bạn tôi. Wolves có nhiều cầu thủ BĐN nhưng nếu phải ăn chân chân, tôi vẫn sẽ làm. Tôi cũng sẵn sàng tranh cãi với họ. Đó chính là tôi. Có nhiều trận mà tôi im lặng thì chẳng ai nói gì cả. Về việc than vãn với trọng tài, thành thật mà nói…"

Bruno Fernandes tỏ vẻ bức tức…

Bruno Fernandes cũng nổi tiếng là "thánh" ăn vạ

"Tôi chơi cho Man United, vì vậy tôi biết tất cả các máy quay đều hướng về chúng tôi, nhưng cầu thủ nào ở Premier League cũng đều làm vậy. Ở Crystal Palace, (Wilfried) Zaha luôn rên rỉ với trọng tài. Y bị phạm lỗi và việc y than vãn với trọng tài, chuyện quá bình thường. Fernandinho ở Man City cũng thế. Y cũng than vãn với trọng tài suốt. Bernardo Silva, người mà ai cũng tưởng là trầm lặng, hoá ra cũng luôn tiến đến để tranh luận với trọng tài, có thể không theo cách dữ dội giống như tôi mà thôi."

Các trọng tài có ưa Fernandes hay không? "Một vài trọng tài thích tính cách của tôi. Họ đôi khi còn nói đùa về điều đó. Có vị đã nói với tôi: 'Bruno, khi MU thắng trận thì mày hoà nhã lắm. Còn khi thua hoặc hòa, trời ơi, mày cứ như cái nhọt ở mông tôi vậy'. Tôi thích như vậy. Tôi muốn trọng tài cảm thấy rằng tôi đang dồn ép ông ấy và luôn sẵn sàng tranh luận với ông ấy".

Tuy nhiên, có vài điều Fernandes muốn đính chính lại. "Mọi người cứ nói rằng tôi hay thể hiện thái độ tiêu cực với các đồng đội của mình. Điều đó hoàn toàn là giả dối. Nó chưa bao giờ xảy ra. Tôi có thể giơ tay để xin bóng và nói với đồng đội điều gì đó về hướng chuyền bóng, có thể hét vào mặt ai đó nếu y không chuyền bóng, không đưa ra quyết định tốt nhất. Đó là sự giận dữ bình thường".

Tuy vậy, nó có bình thường không khi đặt vào một bối cảnh căng thẳng, khi mà cả đội đang tìm cách giành chiến thắng? Chính ở đây, lối hành xử bản năng của Fernandes đối với đồng đội khiến anh trở nên nổi bật.

"Tôi không đòi hỏi bất cứ ai nhiều hơn bản thân mình," anh giải thích. "Tôi luôn nói với mọi người rắng nếu bất cứ lúc nào ông không muốn tôi nói chuyện với ông, hét vào mặt ông, không muốn tôi giúp đỡ ông, cứ nói với tôi và tôi sẽ im lặng với ông trong suốt trận đấu. Nhưng sau đó, đừng trách tôi không gào lên để động viên ông hay bảo ông chuyền bóng".

Fernandes kể về cuộc trò chuyện với Tyrell Malacia sau chiến thắng 1-0 trước Leicester City vào ngày 1/9 vừa qua. Ở một vài tình huống, hậu vệ trái của MU đã cố gắng giữ bóng trong khi Fernandes hoàn toàn rảnh rỗi ở phần sân bên kia.

"Tôi gào lên: Ty, chú chỉ cần ngẩng đầu lên và quan sát. Cậu ta không hiểu ý tôi và khá tức giận. Khi trận đấu hạ màn, tôi tiến đến để quàng vai cậu ta và giải thích: "Khi anh nói chuyện với chú, anh không hét vào mặt chú để xả giận hay tỏ thái độ một cách tồi tệ, anh chỉ muốn chú thay đổi cách chơi một chút." Và Ty đáp lại "Dạ xin lỗi đại ca, em hơi căng".

Trong một số trận đấu, Maguire sẽ hét vào mặt tôi và tôi đồng tình với anh ta. Chẳng hạn như trận đấu với Copenhagen ở tứ kết Europa League 2019/20. Chúng tôi đang phòng ngự và tôi cố gắng kiểm soát bóng. Tôi để mất bóng và anh ấy hét lên "Bruno, giữ bóng tốt vào". Tôi mệt mỏi và quặc lại: "Đừng có hét với tôi". Nhưng trong hiệp phụ thứ nhất, tôi đã xin lỗi anh ta vì chuyện đó.

Đôi khi đó là sự căng thẳng, niềm đam mê trong các trận đấu. Bạn đón bóng hụt, hoặc đồng đội không chịu chạy và cần có người tỏ thái độ. Đó là sự nhiệt thành và không ai muốn biến mổ đồng đội cả. Tôi không bao giờ thể hiện sự tiêu cực - chỉ khi tôi thấy ai đó không lựa chọn chuyền bóng ở tình huống 2 chống 1 với thủ môn.

Ví dụ, mùa trước, Jadon Sancho đã ghi một bàn vào lưới Chelsea. Trước mặt Edouard Mendy là Jadon và Rashford. Jadon đã rê bóng và vượt qua Mendy. Tôi đã nói với cậu ta: 'Jadon, ghi bàn ngon đấy và tôi rất vui vì điều đó. Nhưng lần sau, hãy chuyền cho Marcus nhé'. Và cậu ta đã tiếp thu ý kiến của tôi và đáp lại: "Yeah, yeah, anh nói đúng".

Có bao giờ anh từng làm như Sancho không, Bruno? Như mọi khi, tiền vệ số 18 có câu trả lời ngay lập tức.

"Có chứ! Tôi cũng đã làm điều tương tự với Mason Greenwood trong trận đấu với Brentford mùa trước. Khi thủ môn băng ra, nhiều lúc bạn không có thời gian để nhìn sang một bên và phải sút nhanh. Nhưng khi bạn đã dắt bóng cả quãng đường và biết thừa đồng đội ở bên cạnh, đừng nói với tôi rằng bạn không nhìn thấy y".

 
 
 

KHÔNG COI OLE GUNNAR SOLSKJAER
LÀ HLV BẤT TÀI

 

Vào ngày 20/11/2021, Man United đã bị đánh bại 4-1 trên sân của Watford. Kết quả này đến chỉ chưa đầy một tháng sau trận thua 5-0 trên sân nhà trước Liverpool, sự ra đi của Solskjaer là điều không thể tránh khỏi.

Khi trận đấu kết thúc, Fernandes cùng các cầu thủ Man United tiến về phía khán đài để cảm ơn khán giả đã đến sân Vicarage Road. Ngay khi đó, Fernandes nhận thấy một số fan MU thể hiện sự bất bình với Solskjaer. Anh ngay lập tức phản ứng và ra hiệu rằng CĐV nên hướng sự giận dữ của họ vào các cầu thủ hơn là HLV. Một ngày sau đó, câu lạc bộ xác nhận rằng Solskjaer sẽ phải ra đi.

Khi cuộc nói chuyện xoay quanh cựu HLV Man United, thái độ của Fernandes dần dịu đi. Sau tất cả Solskjaer là người đã đưa anh về và giúp anh thoải mái bằng những lời động viên: "Hãy cứ là chính mình". Fernandes mô tả Solskjaer là "một người tuyệt vời, luôn quan tâm đến tất cả mọi người và cố gắng làm mọi người hạnh phúc".

Fernnades cũng giải thích rằng hành động của anh để gạt những lời chỉ trích khỏi Solskjaer là một phản ứng bản năng: "Nếu để thua một trận đấu, tôi không thích việc một số HLV phát biểu rằng các cầu thủ đã không làm theo những gì tôi muốn. Nó không ổn vì chúng ta luôn ở chung một đội.

Sau trận Watford, một số người la ó ông ấy. Tôi không thích điều đó vì tôi cảm thấy sao không làm điều đó với chúng tôi? Chúng tôi là những người đã vào sân và thua trận. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy Ole cần ai đó giúp đỡ và bảo vệ. Tôi không muốn đổ lỗi cho một mình Ole mà muốn mọi người cùng chịu trách nhiệm.

Solskjaer đã từng động viên Fernandes rằng "Hãy cứ là chính mình"

Đó không phải là một giai đoạn tốt đẹp và không phải lúc nào Ole cũng gây ra vấn đè, bởi trước đó ông đã làm được những điều tuyệt vời.

Vào thời điểm đó, rõ ràng bạn phải coi ông như một HLV chứ không phải một cựu cầu thủ và tôi hiểu điều đó. NHM đã ứng xử rất tốt sau khi ông bị sa thải, họ vẫn hát vang những bài hát về Solskjaer và biết ơn ông. Vẫn còn đó khoảnh khắc của năm 1999 tại Barcelona. Ông CLB này. Khi phải nói lời chia tay với mọi người, Ole đã rất khó khăn mới có thể đưa ra thông điệp của mình với cả đội".

Vào đầu mùa giải trước, Man United đã bắt đầu thảo luận với Fernandes để gia hạn hợp đồng. 18 tháng đầu tiên của anh ở Manchester có rất nhiều điều thú vị và Quỷ Đỏ muốn anh thêm 5 năm nữa. Fernandes bắt đầu mùa giải với một hat-trick trong chiến thắng 5-1 trước Leeds, cùng ngày nhà vô địch World Cup 2018 Raphael Varane cập bến từ Real Madrid và Sancho cũng ra mắt Man United. Sau đó, vào ngày cuối cùng của tháng 8, Man United cũng tái ký hợp đồng với Ronaldo sau 12 năm.

Fernandes nhớ lại: "Có vẻ như đây có thể là mùa giải mà động lực của CLB thay đổi. Chúng tôi cảm thấy mình có thẻ đạt được điều gì đó lớn lao." Nhưng sự lạc quan của Fernandes và Man United không tồn tại được lâu. Rangnick đảm nhiệm vai trò HLV tạm quyền trong phần còn lại của mùa giải nhưng chỉ giúp MU thắng được 10 trong số 24 trận tại Premier League.

Fernandes nói: "Ralf nảy ra ý tưởng chơi bóng với cường độ cao và dồn ép đối thủ, phong cách quen thuộc của ông ấy ở giải Đức. Nhưng nó không hoàn thành công với chúng tôi bởi bầu không khí lúc đó không ổn cho lắm, sự tự tin thấp dần và mọi thứ đều đi xuống. Thật sự rất khó để bứt lên khi bạn đang rơi vào tình cảnh đó.

Không liên quan gì đến Ralf. Ông đã cố gắng hết sức và là một HLV giỏi với những ý tưởng hay, nhưng nó không phù hợp với tất cả mọi người. Điều này một phần do cả đội đã được xây dựng nên nhờ những ý tưởng của Ole, sau đó một HLV mới đến (với triết lý riêng của ông ấy). Đó có thể là sự nguyên nhân bởi mỗi HLV ở đây đều có ý tưởng khác nhau và đưa vào sân những cầu thủ khác nhau."

Khi phong độ của Man United đi xuống, Fernandes bắt đầu suy nghĩ về hướng đi của CLB. Ở tuổi 27, anh cần thêm thông tin trước khi quyết định cam kết tiếp tục cống hiến những năm tháng đỉnh cao cho Man United. Lần duy nhất trong sự nghiệp, Fernandes tích cực tham gia thảo luận với một CLB về một bản hợp đồng mới thay vì thông qua người đại diện để cung cấp rõ ràng tầm nhìn của họ.

Fernandes lo lắng về tương lai và anh nghĩ vị trí tạm quyền của Rangnick - thay vì một HLV dài hạn- là một vấn đề tiềm ẩn. Anh khao khát sự ổn định và mặc dù anh nói rằng không mong được cho biết trước tên của HLV tiếp theo, anh muốn chắc chắn mình nằm trong kế hoạch của HLV mới trước khi gia hạn - đó là quyết định vì tương lai và vì lợi ích của CLB.

Fernandes cho rằng Ragnick có ý tưởng hay nhưng vẫn đang kế thừa đội bóng của Solskjaer

Fernandes đã thảo luận với với giám đốc bóng đá John Murtough Murtough. Anh cũng đã có nhiều cuộc nói chuyện nhất với giám đốc kỹ thuật Darren Fletcher. "Tôi đã nói với họ cảm giác của mình. Tôi thấy ổn khi là một phần của CLB. Tôi muốn tạo sự ổn định cho bản thân, cho gia đình, nhưng cũng muốn cạnh tranh. Tôi muốn giành các danh hiệu và thi đấu với những người giỏi nhất".

Và CLB đã nói với Fernandes rằng Man United sẽ mất nhiều hơn một kỳ chuyển nhượng để có thể làm được điều đó. Fernandes chấp nhận thực tế mà CLB đã thẳng thắn đưa ra. "Tôi hiểu điều đó nhưng tôi sẽ ở đây trong 5 năm, và nếu chúng tôi có 3-4 năm được chiến đấu cho các danh danh hiệu và thách thức các đội bóng xuất sắc nhất, nếu chúng tôi có một đội hình giàu tính cạnh tranh, một HLV đến và tạo dấu ấn của ông ấy, tôi đồng ý.

CLB đã rất sòng phẳng và rõ ràng. Tôi tin tưởng họ. Tôi nghĩ rằng tôi đang nhận được phần thưởng của lòng tin vì CLB đã tạo được dấu ấn trên thị trường. Họ đã ký được hợp đồng với những cầu thủ nổi tiếng và tài năng. Bây giờ chúng tôi chỉ cần làm tốt công việc của mình trên sân cỏ nữa thôi".

 
 
 

AI CÓ THỂ KHÔNG BỊ CHỈ TRÍCH
KHI CHƠI CHO MAN UNITED?

 

Ngay cả Fernandes cũng vậy, dù anhh đã có 23 pha kiến tạo từ khi gia nhập Man United - chỉ kém mỗi Kevin De Bruyne của Man City. Tuy nhiên, trong mắt nhiều người thì lối chơi của tiền vệ 28 tuổi này khá thiếu cân bằng. Trước ý kiến cho rằng đôi khi chỉ cần chuyền đơn giản thay vì thực hiện một đường chuyền mạo hiểm, Fernandes bắt đầu đảo mắt một cách tinh quái.

"Ngồi xem bóng đá trên khán đài hoặc qua truyền hình, thật dễ dàng để nghĩ: Tại sao không làm thế này?", Fernandes nhún vai. "Nhưng trong trận đấu, bạn chỉ có một giây để suy nghĩ. Khi bạn cầm bóng, điều đầu tiên bạn phải nghĩ đến là làm thế nào để đưa bóng lên phía trước. Hãy tưởng tượng nào, một trung vệ chuyền bóng cho tôi. Tôi có thể chuyền cho hậu vệ phải một cách dễ dàng, nhưng 3 đối thủ sẽ áp sát y để lấy bóng. Vậy tôi nên làm gì? Châm ngòi một quả bom rồi quăng nó cho hậu vệ phải và bảo anh ta tự lo liệu à?

Tôi không mấy quan tâm đến sự chỉ trích. Công việc của tôi là tiếp đạn cho các tiền đạo. Khi bạn trải qua một mùa giải tồi tệ như năm ngoái, những lời bàn ra tán vào sẽ xuất hiện, kiểu như : À, thằng Bruno chơi bóng như hạch ấy. Và những lời đó vẫn tiếp tục xuất hiện đến bây giờ. Trong 2 trận đầu tiên của mùa này, tôi chuyền rất chính xác và không ai để tâm đến nó, bởi chúng tôi đã thua hai trận. Nhưng vấn đề là: Bruno không có kiến tạo, Bruno không ghi bàn.

Còn khi ghi bàn vào lưới Southampton, tỷ lệ chuyền bóng chính xác khá thấp và đó cũng chẳng phải trận đấu quá hay của tôi. Nhưng vì tôi có bàn thắng, mọi người lại phản ứng theo kiểu: Ồ, Bruno đã chơi một trận tuyệt vời. Đối đầu với Liverpool, tôi đã có một trận đấu ngon lành. Cả đội đã chơi một trận thực sự tốt. Chúng tôi đã giành chiến thắng và mọi chuyện được thổi phồng lên. Nhưng chúng tôi cũng đã mắc nhiều lầm trong trận đấu đó".

Fernandes có vẻ không phải một người tốt? "TẠI SAO? Tôi là một cầu thủ bóng đá trên sân cỏ. Bạn biết tôi là ai, tôi sống như thế nào mà nói như thế. Một ngày nọ, tôi đã xem một đoạn video mà Varane, khi được hỏi ai là cầu thủ hài hước nhất trong phòng thay đồ, anh ấy nói 'Bruno'. Tôi đoán hầu hết mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết Bruno là kẻ mặn nhất trong phòng thay đồ, bởi họ không biết tôi là ai và cách tôi đối xử với mọi người.

Tôi cư xử tệ với mọi người khi thua trận, OK. Tôi không phải người bạn tốt nhất khi tôi buồn bã và bực bội. Những lúc đó tôi không muốn nói chuyện với ai. Đó là con đường của tôi. Vì vậy, trở lại câu hỏi, nếu tôi bỏ lỡ đường chuyền hoặc bỏ lỡ bàn thắng, mọi người sẽ có đủ thứ để nói về điều đó. Nhưng tôi vẫn sẽ chơi bóng theo cách mà tôi nghĩ là điều tốt nhất cho đội bóng, cho CLB, cho các đồng đội. Tôi sẽ tiếp tục làm điều đó.

Rủi ro lớn đồng nghĩa với phần thưởng lớn. Tôi không tung ra các đường chuyền để làm màu hay nhất định phải ghi bàn hoặc kiến tạo. Tôi làm điều đó vì tôi muốn giành chiến thắng trong các trận đấu. Dù tôi có ghi bàn hay không, kiến tạo hay không, điều quan trọng là chiến thắng."

Còn vấn đề hóc búa khác thì sao?

Fernandes khẳng định rằng mình phối hợp hiệu quả với Ronaldo

Fernandes chơi cho Man United và ĐT Bồ Đào Nha, vì vậy đương nhiên phải đặt ra câu hỏi về Cristiano Ronaldo - người đồng đội của anh trong cả hai màu áo. Các số liệu thống kê đơn giản nhất cho biết thành tích ghi bàn và kiến tạo của Fernandes ở mùa giải 2020/21 tốt hơn hẳn so với mùa giải năm ngoái khi đội hình MU có sự hiện diện của Ronaldo.

Fernandes đã đóng góp 29 bàn thắng và 19 pha kiến tạo trong 53 trận đầu tiên ở Premier League cho Man United. Trong 40 lần ra sân ở các giải đấu hàng đầu kể từ khi Ronaldo trở lại, anh chỉ ghi 8 bàn và có 7 đường kiến tạo.

Fernandes nói: "Mùa giải trước, hầu hết các pha kiến tạo của tôi là dành cho Ronaldo. Tôi đã có một mùa giải kém cỏi về mặt thống kê, nhưng Ronaldo thì chẳng có lỗi gì hết. Trước khi anh ấy đến, tôi thường đảm nhận việc sút penalty, nhưng tôi đã sút hỏng 2 quả phạt đền ở mùa giải trước. Vì thế, tôi không thể trách Cristiano khi anh ấy bước lên chấm phạt đền, đặc biệt là khi anh ghi bàn.

Ở trận gặp Arsenal vào tháng Tư, chính anh đã đưa bóng cho tôi và nói: 'Hãy ghi bàn đi'. Tôi đã sút trượt nhưng tôi cảm thấy rằng anh tin tưởng tôi sẽ là người dẫn dắt và ghi bàn trong những thời khắc quan trọng. Vì vậy, tôi không nghĩ nguyên nhân của việc tôi chơi không tốt vì Cristiano, mà là do bản thân tôi đã không cố gắng hết sức trong một số khoảnh khắc để ghi bàn hoặc kiến tạo.

Ở ĐTQG, chúng tôi sát cánh, và tôi đã ghi bàn khi anh có mặt trên sân. Có Ronaldo thật sự rất tốt vì ai cũng kiêng dè anh ấy và tạo ra nhiều khoảng trống hơn. Họ muốn ngăn chặn Ronaldo và thế là cứ hút hết vào anh ấy. Chẳng hạn như khi tôi 2 hai bàn vào lưới Bắc Macedonia (trong trận play-off giúp BĐN giành suất tham dự World Cup 2022), 1 bàn là do anh kiến tạo và bàn còn lại tôi ghi được nhờ khoảng trống Ronaldo tạo ra sau pha chạy chỗ của anh.

Tôi đã chơi bốn trận đấu gần nhất ở Premier League mà không có Cristiano trong đội hình và tôi chỉ ghi được 1 bàn thắng. Bạn thấy đấy, đâu phải vì Cristiano. Chỉ là vấn đề về thời điểm mà thôi. Đôi khi mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng xấu, khi khác nó lại trở nên tốt hơn. CR7 là một đồng đội thực sự tốt, và khi có một người chuyên tung ra những đường kiến tạo, đưa trái bóng đến đúng vị trí, Cristiano sẽ ghi bàn".

Thực hiện

Nội dung: Khôi Nguyên

Đồ họa & Thiết kế: Trần Linh

Một sản phẩm của Bangdaday.com

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: [email protected] | [email protected]
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: [email protected]

x
http://www.bangda7.com/bundles/jquery.js